Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Chân dung Đặng Vũ Ngoạn: Ăn gì mà tạp thế, hiệu trưởng ơi!


Hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn
 Chân dung Đặng Vũ Ngoạn: Ăn gì mà tạp thế, hiệu trưởng ơi!
1
Nguyễn Tuấn, VNTB, Xã hội
10.2.15
(VNTB) - Hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nổi tiếng chịu chơi khi ký quyết định “bổ sung hình phạt” đuổi học nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên với lý do… Tòa đã “chỉ xử” Uyên “tù treo”. Ông hiệu trưởng này còn chịu chơi khi tự cho mình được hưởng mức lương ngất ngưởng: hơn 180 triệu đồng/tháng.


“Lem nhem” tiền bạc

Ngày 29-11-2013, hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Đặng Vũ Ngoạn ký Quyết định số 1926/QĐ-DCT, buộc thôi học đối với sinh viên Nguyễn Phương Uyên.

Lý do là Phương Uyên đã vi phạm pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể: Phương Uyên tham gia rải truyền đơn có nội dung được cho là đã “xuyên tạc, bịa đặt chính sách tôn giáo, chính sách đất đai của Nhà nước cũng như quan điểm lệch lạc về Trường Sa - Hoàng Sa và biên giới đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc; kêu gọi người dân đứng lên biểu tình chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam...”.

Quyết định này của hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn được nhìn nhận là trái pháp luật, vì hành vi vi phạm (nếu có) của Nguyễn Phương Uyên đã được xử lý bằng bản án có hiệu lực. Trong bản án này không yêu cầu phần tố tụng dân sự “buộc thôi học” đối với công dân Nguyễn Phương Uyên.

Tuy nhiên nếu xem xét trong suốt thời gian “giữ ghế” hiệu trưởng, ông Đặng Vũ Ngoạn đã có nhiều “lem nhem” tiền bạc kéo dài dẫn đến việc giáo viên phải làm đơn tố cáo…

Phải đến cuối năm vừa qua, Bộ Công Thương mới ký quyết định thành lập đoàn xác minh nội dung đơn tố cáo tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM.

Đoàn xác minh do bà Lê Thị Phương Hoa, Phó Chánh Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn. Theo đó, đoàn sẽ tập trung xác minh các nội dung chính liên quan thành tích cá nhân của hiệu trưởng trường (kê khai thành tích cá nhân để nhận bằng khen của Thủ tướng, huân chương Lao động hạng Ba và thủ tục nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú); thu học phí nhưng không nộp vào kho bạc nhà nước mà cho ngân hàng vay; lập quỹ “đen” với số dư 20 tỉ đồng; vay tiền ngân hàng 20 tỉ đồng mặc dù trường luôn có quỹ tồn dư hàng tỉ đồng; thuê năm cơ sở với diện tích nhỏ, không có chỗ gửi xe với giá thuê cao gần nửa tỉ đồng để hưởng lợi.

Tiền gì cũng xơi

Qua quá trình khai báo thuế, vài nhân viên đã tình cờ phát hiện sự vô lý trong thu nhập của hiệu trưởng nên quyết định gửi bảng lương cho toàn thể giáo viên, nhân viên trong trường cùng biết.

Ngoài tiền lương khá cao (40 triệu đồng/tháng) và tiền trách nhiệm, ông hiệu trưởng Ngoạn còn “vô tư” hưởng thêm hàng loạt các khoản khác như phụ cấp kiêm nhiệm ban quản lý ký túc xá, quản lý trung tâm (10 triệu đồng/tháng), tiền ngồi các hội đồng quản lý ra đề thi, hội coi thi, hội đồng chấm thi… (26 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, ông hiệu trưởng còn chỉ đạo buộc các bên bảo hiểm, xây dựng cơ bản phải chung chi hoa hồng 20 – 40% để hưởng chênh lệch vào túi riêng. Ông Ngoạn đã công khai nhận tiền quản lý bìa, văn bằng, chứng chỉ học sinh (12 triệu đồng), tiền khám sức khỏe học sinh sinh viên (2 triệu), tiền đồng phục học sinh (25 triệu), tiền thẻ học sinh sinh viên (13 triệu đồng), tiền quản lý, đào tạo lớp dạy nghề chế biến thủy sản, lớp vệ sinh an toàn thực phẩm (13 triệu đồng)…

Thậm chí việc phát thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh sinh viên, ông hiệu trưởng cũng được hưởng 6 triệu đồng.

Quỹ đen chi cho ai?

Thu nhập quá “khủng” của ông hiệu trưởng như vậy là có vấn đề trong bối cảnh toàn bộ nhân viên trong trường không ai vượt quá 15 triệu đồng/người/ tháng. Nhiều giáo viên bức xúc cho biết từ khi ông Đặng Vũ Ngoạn về nhận chức hiệu trưởng, tình hình tài chính của trường có nhiều thay đổi và bí mật hơn trước. Nào là thay đổi quy chế chi tiêu nội bộ, thay đổi cách tính thu nhập phụ trội của giáo viên, nhân viên…

Sự nhập nhèm tài chính còn thể hiện rõ khi trường tự ý lập quỹ đen để “phục vụ công tác đối ngoại” với số tiền 20 tỷ đồng. Chưa hết, trường chủ động thuê 5 cơ sở diện tích chật hẹp, không có nơi gửi xe nhưng với giá thuê 500 triệu đồng/tháng nhằm hưởng “hoa hồng” lên tới mức 200 triệu đồng.

Ngoài mức lương khủng của ông hiệu trưởng được thể hiện cụ thể trong bản quyết toán thu nhập, thì vấn đề chi tiêu tài chính của Trường Đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM còn nhiều dấu hiệu khuất tất, như tiền học phí của sinh viên không được nộp vào Kho bạc nhà nước, mà đem cho ngân hàng vay, trong khi đó hiệu trưởng trường lại chỉ đạo đi vay ngân hàng số tiền 20 tỷ để thực hiện một số đề án, bất chấp nhà trường tồn dư hàng chục tỷ đồng!

Theo tài liệu tố cáo được gửi tới cơ quan báo chí, tiền lãi từ hoạt động gửi tiền ngân hàng, kho bạc trong năm 2012 là 7,43 tỷ đồng, năm 2013 là 8,42 tỷ đồng. Chi tiết khoản thu tiền lãi, kỳ hạn gửi, lãi suất... được xếp vào loại “tối mật”, cấm không được công bố. Báo cáo quyết toán thiếu hẳn phần luân chuyển tiền tệ giữa các tài khoản (dòng tiền). Đây chính là kẽ hở để nhiều tỷ đồng tiền lãi nghi vấn chảy vào túi riêng của ông hiệu trưởng.

Trong 2 năm 2012, 2013 mua sắm gần 400 máy vi tính, riêng năm 2012 mua hơn 250 máy vi tính với tổng giá trị hơn 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên hiệu trưởng khôn khéo lách luật, chia tách thành hơn 30 gói thầu có giá dưới 100 triệu đồng để chỉ định thầu. Hoa hồng từ hơn 30 gói thầu này là những con số góp vào quỹ đen giúp hiệu trưởng có thể “chạy ngọt ngào” chuyện “gì cũng ăn” ở nơi chuyên giảng dạy về “thực phẩm”.

Thời hạn 30 ngày cho “xác minh đơn tố cáo” do bà Lê Thị Phương Hoa, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công thương làm trưởng đoàn cũng đã đi qua hơn… một tháng rồi. Tuy nhiên sự thật về ông hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn “ăn tạp” ra sao thì vẫn tiếp tục chờ đợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét