Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Tổ quốc trên hết: Vì sao cần sửa đổi luật bầu cử?


VNTB- Tổ quốc trên hết: Vì sao cần sửa đổi luật bầu cử?
Reply
opposite, Thảo Vy, Tổ quốc trên hết: Vì sao cần sửa đổi luật bầu cử?, VNTB
27.2.16

Thảo Vy

Tổ quốc trên hết! Nhà thơ Bùi Minh Quốc - Phó chủ tịch hội Nhà báo độc lập Việt Nam - một trong những người tự ứng cử quốc hội


(VNTB) - Một trong những chương trình hành động nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, ứng cử viên Bùi Minh Quốc cho biết sẽ lập một “Nhóm soạn thảo” để tiến hành soạn dự luật bầu cử sửa đổi nhằm đảm bảo quyền tự do ứng cử của công dân.
So với thế giới, trên thực tế Việt Nam vẫn chưa có bầu cử theo đúng nghĩa “phổ thông đầu phiếu”. Bộ Chính trị đã biến nguyên tắc mỗi người một phiếu trở nên vô nghĩa bằng cách tự cho mình đặc quyền lựa chọn ứng cử viên – đơn cử: Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04 tháng 01 năm 2016 của Bộ Chính trị “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký.


Bản sao của Trung Quốc
Mười bảy năm sau khi nắm quyền kiểm soát đối với Hồng Kông và cam kết thực hiện phổ thông đầu phiếu ở vùng lãnh thổ này, Bắc Kinh đã biến nguyên tắc mỗi người một phiếu trở nên vô nghĩa bằng cách tự cho mình đặc quyền lựa chọn ứng cử viên. Trong khi Hồng Kông gồng mình trước cú sốc từ sự đảo ngược xu thế dân chủ hóa này, cộng đồng quốc tế nghi ngại về tương lai của Hồng Kông và vị thế của họ trong con mắt của thế giới.
Năm 1997, Hồng Kông trở về với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng lời hứa từng bước chuyển đổi sang một chính quyền dân cử. Năm 2010, Trung Quốc làm dấy lên hi vọng rằng trong cuộc bầu cử năm 2017, quyền phổ thông đầu phiếu có thể sẽ được áp dụng với các chi tiết cụ thể sẽ được làm rõ sau. Lý Phi, quan chức cấp cao của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tương đương Quốc hội ở Việt Nam), công bố kế hoạch vào ngày 31 tháng 8-2014, và tin tức đã gây choáng váng Hồng Kông: Trung Quốc sẽ sàng lọc ứng cử viên cho vị trí Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông và ấn định danh sách cuối cùng từ hai đến ba ứng cử viên, do đó phủ nhận quyền bầu cử cho danh sách ứng cử viên mà họ thích của nhiều người trong số 7 triệu dân ở Hồng Kông.
Tương tự, Chỉ thị 51-CT/TW, yêu cầu “gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ” để chọn người ngồi vào 500 ghế ở nghị trường khóa 14. (Xem thêm: http://www.ijavn.org/2016/02/vntb-can-cham-dut-ngay-viec-ang-cu-bo.html)


Chỉ có Việt Nam quy định về cơ cấu thành phần!
Trong “Báo cáo tổng quan về luật bầu cử một số nước trên thế giới” ký ngày 11 tháng 9 năm 2014 của Ban soạn thảo luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND, có đoạn viết: “Qua nghiên cứu, Ban soạn thảo cũng chưa thấy pháp luật nước nào quy định về việc dự kiến và điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội như nước ta. Điều này cũng là một cân nhắc quan trọng cho chúng ta trong việc nghiên cứu xây dựng dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này.
Thực tế việc cân đối giữa tiêu chuẩn, chất lượng và cơ cấu luôn là vấn đề đặt ra cho mỗi cuộc bầu cử tại nước ta. Cần nghiên cứu và có một cách nhìn mới về tính đại diện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Để Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoạt động hiệu quả, có chất lượng, thì việc chú trọng nâng cao chất lượng của đại biểu là hết sức quan trọng”.
Các ứng cử viên tại Việt Nam chỉ chịu mỗi sự cạnh tranh trong nội bộ đảng của mình, không bị cạnh tranh với ứng cử viên của đảng phái khác. Chỉ thị 51-CT/TW của Bộ Chính trị còn giới hạn danh sách bầu cử gồm chỉ những người tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản, và điều này triệt tiêu luôn mọi cạnh tranh lành mạnh trong chính nội bộ của đảng.


Không có sự cạnh tranh về ứng cử viên
Việc giới thiệu ứng cử viên là một công việc hết sức quan trọng trong mỗi cuộc bầu cử. Mặc dù pháp luật của rất ít quốc gia quy định các đảng phái được đặc quyền giới thiệu ứng cử viên, nhưng trên thực tế, các đảng phái chính trị đóng vai trò rất lớn trong việc giới thiệu ứng cử viên. Việc giới thiệu này đã trở thành một trong những chức năng chính trị lớn nhất của các đảng phái chính trị. Chính vì vậy, trong thế giới tư bản, bầu cử là cuộc đấu tranh hết sức gay gắt giữa các đảng phái. Tranh cử hiện tại ở Hoa Kỳ là một ví dụ.
Về nguyên tắc, đảng nào giành được một số lượng ghế nhất định trong cuộc bầu cử trước sẽ có quyền giới thiệu ứng cử viên trong cuộc bầu cử tiếp theo. Hoặc đảng nào chỉ cần nhận được một số lượng phiếu nhất định trong cuộc bầu cử lần trước sẽ có quyền giới thiệu ứng cử viên.
Ở Cộng hoà liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu Nghị viện là độc quyền của các đảng phái chính trị. Những đảng có từ 5 ghế trở lên trong Nghị viện mới có quyền giới thiệu ứng cử viên Nghị sĩ khoá tiếp theo. Những đảng mới được thành lập, muốn được giới thiệu phải đệ trình cơ quan phụ trách bầu cử cấp liên bang những chứng từ có liên quan đến hoạt động của đảng mình như điều lệ, cương lĩnh, số lượng đảng viên và các cơ quan cấu thành.
Ở Mỹ, các đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ thực hiện quyền đề cử của mình bằng cách tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng của mình và đưa các ứng cử viên nhiều triển vọng nhất ra tranh cử. Theo luật bầu cử Pháp, vì một nghị sĩ không thể đồng thời là thành viên của Chính phủ, nên khi giới thiệu ứng cử viên, các đảng tham gia có thể cử một ứng cử viên chính thức và một ứng cử viên dự bị. ứng cử viên này sẽ được thay thế trong trường hợp nghị sĩ trúng cử được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, làm thành viên của Hội đồng Hiến pháp hoặc được giao công việc của Chính phủ với thời hạn trên 6 tháng.
Ngoài việc giới thiệu ứng cử viên do các đảng phái tiến hành, các ứng cử viên tự do cũng có quyền tự ứng cử. Mặc dù đây là một quyền năng cơ bản của công dân, thực tế cho thấy khả năng thắng cử của các ứng cử viên tự do là không nhiều. Chỉ có các nhân sĩ nổi tiếng mới hy vọng thắng cử.


Ngân sách quốc gia chi rất ít cho bầu cử
Ở Việt Nam, tất cả mọi chi tiêu cho bầu cử đều lấy từ ngân khố. Thông tư số 06/2016/TT-BTC do thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải ký ban hành ngày 14 tháng 01 năm 2016, là một dẫn chứng.
Ở nhiều nước, tài chính đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của các ứng cử viên và các đảng phái tham gia tranh cử. Bởi vậy, pháp luật bầu cử của các nước này đều quy định giới hạn tối đa số tiền mà mỗi ứng cử viên được phép chi cho vận động tranh cử, như ở Ấn Độ, Nga, Pháp, Malaysia, hoặc số tiền mà mỗi đảng chính trị được phép chi cho vận động tranh cử, như ở Đức, Mỹ, Italia. Ngoài ra, pháp luật cũng có các quy định về nguồn kinh phí được phép trang trải cho vận động tranh cử, các phương thức sử dụng tài chính và số tiền tối đa được phép chi cho mỗi hoạt động tranh cử.
Về nguồn kinh phí của vận động tranh cử, pháp luật bầu cử của các nước quy định một phần chi phí cho vận động bầu cử do Nhà nước đài thọ, còn lại phần lớn chi phí do các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân quyên góp. Đồng thời pháp luật bầu cử cũng hạn chế việc đóng góp cho ứng cử viên thông qua việc quy định mức độ quyên góp tối đa của các tổ chức và cá nhân cho ứng cử viên hay cho đảng chính trị.

Đối với các ứng cử viên tự do, không thuộc đảng phái nào, thì họ phải lấy được một số lượng nhất định chữ ký giới thiệu của cử tri và phải nộp khoản tiền bảo đảm tuỳ theo quy định của pháp luật từng nước. Ở Australia phải có ít nhất 50 cử tri ủng hộ. Tại Bỉ, ứng cử viên phải thu thập được từ 200 đến 500 chữ ký của cử tri… Hoàn toàn không có “vòng hiệp thương” do cơ quan Mặt trận Tổ quốc tổ chức như ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét