Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Dân tộc gặt hái bất hạnh vì các ông quen thói dối trá”


VNTB - “Dân tộc gặt hái bất hạnh vì các ông quen thói dối trá”
Thịnh Toàn





(VNTB) - “Các ông có thể đã rất quen với thói dối trá nhưng đừng để cả dân tộc này, đất nước này phải gặt hái một số phận bất hạnh từ tính cách đó của các ông!” – bà Nguyễn Thị Oanh trong một status phản ứng với ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT & DL) cùng với ông Trần Văn Tân (Tổng đại diện VN tại Expo Milan) trong vụ liên quan đến Expo Milan 2015.


Phẫn nộ căn bệnh thể chế


Sự phẫn nộ của bà Oanh liên quan đến cách trả lời của ông Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế và ông Tổng đại diện VN tại Expo Milan về vấn đề liên quan đến công tác tổ chức gian hàng Việt Nam tại Expo Milan 2015 “sơ sài, đơn điệu và bất cập”, vấn đề là dù hai ông nằm trong ban tổ chức – tức đã nắm tình hình, tuy nhiên 2 ông đã thể hiện sự “vô cảm, vô trách nhiệm với đất nước” khi cho rằng, hình ảnh bà Oanh chụp được là hình ảnh đã cũ, đánh giá bà Oanh thiếu thiện chí trong phản ánh, quan điểm Expo là cơ hội cho tư nhân vào bán hàng thay vì quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…


Dối trá của những người quan chức như ông Nguyễn Trùng Khánh hay cách ông Trần Văn Tân khỏa lấp sự thật chỉ là mảng rất nhỏ, rất nhỏ trong cái xã hội này. Khi mà lời hứa và việc làm đã không đi đôi với nhau, mà có xu hướng, trào lưu là nghịch chiều nhau. Hàng tá lý do để nhìn ra căn bệnh này, và đều đi đến một kết luận duy nhất, là khi sự thật không gây dựng và bảo vệ được thể chế, thì nó sẽ bị thể chế và con người thuộc về thể chế phủ nhận.
Vì thế, dối trá trở thành căn bệnh của xã hội này và là chứng nan y của giới lãnh đạo. Sự dối trá nó lấp liếm nhiều tác hại và ngụy biện về hành vi sai trái, đến nỗi, đã có thời kỳ, người ta tái lặp sự dối trá liên tục để trở thành “tuyên truyền”. Những hệ quả của sự dối trá được đút kết thành những kinh nghiệm mà người ta thường gọi tắt là “sai lầm, duy ý chí”.


Chủ trương sự dối trá


Người Việt Nam rất “may mắn” khi được chứng kiến hầu hết các thể loại “dối trá” từ trong xã hội cho đến hành vi ứng xử của lãnh đạo, và bậc cao nhất của sự dối trá được trang trí một cách tỉ mĩ và đầy tính chính trị tập thể, gọi nôm na là “chủ trương và sự cần thiết.”


Nếu sự dối trá của ông Tân, ông Khánh trong Expo Milan 2015 khiến cho Việt Nam đánh mất một phần cơ hội trong thu hút khách du lịch, thì dối trá qua ngôn từ “chủ trương” từng chút một rút cạn nguồn lực của xã hội.


Dối trá của lãnh đạo qua chủ trương phản chiếu sự vô tắc, vô trách từ trong bộ máy được bầu bán. Giống như câu chuyện đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 13 kể từ khi đưa vào sử dụng từ năm 2012, , ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hơn 70.000 hộ dân, và mỗi lần vỡ thì tiền tỷ lại được chi ra để sửa chữa. Ống sẽ vỡ đến 1x lần nữa, mặc cho các cơ quan lên tiếng trấn an, lãnh đạo lên tiếng chỉ đạo nghiêm khắc, những con tốt thí tiếp tục ra tòa nhưng những thông tin cần nhất nhằm cung cấp cho dân thì bị “ém”… và đến một lúc, người dân đến sẽ coi đó là chuyện “thường ngày” và nghiễm nhiên “trách nhiệm thuộc về toàn dân.”


Hệ quả “trách nhiệm” tập thể từ sự dối trá trong điều hành và chỉ đạo của giới lãnh đạo đã góp phần đưa nợ công của Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất thế giới theo bản đồ mới nhất vừa được ngân hàng Bank of America công bố. Tổng nợ công (nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 54,5% GDP 2013 lên mức 59,6% năm 2014. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam hiện đang “hưởng” hơn 1.200 USD nợ công.


Dối trá vẫn ngang nhiên tồn tại, nó bám chặt vào thể chế, dối trá cá nhân là sự cụ thể hóa dối trá thể chế, thể chế tác động ngược lại và tương hỗ cho cá nhân. Gần đây nhất, người dân Việt Nam tiếp tục được xem bản tin “thời sự hàng ngày” theo mô-tuýp như thế. Theo đó, mặc dù gặp nhiều sự phản đối nhưng bảo tàng Lịch sử Quốc gia được người đứng đầu chính phủ đánh giá đây là đầu tư “cần thiết và là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay”. Và việc xây dựng là để xứng tầm với lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc.


Những câu nói, quyết định, chỉ đạo đầy quen thuộc. Bởi người dân biết tỏng những dự án “cần thiết và là chủ trương” đến từ sự dối trá về “lợi ích” đã và đang đi đến đâu, lỗ và đang lỗ như thế nào.


Dối trá và khoảng trống thông tin


“Chủ trương và sự cần thiết” độc tôn về ngôn ngữ và ý nghĩa, độc tôn về quyền lực và vai trò, đỉnh cao của sự ngụy biện và dối trá. Nó tồn tại như một quy luật tất yếu và khách quan trong một xã hội chưa trưởng thành, một nền dân trí bị “u mê” bởi sự áp đặt lâu nay. Phê phán “chủ trương”, đánh thẳng vào sự dối trá đến cùng cực, đều đó đồng nghĩa với việc đánh đổi quyền lợi của chính người đang phê phán.


Gần đây, trong một bài viết liên quan đến mục “Chống diễn biến hòa bình” trên báo Nhân Dân, có trích dẫn chia sẻ của bạn Trần Thị Thúy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong đó bạn cho rằng, mình “nhận rõ hơn những âm mưu, thủ đoạn thông tin mà các thế lực thù địch, phản động đang tiến hành trên internet. Quả thực, những âm mưu và thủ đoạn ấy vừa tinh vi, vừa trắng trợn...” trong đó, có “một thủ đoạn khác đang phát huy tác dụng là việc họ lợi dụng những “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng.” Thực ra, khoảng trống thông tin mà cô sinh viên Học viện báo chí và Tuyên truyền nêu ra sẽ không có nếu báo chí chính thống có sự kịp thời khi bản thân giá trị quyền lực này được hưởng tự do hoạt động trong nghề nghiệp của mình mà không phải cần bị đặt lên chức vụ, công cụ cho ai đó nhằm bôi dầu, tra mỡ cho sự dối trá của lãnh đạo – cũng như chính cái tên trường mà cô đang học vậy. Và khoảng trống thông tin vẫn sẽ tồn tại, cho đến khi “tuyên bố” từ các quan chức không còn mang tính quyền lực áp đặt, để biến trắng thành đen, mà là sự đúng sai đến từ luật định; cũng như thay vì sự dối trá lẩn khuất sau cụm từ “chủ trương, quyết tâm” là sự rõ ràng, thẳng thắn, khoa học khi “chỉ đạo” bất kỳ vụ việc, hiện tượng nào nảy sinh ra trong xã hội.


Còn nếu không, dân tộc này vẫn sẽ tiếp tục “gặt hái” hệ quả từ những tuyên bố, hứa hẹn, quyết tâm dối trá nêu trên dưới bình phong đầy quyền uy, trịch trượng mang tên “lãnh đạo nhà nước”.



'Điêu tàn' không còn là từ ngữ ám chỉ bộ mặt đất nước trong thời kỳ chiến tranh nữa, mà nó hiện hữu ngay trong hòa bình. Bởi một khi “lãnh đạo” coi sự dối trá là điều bình thường, người dân coi sự dối trá của quan chức là hiển nhiên thì, “Một xã hội không có sự trung thực là một xã hội không an toàn, không lành mạnh và không thể sống.”, theo như quan điểm của Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét