Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ ‘vì dân’ bằng mở ra luật Biểu tình?


Ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ ‘vì dân’ bằng mở ra luật Biểu tình?

Đăng bởi Trung Lập on Chủ Nhật, ngày 21 tháng 2 năm 2016 | 21.2.16


Phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam vào tháng 2/2016 được mở đầu bằng một thất vọng xen lẫn chút ánh sáng lối ra.




Hình Internet.


Dường như không nằm trong chương trình được thông qua, nhưng dự luật Biểu tình vẫn được Ủy ban thường vụ quốc hội truy vấn các cơ quan liên quan là Bộ Công an và Bộ Tư pháp. Song lần này, có vẻ Bộ Công an “né” mà để lãnh đạo Bộ Tư pháp đứng lên trả lời. Như một bài bản có sẵn, Bộ trưởng tư pháp Hà Hùng Cường - người bị một số đơn thư tố cáo trong thời gian trước và trong đại hội 12 của đảng cầm quyền - xin “lùi luật Biểu tình” với lý do “còn nhiều ý kiến khác nhau”.


Đó là một dấu hiệu rất đáng thất vọng.


Trước đó, đã 2 lần Bộ Công an như quá sợ hãi với quyền biểu tình chính đáng của người dân - điều đã được ghi rõ từ Hiến pháp 1946.


Tháng 3/2015, Bộ Công an nại ra lý do để xin lùi trình luật Biểu tình: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”...; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình...”.


Cuối năm 2015, Cũng là Bộ Công an lại thập thò một đề xuất với Quốc hội về việc cho hoãn luật biểu tình với lý do “dự luật biểu tình đã được xây dựng xong, đã xin ý kiến các bộ ngành liên quan, nhưng một số vấn đề có tính chất nhạy cảm thì các bộ liên quan như Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp chưa cho ý kiến.”


Một luật gia cho rằng đã có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do chủ tịch Quốc Hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7, Tháng Sáu, 2014.


Tuy nhiên vào lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “ghi điểm” với dân quyền. Sau khi nghe Bộ trưởng tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình của Chính phủ xin rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình kỳ họp tháng 3/2016 của Quốc hội, ông Hùng chất vấn: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”, và đánh giá “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”.


Có đôi chút hy vọng để luật Biểu tình được ban hành ngay trong năm 2016, nếu các ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng có một chút thực tâm “vì dân” hơn.


Trong khoảng một năm trở lại đây, ông Nguyễn Sinh Hùng bất chợt trở thành nhân vật có nhiều phát ngôn ấn tượng nhất trong “tứ trụ” về “không phải muốn bắt ai thì bắt”, “nói hay thế mà một đồng tăng lương cũng không có là sao!”. Vào cuối năm 2015, ông đã ủy quyền cho chánh văn phòng Quốc hội lần đầu tiên thông báo công khai về từ ngữ quá đỗi nhạy cảm: “Xã hội dân sự”…


Có thể ông Nguyễn Sinh Hùng đang vận động theo hướng thay đổi - một kiểu cách dân chủ theo thuyết “hội tụ” - nằm giữa phương Tây và ý thức hệ bảo thủ của giai cấp tư sản đỏ Việt Nam.


Một lý do quan trọng khác để ông Nguyễn Sinh Hùng tỏ thái độ “cách mạng” hơn là sau đại hội 12, ông không còn nằm trong Bộ chính trị.


Lê Dung


(SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét