Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Ông Trịnh Xuân Thanh bị ‘xử’ ở Việt Nam?


Ông Trịnh Xuân Thanh bị ‘xử’ ở Việt Nam?
Reply
chính trị, news
28.9.17
VOA



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Đại sứ Đức ở Việt Nam Christian Berger tại Cần Thơ hôm 27/9.

Phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu Hà Nội “trả” ông Trịnh Xuân Thanh, mà cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này nhiều khả năng sẽ bị đưa ra xét xử ở Việt Nam.


Tuyên bố bằng tiếng Anh hôm 22/9, thông báo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội, có đoạn: “Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc phiên xử ông ấy [his trial] phải được tiến hành theo pháp quyền và mở cửa cho các quan sát viên quốc tế”.

Bản tiếng Việt của thông cáo này, do Đại sứ quán Đức ở Hà Nội công bố, dịch: “Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.


VOA Việt Ngữ sau đó đã đề nghị Bộ Ngoại giao Đức cho biết về những điểm chính trong phản ứng chính thức của Hà Nội để xem có đề cập tới chuyện ông Thanh sẽ bị xử tại Việt Nam hay không, và lại được gửi cho thông cáo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội.


Trong tuyên bố hôm 2/8, cáo buộc Việt Nam gây ra vụ bắt cóc ở Berlin, chính phủ Đức yêu cầu “ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại Đức ngay lập tức để được xem xét toàn diện về chuyện dẫn độ và xin tị nạn theo đúng pháp luật”.


Thông cáo của Đức hôm 22/9 trong đó có nhắc tới từ phiên tòa xử ông ấy [his trial].



Về động thái trên, ông David Brown, chuyên gia về tình hình Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng phía Đức dường như “tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Việt Nam giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương”.

Nhà ngoại giao Mỹ từng có thời kỳ làm việc ở Việt Nam nói tiếp: “Phía Việt Nam có thể đáp lại, như luôn từng tuyên bố, rằng tiến trình tố tụng ở tại tòa án ở Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm ngặt với pháp quyền. Việt Nam cũng có thể đảm bảo rằng các quan chức đại sứ quán Đức và phóng viên [của hãng thông tấn Đức] DPA có vị trí ngồi tốt trong phòng xử án”.
Ông Brown cho biết rằng ông đang đi du lịch ở châu Âu, trong đó có chặng dừng chân ở Đức, nơi ông đã trao đổi với những bạn bè người bản xứ thạo tin, nhưng họ “không hề hay biết” về việc “Việt Nam phá vỡ các thông lệ ngoại giao”.

“Đối với công chúng Đức, vụ ông Trịnh Xuân Thanh chỉ xuất hiện trong tin tức trên trang nhất trong vài ngày rồi mất hút”, chuyên gia về Việt Nam nói thêm.


Cũng nhận ra sự thay đổi trong yêu cầu của Đức, luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook: “Theo đánh giá của tôi, yêu cầu này của Đức phù hợp với pháp luật Việt Nam và những cam kết của Việt Nam với quốc tế. Việc xét xử ở Việt Nam là công khai, ai cũng có quyền tham dự, kể các quan sát viên nước ngoài".


Ông Hải nói thêm: "[Ông] Trịnh Xuân Thanh có quyền có luật sư ngay tại giai đoạn điều tra, và luật sư của [ông] Thanh có quyền tranh tụng với công tố viên tại Toà án xét xử [ông] Thanh. Nước Đức đã giúp Việt Nam cải cách tư pháp, và vụ án xử [ông] Trịnh Xuân Thanh sẽ chứng minh nước Đức đã không phí công giúp nước Việt”.


Cũng trên mạng xã hội này, cơ quan đại diện ngoại giao Đức tại Hà Nội hôm 22/9 viết rằng “Đại sứ quán Đức muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng là Đức và các đối tác của Đức trong Liên minh Châu Âu trong cuộc chiến chống tham nhũng luôn sát cánh với các đối tác của mình, trong đó có Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phải dựa trên luật pháp của nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau”.


Về khả năng Việt Nam lấy chống tham nhũng là lý do chính cho việc bắt giữ ông Thanh ở Berlin mà phía Đức nói rằng “vi phạm trắng trợn luật pháp” như nhiều nhận định trên mạng, chuyên gia David Brown từ chối bình luận.


Tin cho hay, Thủ tướng Phúc đã "chúc mừng Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo do bà lãnh đạo giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Đức". 
Trong ảnh là lãnh đạo hai nước gặp nhau ở G20 tại Đức hồi tháng Bảy.
Trong một diễn biến được cho là để xoa dịu quan hệ ngoại giao đang căng thẳng, cổng thông tin của chính phủ Việt Nam mới đăng bài viết về cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Đức Christian Berger hôm 27/9 bên lề Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ở Cần Thơ, trong đó người đứng đầu chính phủ Việt Nam “đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược thời gian qua” cũng như “khẳng định Việt Nam luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở châu Âu”.

Ông Phúc cũng “trân trọng gửi lời chúc mừng Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo do bà lãnh đạo giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Đức nhiệm kỳ 2017 - 2021”.


Tin cho hay, ông Phúc “cũng gửi lời cảm ơn bà Angela Merkel đã mời Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 vào tháng 7 vừa qua và cho rằng, kết quả tốt đẹp của Hội nghị G20 đã giúp tạo sự kết nối giữa G20 và APEC, đặc biệt là trong việc phối hợp thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu”.


Trước đây, chính quyền Berlin từng nói rằng Việt Nam đã “bội tín” sau khi từng yêu cầu dẫn độ ông Thanh về nước lúc Thủ tướng Phúc dự hội nghị G20 ở Đức, nhưng sau đó lại thực hiện vụ "bắt cóc".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét