Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017
Tự do báo chí nhìn từ… Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng CSVN
VNTB - Tự do báo chí nhìn từ… Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng CSVNReply
news, Nguyễn Xuân Anh, Nguyệt Minh, opposite, UBKTTW, VNTB
Nguyệt Minh (VNTB) Tính đến đầu giờ trưa ngày 19-9-2017, khi gõ 3 chữ “Nguyễn Xuân Anh” trên cỗ máy tìm kiếm mạng internet Google, chỉ trong 0,55 giây đã cho ra con số khoảng 4.340.000 kết quả các bài báo, bản tin có tựa với cụm từ “Nguyễn Xuân Anh”.
Cũng là bí thư tỉnh ủy trẻ nhất nước như Nguyễn Xuân Anh, tương tự trên bộ máy tìm kiếm Google, cái tên Nguyễn Thanh Nghị cho ra kết quả chỉ có khoảng 1.640.000 trong 0,63 giây.
Nếu báo chí được quyền tự do…
Chuyện Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố về những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ, Nguyễn Phong Quang…, thật ra còn hàm ý là giới hạn các thông tin về những sai phạm của những nhân vật này.
Bản tin về Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh được báo chí nhận được lúc 16g ngày 18-9. Đến 19g ngày 18-9, báo Một Thế Giới đã có bài thể loại phỏng vấn: “Đà Nẵng: Cán bộ hưu trí và đương chức bình luận về kỷ luật Bí thư Xuân Anh”.
Bài báo cho biết ông Hồ Duy Diệm, cựu Trưởng ban quy hoạch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), hiện là phó chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nói rằng: “Tâm và tài của ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ thì nhân dân Đà Nẵng biết lâu rồi, phải nói rằng hai vị này mà lãnh đạo thì Đà Nẵng không lên được… Khi ông Nguyễn Xuân Anh lên làm Bí thư Đà Nẵng thì người ta đã biết vì sao ông được cái chức đó. Chuyện ông không có bằng tiến sỹ, trình độ của ổng người ta cũng biết lúc đó; lúc đó người ta đã không tin tưởng gì ông rồi”.
Ông Trần Văn Lĩnh, cựu đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng không hề ngạc nhiên: “Cán bộ về hưu họ biết hết ấy chứ. Khi họ biết mất đoàn kết, họ cảnh báo thì nói rằng mình không làm mất đoàn kết, coi thường những đồng chí có tín nhiệm đã về hưu”.
Thế nhưng hai đồng chí “chưa về hưu” khác thì trả lời với báo chí rằng: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin gì. Việc công bố là của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Riêng tôi không có bình luận gì việc này” - ông Trần Đình Quỳnh, chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng. Còn ông Đào Tấn Bằng, chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, thì cụt ngủn: “Tôi chưa biết thông tin về việc công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
Chỉ riêng nhân vật Nguyễn Xuân Anh thì giới báo chí ở Sài Gòn quá rành. Nếu ông Anh không có người cha là Ủy viên Bộ Chính trị, thì chắc rằng ngay khi mới ra trường và về làm ở báo Thanh Niên, ông Anh khó thể nhanh chóng lên chức phó rồi trưởng ban quốc tế. Đáng nói là khi ấy, trưởng ban quốc tế của báo Thanh Niên là một nhà báo được đánh giá là bậc thầy của báo chí tiếng Anh. Tuy nhiên ông nhà báo bậc thầy này lại từng đi học tập cải tạo 30 tháng vì là “lính ngụy”, nên dù giỏi đến đâu chăng nữa, ông cũng khó thể so bì với hạt giống đỏ Nguyễn Xuân Anh.
Do đó, khi được người cha là ông Nguyễn Văn Chi, lúc ấy giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, rút ông trưởng ban quốc tế báo Thanh Niên – Nguyễn Xuân Anh về Đà Nẵng để ngồi vào ghế phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, thì cánh báo chí hiểu rõ rằng sớm muộn gì Đà Nẵng cũng… tuột dốc.
Ông Nguyễn Văn Chi cũng ‘cơ cấu’ cho một người con khác là ông Nguyễn Xuân Ảnh – em trai của ông Nguyễn Xuân Ánh (SN 1983), đang ngồi ghế phó Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiêm Thư ký Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, lên ghế phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam vào tháng 3-2016.
Nếu báo chí được quyền tự do ngôn luận trong vị thế “tam quyền phân lập”, thì có lẽ câu chuyện về ông Nguyễn Xuân Anh không chỉ giới hạn trong các nội dung mà Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố vào chiều hôm 18-9.
Báo chí biết, người dân biết, nhưng Đảng lại…
Nhà báo Hoàng Hải Vân, một người am tường về nội tình Đà Nẵng từ thời hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Bá Thanh chia đôi chiến tuyến: người về Quảng Nam, người tiếp tục trấn giữ Đà Nẵng.
Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ: “Tôi có thể nói ngay, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ suy cho cùng cũng là nạn nhân của một khối ung nhọt lưu cữu từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch. Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh có thể là chuyện “nhạy cảm” vì ông ấy đã qua đời, nhưng nếu né tránh những di hại mà ông ấy đã để lại cho Đà Nẵng thì những vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng sẽ không bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn.
Thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư, có một câu đồng dao người lớn, rằng “Trời của Thanh đất của Thanh con chim trên cành của Hoàng Tuấn Anh”, nhưng câu đồng dao đó cũng đã phải sửa lại “Trời của Thanh đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh”. Câu đồng dao đó nói lên thực chất quyền lực của một ông vua cát cứ, vô tiền khoáng hậu kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập.
Ai còn nhớ vụ án xử tướng Trần Văn Thanh thì hiểu quyền lực của ông Nguyễn Bá Thanh lớn đến cỡ nào. Tướng Thanh đã phanh phui chuyện tham nhũng của Đà Nẵng khi ông còn làm Giám đốc Công an thành phố, đến khi ông ra Hà Nội làm tới chức Chánh Thanh tra Bộ Công an vẫn bị khởi tố, khi ông bị bệnh vẫn khiêng cán đưa ông ra tòa.
Tôi không biết tướng Thanh có sai phạm gì hay không, nhưng khi ông được trắng án thì phải khẳng định những chuyện ông tố cáo là không sai chứ, nhưng vẫn bị xếp xó. Sau này, Thanh tra Chính phủ đã có một kết luận Đà Nẵng sai phạm về đất đai hàng ngàn tỉ đồng, nhưng kết luận đó vẫn nằm trên giấy, không một ai bị xử lý, không một đồng tiền nào được thu hồi.
Nghiêm trọng nhất là việc cấp phép trái pháp luật cho hàng loạt các dự án xé nát Sơn Trà, mà đến một nhân vật có tầm cỡ như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi đề cập đến những vấn đề của Sơn Trà vẫn không dám hé răng dù chỉ một lời nói về sai phạm trong cấp phép, mặc dù ông biết rõ mươi mươi là có sai phạm.
Nói như vậy để thấy rằng, bộ máy Đảng và Chính quyền Đà Nẵng đang bị các nhóm lợi ích chi phối, khống chế, tạo thành một khối ung nhọt. Ông Nguyễn Bá Thanh không còn, nhưng các nhóm lợi ích này vẫn tồn tại, không chỉ tồn tại mà ăn sâu vào các chân rết trong bộ máy, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn khống chế ở cấp cao hơn, mà sự e ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một ví dụ”.
Tương tự, cánh nhà báo ở đồng bằng sông Cửu Long không lạ gì ông Nguyễn Phong Quang – vua của vùng Tây Nam bộ do Bộ Chính trị phong cho ông từ thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh, mà người viết sẽ đề cập chi tiết trong một bài viết sắp tới đây.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét