Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017
CÃI CHO CỤ NGUYỄN LÂN NHƯ THẾ, THÀ ĐỪNG CÃI!
Chu Mộng Long: CÃI CHO CỤ NGUYỄN LÂN NHƯ THẾ, THÀ ĐỪNG CÃI!
Chu Mộng Long
15-09-2017
TIẾN SĨ LÒ ẤP BỊA RA CÁI SAI CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG
ĐỂ ĐÁNH HÒA CẢ LÀNG???
Lời dẫn của Chu Mộng Long: TS. Lã Trọng Long không chịu mình dốt, cho nên tiếp tục cãi. Dốt thì ai cũng có nhưng phải biết mình dốt để học hỏi chứ cố tình cãi bậy thì bị mắng là đúng chứ đừng chụp mũ người ta xúc phạm. Đã khép lại vụ Từ điển Nguyễn Lân, nhưng thấy ngứa tai đành viết tiếp. Viết cho kẻ hay cãi và cho những người dễ bị mắc lừa đọc.
1) Lã Trọng Long chịu khó thống kê tổng mục từ trong Từ điển của Nguyễn Lân và số lượng mục từ chỉ ra sai sót của Hoàng Tuấn Công để kết luận Từ điển Nguyễn Lân: “Sai sót chiếm tỷ lệ 1,03%”. Họ Lã quên là Hoàng Tuấn Công chưa đủ thời gian và đủ sức chỉ ra hết tất cả những cái sai mà chỉ dồn vào những cái sai căn bản và tối thiểu trong cái từ điển ấy.
2) Để đánh hòa cả làng, Lã Trọng Long chỉ ngược lại cái sai của Hoàng Tuấn Công. Nhưng rất tiếc toàn cắt xén và bịa đặt để đánh lừa những người không đọc sách.
- Mục từ “bát dật”, Hoàng Tuấn Công giải thích rành rành: “Dật” ở đây không phải là “yên vui” mà có nghĩa là hàng. Không biết chữ “dật” với nghĩa “yên vui” có tự hình như thế nào, và GS. Nguyễn Lân căn cứ vào sách nào?” Lã Trọng Long bịa ra: "Múa bát dật theo Từ điển phổ thông Trung Quốc: dật là xếp hàng mà múa hát chứ không phải như giải thích: dật: hàng dật mà Hoàng Tuấn Công đã viết ở trên”. Ừ, Hoàng Tuấn Công có dựa vào Từ điển Thiều Chửu: Dật: hàng dật, mà tôi thấy Từ điển phổ thông, Từ điển Trần Văn Chánh cũng đều giải thích như vậy cả, ông Lã ạ. Có lẽ ông bắt bẻ Từ điển Thiều Chửu ghép “hàng dật” là sai?
Ông Lã dẫn sách "Minh Mệnh chính yếu" với cái lí “mỗi khi Hoàng đế (Minh Mệnh) kể lại công đức của tiên đế, Ngài luôn than khóc...” từ đó suy ra phải sau Minh Mệnh nguyên niên 10 năm thì không rõ đó là cái lí gì? Cứ than khóc là mất 10 năm?
Tôi cũng không rõ trình độ Hán văn của ông Lã cỡ nào mà dịch câu: “Văn vũ vũ sư các nhị nhân, vũ sinh lục thập tứ nhân, phân tả hữu nhị liệt” thành “Văn vũ thì dùng bát dật, chia thành 2 hàng tả hữu” rồi kết luận như đinh đóng cột rằng, 2 hàng chứ không phải 8 hàng? Trong khi câu ấy hoàn toàn đúng với ý của Hoàng Tuấn Công: “Đội múa gồm 64 nam chia thành tám hàng (bát dật), mỗi hàng tám người chia thành hai nhóm: võ và văn” (tr.237).
- Đọc đến mục từ “bất chắc” thì tôi phải cười văng cả răng khi thấy ông Lã không hiểu Hoàng Tuấn Công viết gì. Hoàng Tuấn Công dẫn Huệ Thiên: “Cho là không có chuyện in sai thì 2 tiếng bất chắc chẳng qua cũng chỉ là do ông Tú Mỡ “sáng tác” mà thôi”. Ôi giời ơi, Ông Lã không biết hàm ý Huệ Thiên và Hoàng Tuấn Công muốn mỉa mai cái từ “bất chắc” chỉ có thể nằm trong thơ văn trào phúng, tức hài hước, chứ có nói Tú Mỡ sáng tác đâu hè? Vậy mà ông Lã lại bắt bẻ như một đứa con nít: “Ông Hoàng Tuấn Công có thể cho biết ông Tú Mỡ sáng tác từ hồi nào?” Còn từ “bất trắc” thì thưa ông Lã, không đợi Phan Bội Châu hay Vũ Trọng Phụng mà ông mang ra khoe, kẻ ngu nhất cũng biết nó đã có từ thời thượng cổ và sử dụng phổ biến.
- Nghĩa từ điển phải là nghĩa phổ thông, các ông gọi “chuyển khẩu” thời Pháp thuộc đồng nghĩa với "nhập cảnh, xuất cảnh", rồi lấy “bánh chưng nhân đường” đâu đó ở Hải Phòng ra cãi là có thật, thì thưa ông Lã, từ điển Nguyễn Lân chắc chỉ dùng cho một vài người thời Pháp thuộc còn sót lại hay cho một địa phương của các ông?
- Chữ “cứu” Hoàng Tuấn Công tra đến tận gốc và hiểu đúng chuyên môn, ông lấy Từ điển phổ thông Trung Quốc ra cãi với cái lí “trên một số bộ phận nào đó của cơ thể” theo từ điển này chính là chữa ngoài da, đúng như Nguyễn Lân giải thích, thì kinh hãi cho cách hiểu của ông!
3) Cuối cùng họ Lã không đủ sức cãi hết bèn lấy 5 trường hợp trên ra cãi, mà cãi đâu thì chồng thêm cái sai đó, rồi kết luận xanh rờn: Nguyễn Lân 51.700 mục từ chỉ sai có 532 mục từ, tỉ lệ 1%; còn Hoàng Tuấn Công 5 trường hợp, sai 4, tỉ lệ 4%??? Vào nhà người ta bắt trộm 5 con gà trong đàn gà nhổ lông ăn sống tại chỗ rồi hô hoán lên trong đó có 4 con gà mắc dịch? Ai dạy ông cách thống kê và tính xác suất kiểu ấy? Khoa học nào vậy?
Cãi cho Nguyễn Lân như vậy thì không cãi có hơn không? Thôi hãy để cụ Nguyễn Lân yên nghỉ, ông Tiến sĩ lò ấp ạ!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét