Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Những bục vỡ khó tránh khỏi


Gs Tương Lai - Những bục vỡ khó tránh khỏi

Đăng bởi Elvis Ất on Tuesday, September 26, 2017 | 26.9.17



Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 14


Mấy ngày rồi các trang báo nhà nước dồn dập đưa tin về những vụ kỷ luật với những bình luận thả giàn không còn e dè, kín cạnh khi nói về các vị ủy viên trung ương đảng, bí thư, chủ tịch tỉnh, phụ trách vùng… Hình như những ông tổng biên tập đã được bật đèn xanh, nói càng mạnh càng hay, càng được lòng nơi cao nhất vì người ta đang cần “đòn hội chợ” nhằm triệt hạ đối thủ. Cho nên, những cây bút lâu nay rón rén, tù túng được dịp xung trận tát nước theo mưa ào ạt, tới tấp khiến cho đương sự vuốt mặt không kịp.



GS. Tương Lai

Mà nào có lâu la gì đâu, cũng những tờ báo ấy cách đây mấy năm còn tung hô ông bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh “là một người có kiến thức, được đào tạo bài bản”, “có lý lịch học hành rất đàng hoàng”, “có thể nói là “tuổi trẻ tài cao”… Tờ báo “Văn Nghệ Trẻ” của Hội Nhà Văn không hiểu trong cơn ngẫu hứng thế nào mà lại đăng bài “Lại thêm một vụ cán bộ dùng xe công gắn biển giả?” của tác giả Trương Ngọc khiến ông Chủ tịch Hội Nhà Văn ra nghiêm lệnh “đóng cửa báo Văn Nghệ Trẻ, xử phạt 30 triệu đồng. Chẳng những thế ông Chủ tịch còn yêu cầu Tổng Biên tập phải “xin lỗi chính thức với người bị đưa tin” và báo cáo hướng “xử lý tác giả và những người liên quan” ngay trong ngày ban hành văn bản (23/2) nữa.


Tác giả bài viết những điều trên đã hài hước nói thêm “may mà ông TBT còn chưa kịp nghe lệnh sếp đăng lời cải chính và xin lỗi, vì nghĩ mãi chưa ra lỗi gì, chứ không thì ngay hôm sau Bộ 4T đã có món nhắm là vài nhà báo bị ăn đòn đến thân bại danh liệt rồi…”. Mà cũng là chuyện mới xảy ra hồi tháng 2.2017 chứ nào phải chuyện ôn cố tri tân. Nhưng gió đã xoay chiều, mưa như trút nước, dông chớp ầm ầm khiến dân tình tối tăm mặt mũi chẳng biết đâu mà lần!


Người nhiễu sự thì đế vào những lời bình chát chúa. Người đa sự nắm bắt được chuyện thâm cung bí sử thì đưa ra những nhận định như xát muối vào cái “quy trình, quy chế” đang được dẫn ra như khuôn vàng thước ngọc để minh chứng cho sự “nghiêm minh của pháp luật”, tính “công khai” của những “nghị quyết”, những “kết luận của trên”.


Những sai phạm của Bí thư và Chủ tịch TP. Đà nẵng vừa được thông báo không phải là thông tin bất ngờ, cũng tựa như việc Ủy ban Kiểm tra TƯ thông báo kỷ luật ông Đinh La Thăng chỉ mấy hôm trước Hội nghi Trung ương thứ 15, cách tuột chức danh Ủy viên Bộ Chính trị và bí thư Thành ủy HCM.


Những người am hiểu tình hình Đà Nẵng có thể đoán trước những gì sẽ diễn ra từ trước khi ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ nhậm chức suy cho cùng cũng là biểu hiện lâm sàng của “một khối ung nhọt lưu cữu” trước đây nhưng nay khui ra nhằm thực hiện một “nhiệm vụ cao cả” hơn, “trọng đại và cấp bách” hơn so với những gì mà ông “bí thư tuổi trẻ tài cao” phạm lỗi. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đặt dấu hỏi: “Đảng đang làm rầm rộ hơi bất thường, cho báo chí nói thoải mái, tất cả những lỗi lầm của ông Xuân Anh được tung lên không còn sót cái gì hết. Chuyện đó hơi lạ, và dĩ nhiên nó dính đến chuyện nhân sự sắp tới, hội nghị sắp tới”.


Mà đâu phải chỉ chuyện Đà Nẵng, “một thành phố đáng sống”, nơi chỉ hai tháng nữa là diễn ra hội nghị APEC. Xem ra thời gian quá cấp bách cho cả hai sự kiện: Sự kiện họp “trung ương 6 của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam” và “sự kiện ngoại giao tầm cỡ quốc tế lớn mà Việt Nam vinh dự là nước chủ nhà đứng ra đón nhiều nguyên thủ quốc gia”. Cấp bách đến độ không thể trì kéo được việc xử lý những người đứng đầu thành phố sẽ thay mặt cho cả nước tổ chức hội nghị APEC! Vì sao mà vội đến thế? Thì chẳng phải cách đấy mấy tháng vì vội phải quyết thanh toán cho bằng được đối thủ chính trị, trong cơn say quyền lực của kẻ tiểu nhân đắc chí, không lường trước được hậu họa còn lớn hơn trăm ngàn lần chuyện sử dụng luật rừng giữa một thế giới văn minh mà đất nước đang thúc đẩy tiến trình hội nhập. Đành vậy, xin không được thì ăn cắp, ăn cướp, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp thể diện quốc gia, bất chấp lợi ích dân tộc, cử người sang nước người ta để bắt cóc người mình cần rồi bịa ra chuyện tự thú, khiến người ta phải đuổi quan chức ngoại giao tại sứ quán, ra tuyên bố tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược! Tệ hại nhất là chuyện động trời này lại xảy ra với Đức, một nước có nền kinh tế lớn nhất và sức mạnh chính trị áp đảo duy nhất còn lại của EU sau sự kiện “Brexit” nước Anh ra khỏi EU. Rồi đây ngoài chuyện APEC đã gần kề ai đến ai không, hiệp định thương mại EU – VN sẽ ra sao khi Việt Nam đang bị mất mặt với thế giới… thì còn chưa biết những tệ hại gì nữa sẽ xảy ra nữa?


Ngoài Đà Nẵng ra, tính về chuyện tham nhũng, đồi bại thì tại xứ Thanh, mấy ông chóp bu trong chính trị, trong kinh doanh, kể những kinh doanh “vốn tự có” tạo thành những mafia quyền lực nhày nhụa mà báo chí đã làm rùm beng dạo mới đây nhưng rồi lại thấy im ắng khác thường? Còn những biệt phủ ở Yên Bái, nơi từng nổ súng thanh toán đẫm máu ngay tại trụ sở tỉnh ủy và trước đó tư lệnh quân khu 2 qua đời một cách bí ẩn để rồi đưa luôn sự bí ẩn đó vào bên kia thế giới vẫn mịt mù thông tin? Rồi Hà Giang, rồi Hà Nội, rồi nhiều nơi khác nữa đang nhung nhúc những con sâu cỡ bự. Nói như nhà báo Trương Duy Nhất: “Nhưng mà trong cái cuộc đốt lò chung của ông Trọng thì tôi thấy Đà Nẵng so với qui mô các địa phương khác như thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa, tỉnh ủy Yên bái, rồi tỉnh Hà Giang, có ông bí thư đấy, có con cháu trong dòng tộc cài cắm cả một địa phương. Tại sao cho đến nay chưa có ý kiến gì?


Thậm chí mới đây ông Phạm Thế Dũng – nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – vừa qua bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá là “nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật” thì đáp lại nhận định nói trên, ông ta đã ngang nhiên thách thức “Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử”. Thách thức ấy được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch “đốt củi” của ông Nguyễn Phú Trọng đang hồi gay cấn. Sao ông dám to gan làm vậy?


Phải chăng, là cán bộ cấp bậc cỡ ông hiểu rõ “luật chơi” ở chốn cung đình, những chuyện “thâm cung bí sử” chắc ông ta cũng khá am tường, nên mới dám phun ra những lời ngang xương cỡ ấy. Với kiểu này thì chắc những cây gỗ bự của rừng phòng hộ ở Bình Định, ở Quảng Nam vừa bị đốn hạ ào ạt một cách ngang nhiên dưới mũi các quan chức địa phương liệu có đủ củi tươi, củi khô cho ông Trọng nhóm đốt cái cái lò “bát quái” của ông nhằm loại bỏ những kẻ “có tham vọng quyền lực” kịp khai mạc Hội nghị Trung ương 6 tới! Thời gian thì lại đã quá sát sàn sạt rồi.


Chẳng biết thực hư ra sao, RFA ngày 19.9.2017 cho đăng bài của Kami với một dòng cuối “bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do”, tuy vậy trong tình trạng thông tin bị bưng bít, mọi việc “quốc gia đại sự” cứ u u minh minh trong vòng “tuyệt mật” thì những thông tin “người ta cho rằng” như dưới đây không biết có được bao nhiêu sự thật, song không thể không thu hút sự quan tâm của công luận:


“Người ta cho rằng, sự thiệt hại của Formosa Hà Tĩnh gây ra nếu so với các thất thoát do ông Đinh La Thăng gây ra tại PVN thì chưa biết thiệt hại nào lớn hơn? Nhưng rõ ràng ông Võ Kim Cự hầu như đã vô can và đã hạ cánh an toàn. Không chỉ 3 nhân vật quê Hà Tĩnh, đó là các ông, bà Nguyễn Minh Quang – nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT, Võ Kim Cự – nguyên Chủ tịch và Bí thư Hà Tĩnh, và Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng bộ Y tế. Họ đều là tay chân của cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng mà ai cũng biết cũng là người đỡ đầu cho Hà Văn Thắm với các sai phạm nghiêm trọng nhưng cũng được bỏ qua”.


Hay là đồng tiền tham nhũng của những nhân vật được nhắc đến không tanh tưởi và hôi hám bằng đồng tiền của những nhân vật được cụ Tổng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy tội? Hay là trong toan tính những “siêu chiến lược” nhằm hướng tới mục tiêu tối thượng của cái ghế quyền lực cao nhất thì phải biết thỏa hiệp với ai, tranh thủ ai để dồn sức loại bỏ đối thủ?


Có khi phải mượn câu nói ỡm ờ của thứ trưởng “Tiến Kim tiêm” bào chữa cho “bộ trưởng Kim Tiến” đang được dân mạng liệt vào danh ngôn: “Không nói chứ không phải nói không có” để giải đáp cho những chuyện cũng ỡm ờ không kém nói trên. Xin nhường lời giải đáp cho những cây bút am hiểu chuyện triều đình, chốn “cung vua, phủ chúa”!


Một nhà quan sát nước ngoài, David Brown, một người hiểu khá rõ về nội tình Việt Nam trong bài viết trên Asia Sentinel ngày 18.9.2917 nói rằng “cho đến nay chiến dịch của Trọng trông giống như một cuộc trả thù hơn là một cuộc thanh lọc nội bộ… Những người thích buôn chuyện chính trị trong và ngoài đảng đang theo dõi chặt chẽ. Dù cuốn hút, nhưng họ không ngây thơ. Họ sẽ không cổ vũ trừ khi cuộc thanh trừng mở rộng đến những quan chức tham ô rõ ràng, vốn không nằm trong mạng lưới của Dũng”.


Dẫn lời của một cựu Bộ trưởng, Ủy viên TƯ ĐCS, ông Bùi Quang Vinh “nhà kỹ trị được kính nể” theo cách nói của tác giả, David Brown kết luận bài viết của mình: “cần coi tham nhũng một cách nghiêm túc hơn, bằng cách cải cách thể chế đang dung dưỡng nó”.


Sẽ hiểu rõ hơn vấn đề này nếu đọc kỹ bài của luật sư Trần Vũ Hải “Hai vụ án thật liên quan đến vụ án ảo Hà Văn Thắm”. Vị luật sư này chỉ rõ: Vụ án đang xử là một vụ án ảo trong khi hai vụ án thật khác đáng xem xét hơn. Về vụ thứ hai này, tôi xin nhắc lại, các nhân sự của Oceanbank đã khai báo đầy đủ “đưa cho ai” trước khi “bị phát giác” với các cơ quan pháp luật đều cần được miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ! Thế nhưng thật oái oăm, khi vụ án ảo thì được đưa ra xử rất “nghiêm túc” trong khi “hai vụ án thật đáng lẽ ra phải làm cho rõ” thì lại không. Điều này “đã khiến nền tư pháp Việt méo mó. Và rất nhiều người bị oan”.


Ngày 23.9.2017, Vietnamnet đăng tải lời nói cuối cùng trước tòa của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn “bày tỏ sự hối hận, day dứt vì đã dùng tiền của Chủ tịch Thắm để mang đi chăm sóc khách hàng với mục đích duy nhất là giúp Thắm và Oceanbank… Với sự giúp đỡ đó, vô tình bị cáo rơi vào vòng lao lý… Bị cáo “gửi lời xin lỗi đến các cộng sự ở PVN vì đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn Dầu khí. Bị cáo mong muốn những ai đã nhận tiền chăm sóc khách hàng từ bị cáo và các bị cáo khác ở Oceanbank hãy bình tâm suy nghĩ một cách thấu đáo rồi trả lại tiền vi phạm pháp luật để tâm hồn được thanh thản và được sự khoan hồng”. Còn vì sao mà lại có “vụ án ảo” Hà Văn Thắm thì đoạn trích tin đã đưa của RFA ngày 19.9.2017 trên đây mấy dòng liệu có giúp “giải ảo” được hay không thì còn tùy những người am tường chuyện thâm cung bí sử!


Những tay săn tin quen “nghe hơi nồi chõ” cứ bình loạn lên thì cũng khó xem đó là dữ liệu để phán đoán vì hỏa mù từ những chiêu trò tung hứng của các thế lực thanh toán lẫn nhau có đủ loại kịch bản bịa tạc với những đạo diễn gian manh cốt sao tạo ra dư luận có lợi cho mục tiêu mà ai đó hướng tới. Chính vì thế tôi rất phân vân khi trả lời câu hỏi của hai người bạn từ Đại sứ quán Australia vừa đến thăm tôi sáng nay.


Thật ra đây không phải là nội dung chính mà họ bay từ Hà Nội vào, ngay buổi chiều thì một vị đã phải bay ra ngay. Điều họ dành cả buổi để trao đổi là việc tôi Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng của Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, Đảng của Hồ Chí Minh. Qua nôi dung trao đổi, tôi biết là họ đã nghiên cứu rât nghiêm túc và kỹ lưỡng nội dung Tuyên bố ngày 2.9.2017 của tôi.

Cuối buổi trao đổi, dẫn câu thơ của Aragon mà tôi dùng làm lời kết bản Tuyên bố, họ muốn tôi giải thích kỹ thực trạng đang diễn ra mà tôi đã mượn hình tượng thơ để biểu đạt “Giữa mùa phản phúc/ Tối đen tù ngục/ Suối đã đục dòng/ Chỉ lệ còn trong” để đặt ra câu hỏi: liệu cuộc chống tham nhũng mà ông Trọng đang quyết liệt đẩy tới đã thắng lợi đến đâu, được nhân dân hưởng ứng như thế nào và bao giờ thì kết thúc?


Xúc động về thái độ chân tình của những người bạn Australia, gạt bỏ những băn khoăn, tôi mượn lời tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, một người khá quen thuộc với những người bạn ở Đại sứ quán Australia vừa đưa ra trong cuộc thảo luận Bàn tròn của đài BBC tổ chức ngày 22.9.2017: “Tham nhũng về tiền bạc đã là thối tha, là xấu. Tham nhũng về quyền lưc còn xấu xa hơn nữa. Tôi nghĩ rằng người mà rất ham mê về quyền lực thì không thể chống tham nhũng được”!


Một thể chế được dựng lên theo một mô hình đã sụp đổ, mà là sụp đổ cả hệ thống, nhưng lại vẫn được ngoan cố trì kéo suốt mấy thập kỷ tại Việt Nam, đưa đất nước đi vào ngõ cụt với thể chế toàn trị phản dân chủ, nguồn gốc của tham nhũng, đặc biệt tệ hại nhất trong hai nhiệm kỳ của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, thì sự bục vỡ như đang diễn ra là khó tránh khỏi.


Cái gì đến rồi cũng phải đến.


Gs Tương Lai


(Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét