Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

70 năm qua, nhân dân ta chưa một ngày yên hàn để xây dựng đất nước

Ảnh minh họa

VNTB - 70 năm qua, nhân dân ta chưa một ngày yên hàn để xây dựng đất nước
Nói lên hiện tương, mà không tìm thấy nguyên nhân.

Đinh Liên (VNTB) 70 năm qua, “Đảng ta” chưa một ngày yên hàn để lo việc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước. Quả đúng như thế, với hàng loạt cuộc chiến về mặt quân sự, lẫn chính trị như nhà báo Nguyễn Như Phong chỉ ra. Nhưng có vẻ nhà báo Nguyễn Như Phong đã cố tình quên đi cái “công lao” của Đảng, với tư duy xơ cứng và quan điểm “nhất biên đảo” đã đã khiến Việt Nam rơi vào tình trạng như vậy.

Nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao Trần Quang Cơ, người đã xót xa thừa nhận rằng, chính “Tư duy chính trị xơ cứng đã giam giữ nước ta trong cảnh khó khăn một thời gian dài”.Bởi, “Rõ ràng năm 1977 chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và năm 1977 đã có khả năng thực tế để ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng ta đã bỏ qua. Trong khi đó, theo sự xúi giục của Bắc Kinh, chính quyền Polpot bắt đầu chiến tranh biên giới”. Chính vì cực đoan trong ý thức hệ, khiến “chính quyền Carter đã chọn con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và gác sang bên việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam” tới “17 năm sau”.

Ai đã làm bỏ lỡ cơ hội đó, thưa nhà báo Nguyễn Như Phong? Tư duy xơ cứng của ai, tổ chức nào đã khiến nhân dân ta chưa một ngày "yên hàn để lo việc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước?"

Cho đến nay, khi tư duy chính trị xơ cứng tạm thời được rút những bài học kinh nghiệm thì tư duy kinh tế xơ cứng lại nổi lên. Không hình tượng nào biểu đạt hết con tàu Vinashin bị chìm sâu vào trong lòng biển, kéo theo hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân; cũng không thể không kể đến một bauxiteTây Nguyên vẫn đang ngày ngày cầm cự lỗ mặc dù ưu đãi hết sức; chưa nói đến nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) hay Dung Quất (Quảng Ngãi) cạnh tranh bằng sự “nuông chiều” chính sách và tài chính; và rằng, từ sau giải phóng đến nay, nhà nước vẫn vay nợ ODA để phát triển nhưng lại không thực thi đầy đủ trách nhiệm giám sát khiến nguồn vốn này chẳng những sử dụng không hiệu quả, mà còn gây thất thoát, lãng phí…

Ấy thế mà nhà báo Nguyễn Như Phong vẫn giữ “quyết tâm chính trị hóa quan điểm” khi hờn trách những trí thức, học giả trong nước khi họ lên tiếng về một đất nước “không chịu phát triển”, lên án nạn quan liêu, tham nhũng.

Nhà báo Nguyễn Như Phong biết dùng “ôn cố tri tân” với hình ảnh gần 2 triệu người đã chết trong nạn đói năm 1945, thì nhà báo cũng cần phải biết nhìn thẳng vào sự thật là, mỗi một người dân Việt Nam hiện nay đang gánh con số nợ công lên đến 1.200 USD/ người, và tất nhiên, nó là món quà do lãnh đạo “Đảng và nhà nước” đã cố gắng “yên hàn”.

Quá khứ không phải là thứ để “gặm nhấm” và nó càng không phải là cái cớ hữu hiệu để che đậy cho sự yếu kém trong quản lý, điều hành kinh tế và các chính sách ngoại giao sau ngày “giải phóng” của “Đảng ta, nhà nước ta”.

Nếu nhà báo Nguyễn Như Phong còn chưa thể nhìn vào sự thật của đất nước với tư duy xơ cứng về kinh tế - chính trị, chưa dám đưa tham nhũng, quan liêu thể chế lên đoạn đầu đài, mà mãi hờn trách những ai dám nói thật, thì có lẽ, Việt Nam ta vẫn sẽ chưa thể có một ngày “yên hàn” thực sự thật.








Tin liên quan: Cần 'tái cấu trúc' lại con người Việt Nam


70 năm qua, nhiều lúc chúng ta cứ quen ngửa mặt lên trời, vỗ ngực mà tự hào chứ không dám cúi nhìn xuống xem gót chân mình lấm đến đâu để mà gột rửa.


Năm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. 70 năm qua, tính từ ngày 2-9-1945 cho đến nay, nếu nói một cách chính xác thì đất nước ta chưa được một ngày yên ổn.


Hết cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ giành lại non sông về một mối.


Sau Chiến thắng lịch sử 30-4-1975, những tưởng đất nước ta từ nay sẽ yên bình vắng tiếng súng, nhưng chưa yên ổn được ngày nào lại xảy ra Chiến tranh Biên giới Tây Nam mà nguyên do là “ông bạn lớn” Trung Quốc giật dây đám Khmer Đỏ Pol Pot gây sự; rồi hết biên giới Tây Nam lại đến Chiến tranh Biên giới phía Bắc, tiếp theo là sự cấm vận của Mỹ, Trung Quốc, sự chống phá quyết liệt của một số nước thù địch phương Tây, với đủ mọi hình thức khác nhau.


Rồi “ông bạn lớn” Trung Quốc lại nổ súng chiếm một số đảo thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa; rồi họ ngang nhiên kéo giàn khoan vào vùng biển nước ta để khoan, đổ đá, đổ đất để xây dựng với mưu đồ bất di bất dịch: Độc chiếm Biển Đông.


Đúng là 70 năm qua, Đảng ta, đất nước ta và nhân dân ta chưa được một ngày yên hàn để lo cho việc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước.


Ấy vậy mà gần đây cũng lại có một số luận điệu, mà điều đáng nói là những luận điệu này lại chính từ những người mang tiếng là trí thức, học giả trong nước. Họ rêu rao rằng, Việt Nam là một đất nước “không chịu phát triển”, rồi là Cách mạng Tháng Tám là “cách mạng” hay “cuộc khởi nghĩa”, rồi họ liệt kê ra đủ mọi thứ trì trệ trong xây dựng phát triển kinh tế, rồi bới móc nạn quan liêu, tham nhũng.


Thậm chí cũng có những người nói rằng 70 năm qua, Đảng Lao động Việt Nam trước kia là Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân giành độc lập tự do cho Tổ quốc, và thời nào thì cũng có sự thay đổi và bộ máy chính trị phải thay đổi…


Cổ nhân có câu: “Ôn cố tri tân” - nhớ lại chuyện cũ để biết giá trị của cái mới. Hình ảnh gần 2 triệu người chết đói năm 1945 cho đến bây giờ vẫn chưa phai trong tâm khảm nhiều người.


Rồi những cuộc chiến tranh tàn bạo do Pháp, Mỹ, Trung Quốc gây ra mấy chục năm qua đã chứng minh một điều, nếu như chúng ta không giành được độc lập thì Việt Nam chắc chắn không có tên trên bản đồ thế giới hiện nay.


Và chưa biết chừng dải đất hình chữ S này sẽ bị chia ra làm ba. Rồi khi các nước Đông Âu sụp đổ, nước Liên Xô XHCN tan rã, những phần tử cơ hội chính trị, thế lực phản động hí hửng trông chờ vào một ngày xấu trời nào đó, nước Việt Nam sẽ không còn là XHCN nữa.


70 năm qua, chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực: Đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập tự do. Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia; Xây dựng và phát triển kinh tế và đã trở thành một nước đi đầu trên thế giới về xóa đói giảm nghèo.


Sự vĩ đại đó lẽ ra cần phải được tôn vinh cao hơn nữa và đặc biệt là phải làm cho mỗi một người dân từ các cháu bé cho đến cụ già hiểu được điều này, nhưng tiếc thay có những điều chúng ta đã không làm được. Thôi thì bây giờ không phải là lúc trách cứ việc này, việc khác mà vấn đề là phải nhìn về phía trước để có những ứng xử thay đổi phù hợp.


Một trong những vấn đề gần đây được nói đến rất nhiều là chúng ta xây dựng nềnkinh tế thị trường định hướng XHCN và mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam có chế độ xã hội công bằng, dân chủ văn minh.


Chúng ta nói nhiều đến tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc từng doanh nghiệp, làm sao cho đạt hiệu quả tốt hơn, đi đúng hướng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng…


Việt Nam bây giờ không thể đứng lẻ loi một mình và xây dựng nền kinh tế khép kín theo kiểu “tự cung tự cấp”. Thế giới bây giờ đã đổi thay một cách cực kỳ mạnh mẽ.Chưa bao giờ ảnh hưởng của quốc gia này với quốc gia khác lớn đến như vậy; Và cũng chưa bao giờ các vấn đề an ninh phi truyền thống lại đặt ra và giải quyết cấp bách như bây giờ.


Trong bối cảnh như vậy, có một điều chúng ta xoay xỏa không kịp là vấn đề con người. Nhìn đi nhìn lại thì vẫn thấy người Việt Nam đang bộc lộ những khiếm khuyết, thói hư tật xấu mà có những cái ngày càng nghiêm trọng, nặng nề: Đó là thiếu ý thức kỷ luật trong lao động; Đó là tính háo danh, sĩ diện hão; Đó là tính tiểu nông trong khi phải đi lên công nghiệp hóa.


Ở một chừng mực nào đó thì một bộ phận người Việt đã tự làm xấu đi hình ảnh của nước Việt trong con mắt bạn bè nước ngoài.


Người lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc thì chỉ tìm cách trốn ở lại, rồi nữa việc Indonesia cho nổ tung tàu cá vào vùng biển của họ để đánh trộm cá… Những việc đó đừng trách ai cả mà trách chính người Việt chúng ta.


Một thực tế không thể không nhìn thấy đó là về chính trị chúng ta được các nước trên thế giới tôn trọng, thậm chí được đánh giá cao. Nhưng ở một góc độ nào đó vẫn phải nhìn thấy rằng, Việt Nam chưa được các quốc gia tôn trọng một cách thực chất, các nước lớn vì lợi ích của mình vẫn có những cuộc mặc cả sau lưng chúng ta và trong từng giai đoạn lịch sử, họ đã lấy Việt Nam ra làm món hàng ngã giá với nhau.


Vậy để không trở thành món hàng trong tương lai nữa thì rõ ràng chúng ta không thể trông mong gì ở cái gọi là “tình hữu nghị” mà chúng ta chỉ trông mong vào chính nội lực của mình. Thế giới sẽ chỉ tôn trọng Việt Nam nếu như Việt Nam độc lập tự chủ được về chính trị, kinh tế, quân sự.


Còn nếu bất cứ điều gì chúng ta không làm được, phải dựa vào nước ngoài thì có nghĩa rằng, chúng ta vẫn phải ngửa tay đi xin, và mong chờ sự thông cảm, ủng hộ giúp đỡ.


Chúng ta xây dựng một nền kinh tế mới theo một con đường mới. Ấy vậy mà việc, đào tạo lại con người Việt Nam cho phù hợp với sự phát triển của thời đại lại chưa theo kịp được yêu cầu.


Ngành giáo dục Việt Nam bao năm nay cứ loay hoay với những đề án cải tiến giáo dục nhưng hình như càng cải tiến thì chất lượng học sinh lại càng thụt lùi. Chúng ta đã đặt ra quá nhiều tham vọng, mục tiêu cho tất cả các ngành nghề lĩnh vực mà không biết rằng ôm đồm quá, tham lam quá thì cuối cùng làm cái gì cũng như “chuồn chuồn đạp nước”.


Có câu, “thà ít mà tốt”. Nếu chúng ta không biết “thà ít mà tốt” mà làm cái gì cũng cứ thích to tát, hoành tráng để thỏa mãn cái tôi, háo danh sĩ diện của mình thì cuối cùng sẽ chẳng có cái gì tốt cả.


Ngày trước, từng có tiêu chí xây dựng con người Việt Nam trong chiến tranh khá rõ. Vậy tiêu chí bây giờ của con người Việt Nam hôm nay là gì. Và để xây dựng tiêu chí đấy thì bắt đầu từ đâu…


70 năm qua, nhiều lúc chúng ta cứ quen ngửa mặt lên trời, vỗ ngực mà tự hào chứ không dám cúi nhìn xuống xem gót chân mình lấm đến đâu để mà gột rửa.


Đã đến lúc phải phát huy lại tinh thần Cách mạng Tháng Tám - thay cũ đổi mới và cần phải có một cuộc cách mạng đối với con người là “tái cấu trúc” lại chính con người.


Theo Nguyễn Như Phong (Năng lượng Mới 452+453)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét