Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017
Vì sao VN ‘dạy thí điểm quyền con người’ vào thời điểm này?
VNTB- Vì sao VN ‘dạy thí điểm quyền con người’ vào thời điểm này?
By Ban Biên tập
-10/09/2017
1
569
Share on Facebook
Tweet on Twitter
Phòng họp Hội đồng Nhân quyền của LHQ ... Liệu Vn còn giữ ghế được bao lâu ?
Thiền Lâm
Cali Today
Việt Nam – Cali Today News – Năm 2017, Việt Nam “bỗng dưng” quan tâm đến “quyền con người” – một cụm từ mà chính thể này luôn cố ý sử dụng để khỏi phải dùng từ “nhân quyền” theo cách gọi của phương Tây và các tổ chức Xã hội dân sự.
Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt một đề án về giáo dục, trong đó đề cập về quyền con người: “Học sinh từ mẫu giáo đến đại học sẽ được học về bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, quyền công dân theo pháp luật Việt Nam và quốc tế“.
Tuy nhiên, cơ chế dạy và học trên mới chỉ là thí điểm. Giới phản biện đã phản bác rằng trong số 63 tỉnh thành ở Việt Nam, chỉ có 3 tỉnh thành, đại diện cho ba miền được học thí điểm về quyền con người trong 4 năm tới; tại mỗi tỉnh chỉ có hai trường mỗi cấp học, mầm non và phổ thông, được dạy về quyền con người. Như vậy phải đợi tới năm 2025, hy vọng 100% các cơ sở giáo dục trên cả nước sẽ được dạy về quyền con người!
Với nhà báo Phạm Đoan Trang: “Tôi chẳng phấn khởi, càng không thấy đây là ‘dấu hiệu gì chăng’ như nhiều bạn đang tự hỏi. Nếu có gì thì đó là dấu hiệu cho thấy lại có cả một bộ sậu nào đấy đã, đang và sắp được ăn bẫm, ăn đủ nhờ đề án ‘đưa nội dung quyền con người vào trường học’ này“.
Nhiều người hẳn chưa quên câu chuyện “đề án đổi mới sách giáo khoa” của Bộ Giáo dục và Đào tạo có giá đến 34 ngàn tỷ đồng được đưa ra “vòi vĩnh” vào năm 2014, cũng là năm mà bức tường ngân sách quốc gia bắt đầu lộ ra những mảng trống hoác, khiến giới đại biểu quốc hội – dù quen ‘gật” – cũng phải chồm lên lắc đầu quầy quậy. Sau đó, giới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “chủ động” giảm giá của đề án này xuống chỉ còn vài phần trăm của con số 34 ngàn tỷ.
Nhưng “ăn bẫm” như nhà báo Đoan Trang nêu ra có phải là nguồn cơn duy nhất khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ quan tâm đến nhân quyền – một chủ đề mà cho đến nay vẫn bị giới chính trị xem là đặc biệt nhạy cảm ở Việt Nam?
Chính vào năm 2017 này, giới chóp bu Việt Nam một lần nữa phải có báo cáo cho Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc về những kết quả thực hiện nhân quyền theo các khuyến nghị mà các thành viên của Hội đồng đã gửi cho Việt Nam, tính từ thời điểm tháng 11/2013 khi Việt Nam được đặc cách xét cho một cái ghế trong Hội đồng này.Phòng họp Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc. Liệu hình ảnh đoàn Việt Nam có biến mất trong những năm tới? Ảnh: Zing.vn
Và một lần nữa trong rất nhiều lần, báo đảng ồn ã tung ra những bài viết theo cách “Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết thúc đẩy quyền con người”, trong đó không quên kể công “Việt Nam thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát lần đầu vào tháng 5/2009, nhận được 123 khuyến nghị từ 60 nước, chấp thuận 96 khuyến nghị, 5 khuyến nghị khác đã và đang được thực hiện tại thời điểm rà soát…”…
Cần nhắc lại, vào năm 2014, một trong những khuyến nghị từ quốc tế là Việt Nam cần đưa nhân quyền làm chủ đề giảng dạy trong hệ thống trường học các cấp và Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã hứa hẹn sẽ “nghiên cứu”. Tuy thế trong suốt ba năm sau đó, giới cầm quyền Việt Nam đã bặt tăm hồi âm về việc này, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chỉ lo “kiếm tiền”. Thậm chí, bộ này còn gây ra đủ thứ tai tiếng với “thành tích” tăng vọt học phí khiến rất nhiều học sinh nghèo phải bỏ học, cắt giảm thu nhập giáo viên khiến nhiều cô giáo phải bỏ dạy, có trường còn bắt sứ mệnh đứng trên bục giảng của các cô giáo thành nhiệm vụ hầu rượu mua vui cho đám quan chức mất nết và tục tĩu…
Nếu có được một nét gì đáng gọi là “thành tích” của chính quyền Việt Nam về nhân quyền, đó chắc chắn là việc chính thể này không ngần ngại ký vào đa số các văn bản thỏa ước nhân quyền mà quốc tế đề nghị Việt Nam ký. Thế nhưng lại chẳng khác với tình trạng “lạm phát đối tác chiến lược” với chẵn một chục đối tác loại này đã ký với Việt Nam song chẳng hề phát huy tác dụng, hay “Việt Nam có đến 15 hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) với các nước” nhưng lại chẳng có hiệp định nào mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều công ước quốc tế về nhân quyền đã được chính quyền Việt Nam ký kết để rồi bị xếp xó. Bằng chứng ngược ngạo nhất là trước và sau khi khi tham gia ký Công ước chống tra tấn quốc tế, số người dân Việt “tự chết” trong đồn công an nước này luôn có đà tăng theo thời gian. Cho đến nay, có đến hàng trăm cái chết như vậy. Trong khi đó, một nhà hoạt động nhân quyền – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – khi cố gắng biên soạn một tập tài liệu để phổ biến về những cái chết của dân do bị công an tra tấn, đã bị bắt giam và bị xử án đến 10 năm tù.
Trên phương diện đối ngoại, vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” vào tháng 7/2017 không chỉ làm bùng nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt mà còn rất xứng đáng trở thành một “thành tích nhân quyền” quá nổi bật trên thế giới…
Cho tới nay, không chỉ giới chức Hoa Kỳ, mà rõ ràng cả nhiều nước Tây Âu, và cả Đông Âu, đã đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, số người bị bắt bớ, đánh đập và sách nhiễu ngày càng tăng.
Nếu sắp tới Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc phải xem xét lại tư cách của chính quyền Việt Nam trong hội đồng này, nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp sẽ hầu như vô vọng về các nguồn lực từ bên ngoài, trở thành tác động trực tiếp và ghê gớm nhất đến chân đứng chính trị của chế độ.
Không còn cách nào khác, giới cầm quyền Việt Nam phải loay hoay tìm cách “mở quyền con người”, bắt đầu bằng việc “thí điểm dạy và học” vô cùng chậm chạp.
Kể cả khởi động chính sách “thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa”…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét