Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017
‘Thứ phi’ của Nông Đức Mạnh thoái sạch vốn để làm gì?
VNTB- ‘Thứ phi’ của Nông Đức Mạnh thoái sạch vốn để làm gì?
Reply
‘Thứ phi’ của Nông Đức Mạnh thoái sạch vốn để làm gì?, news, opposite, Phạm Chí Dũng, VNTB
25.9.17
Phạm Chí Dũng
Người Việt 24/9/2017
Một nhà đầu tư nhỏ lẻ vừa thoái vốn?
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng chú ý, nếu nhà đầu tư đó đúng là nhỏ lẻ, không mang tên Đỗ Thị Huyền Tâm – cựu đại biểu quốc hội và biến thành vợ sau của Nông Đức Mạnh sau khi ông Mạnh trở thành cựu tổng bí thư.
Mẩu tin nhỏ nhưng lại gây tính thời sự và nghi ngờ lớn là với tư cách chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group), bà Đỗ Thị Huyền Tâm vừa thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp này.
Tỉ lệ sở hữu của bà Huyền Tâm đã biến sạch từ 81% thành 0%.
Câu chuyện vợ chồng “Lão Răng Chắc”
Minh Tâm Group có tiền thân là công ty TNHH Minh Tâm được thành lập năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Dưới sự lãnh đạo của bà Đỗ Thị Huyền Tâm,” Minh Tâm Group được mô tả đã trở thành một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Bắc Ninh, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, kinh doanh khách sạn, sản xuất phân bón, bao bì, thức ăn chăn nuôi…
Tuy nhiên, trước khi trở thành “thứ phi” của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải “tra tay vào còng.” Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên “mạnh” hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn.
Trong khi đó, từ thời làm tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã rước lấy nhiều tai tiếng với biệt hiệu “Lão Răng Chắc” – được người đời diễn giải theo tư cách “ăn cú nào chắc cú nấy,” cùng thói che đỡ cho nạn tham nhũng trở nên bất diệt. Sau khi đã “về vườn,” một trong những tai tiếng nổi bật ghê gớm như thế là khung cảnh phòng khách nhà ông Mạnh không khác gì cung điện thời vua chúa, để rất nhiều người tham gia mạng xã hội thấy không gì thích hợp với sự lên án phẫn uất hơn là lấy luôn hình ảnh cung điện ấy để đối chiếu với cảnh những túp lều rách nát của dân và trẻ nhỏ bần cùng xin ăn, đu dây qua suối dữ ở Việt Nam.
Còn giờ đây, cái gia đình “cung điện” trên lại một lần nữa bị “soi”: vợ sau của cựu tổng bí thư thoái sạch vốn để làm gì?
“Chuyển đi đâu?”
Trường hợp thoái vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm lại khiến nhiều người nhớ lại vụ nữ đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… cộng hòa Malta.
Vụ việc trên xảy ra vào Tháng Bảy, 2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc Hội. Malta là một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của Châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.
Nhưng vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách “công dân Malta” của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả đại biểu Quốc Hội Việt Nam cũng chuẩn bị “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về “một bộ phận không nhỏ” đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu tổ quốc “có biến.”
Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”
Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”
Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, đã phổ cập kinh nghiệm cần một khoản chi phí $500,000 để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại Hội XII của đảng cầm quyền vào năm 2016, một đơn thư gửi đến Bộ Chính Trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…
Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay.” Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.
Có người kể lại một câu chuyện mới đây. Trong một buổi sinh hoạt chi bộ, có ba nhân vật – một cựu ủy viên trung ương đảng, một cựu quan chức công an, một cựu quan chức quân đội. Cả ba người này chẳng đoái hoài gì đến nghị quyết đảng được đọc bởi bí thư chi bộ, mà chỉ sôi nổi hỏi thăm nhau về chuyện “đã chuyển chưa” và còn tận tình hướng dẫn nhau “chuyển đi đâu”: bây giờ chuyển ngoại tệ vào nhà băng Thụy Sĩ không còn an toàn nữa vì Thụy Sĩ vừa thông báo sẽ bạch hóa danh sách khách hàng gửi tiền theo một thỏa thuận mà nước này ký với Mỹ; mà gửi đi Mỹ cũng chẳng còn an toàn vì chính sách của Trump thay đổi khó lường; do vậy chỉ còn cách gửi ngoại tệ tại những nước còn an toàn như Canada, Úc, New Zealand…
Trong buổi sinh hoạt chi bộ trên, một quan chức đương nhiệm còn khoe rằng vừa “tống” được hai chục mẫu đất ở khu vục sân bay Long Thành, Đồng Nai, cũng vừa thu xếp cho vợ và ba con cư trú ổn thỏa ở Anh, còn ông này thì chỉ chờ ngày “lên đường.”
Nghe thế mới biết sự đời đảo điên đến đến thế nào. Chẳng khác gì việc các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay. sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân.
Trước đây, những điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, châu Âu, Australia, Canada… Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc. Còn vào lúc này thì lại là những cái tên quốc gia mới hơn và lạ hơn…
“Anh ả ra đi tìm đường cứu nước”
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế.” Tổng cộng có đến $92 tỷ được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.
Sau khi đã có “vé,” đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn,” bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.
Còn về trường hợp “cặp đôi hoàn hảo,” dư luận xã hội đang rất nghi ngờ về động tác thoái sạch vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm – “thứ phi” của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh – liệu có phải là một bước chuẩn bị để “anh ả ra đi tìm đường cứu nước” trong tương lai gần, bỏ lại đất nước “con cháu Bác Hồ” tan hoang và khánh kiệt.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét