Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017
Khi nhà báo bị “đá” ra khỏi sự kiện nước nhà
VNTB - Khi nhà báo bị “đá” ra khỏi sự kiện nước nhà
Reply
báo chí cách mạng, Mẫn Nhi, news, Nguyễn Xuân Anh, opposite, tuyên giáo, VNTB
28.9.17
Mẫn Nhi (VNTB) Nhà báo Việt Nam gần đây lấy lại phong độ, điều đó minh chứng qua loạt bài liên quan đến các vụ tham nhũng, lên tiếng phản biện những chủ trương – chính sách đi ngược lại với quyền lợi cộng đồng.
Dù là được cấp trên mở cửa hay bật đèn xanh, thì đó cũng là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy, nếu nhà báo Việt Nam được tự do báo chí, thì chắc chắn những bài viết của họ sẽ đi sâu, đi sát vào trong quần chúng nhân dân, và được hoan nghênh.
VNTB - Khi nhà báo bị “đá” ra khỏi sự kiện nước nhà
Tuy nhiên, những trở ngại trong hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại, thỉnh thoảng những cái “chạm tay lên má”, hay “lỡ tay va chạm” làm hư hỏng thiết bị báo chí vẫn diễn ra, dù không nhiều nhưng cho thấy, đứng trước mỗi vấn đề nóng, các nhà báo sẽ liên tục bị uy hiếp và trấn áp bằng bạo lực bởi nhóm lợi ích đến từ chính quyền, từ doanh nghiệp tư nhân, hay thậm chí là từ một lực lượng vô cớ nào đấy.
Trở lại gần đây, câu chuyện gây khó dễ cho tác nghiệp báo chí (ngăn cản, xâm hại tự do báo chí) tại Việt Nam tiếp tục nóng lên với hai sự kiện.
Đầu tiên là vào ngày 25/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cơ quan báo chí không đánh giá hay mở rộng khai thác sâu “vào các vấn đề khác”, đưa ra những nhận định mang tính “suy đoán, tiêu cực các vấn đề nóng” tại Đà Nẵng. Với lý do là gây tâm lý trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố.
Đề nghị này có lẽ xuất phát từ quan điểm của ông Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vào ngày 23/09, khi nhấn mạnh: Lo làm việc, đừng suốt ngày ngồi quán bàn ai ở ai đi.
Sự kiện thứ hai là vào ngày 26/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố quyết định thanh tra về việc cấp phép nhập thuốc cho Công ty Cổ phần VN Pharma tại Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều phóng viên bị đại diện Bộ Y tế mời ra ngoài.
Hai sự kiện này cho thấy, dù ở mức độ trung ương hay địa phương, thì nhà báo vẫn là những yếu tố “chướng tai gai mắt” trong cơ quan này, ban bệ nọ, cá nhân này, tổ nhóm nọ. Họ lo ngại báo chí không chỉ đưa tin, mà còn tường thuật, thậm chí ghi nhận những phát biểu “trời ơi” từ các quan chức có liên quan. Nghiễm nhiên, việc ngăn cản này khiến cho chức năng phản ánh thông tin và giám sát hoạt động quyền lực của các cơ quan nhà nước bị tước bỏ.
Thậm chí, cái gọi là Luật báo chí 2016, Luật phòng chống tham nhũng cũng bị 2 cơ quan trên xé bỏ thẳng thừng trước mặt cánh báo chí. Cụ thể, Luật báo chí năm 2016 (Điều 25) quy định các quyền và nghĩa vụ của nhà báo trong hoạt động tác nghiệp.
Trong khi đó, Luật phòng, chống tham nhũng quy định trách nhiệm của báo chí tại Điều 9 đã xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”.
Ngăn cản báo giới kiểu này không khác gì cách mà Bộ TN&MT từng ngăn cản cánh nhà báo tác nghiệp qua vụ họp báo 8 phút về vấn đề thảm họa môi trường Formosa. Một cuộc họp báo dị thường trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng khi nhìn lại cách điều hành báo chí "ma-ze in Vietnam"– thì nó lại rất bình thường.
Bình thường ở chỗ, họp báo 8 phút hay tìm cách không cho nhà báo đưa tin, khai thác – mở rộng tin tức chính là không cho người dân có được quyền giám sát nhà nước thông qua lực lượng báo chí. Nó coi thường Điều 25 Hiến pháp và đạp đổ Luật báo chí 2016, và coi đây như một chuyện thường tình.
Thế nên tự do báo chí của Việt Nam là thứ tự do ngăn cản, ngăn cấm, ngăn chặn, răn đe báo chí khi họ chạm vấn đề nóng. Và bằng cách này hay cách khác, thì bản chất của các hành vi này là muốn đưa cánh nhà báo trở lại khuôn khổ lúc trước: ngoan như cừu, và kêu be-be theo chủ đạo. Mà đã làm thế tức là chống lại Hiến pháp, chống lại tính chế tài của Luật báo chí,…
Đôi khi lại có một ý niệm rằng, phải chăng các nhà báo – phóng viên các báo như Tiền Phong, Người Lao động hay Tuổi trẻ sẽ nhìn đồng nghiệp báo QĐND, Nhân Dân với ánh mắt thèm thuồng, “ghen tỵ” bởi, rằng: sao mày làm báo mà nhàn nhã thế, sướng thế, không phải chịu sự ngăn cản này nọ, đe dọa này kia.
Nhưng rõ ràng, nếu báo mà nhàn nhã thì là báo thua cuộc, còn báo mà bị đe dọa thì lại là báo thời cuộc. Hay làm báo mà không phản ánh sự thật thì làm báo mù, làm báo mà không phản biện thì làm báo câm, làm báo mà không lắng nghe quyền lợi – tiếng nói của bộ phận dân chúng thấp cổ bé họng là làm báo điếc. Và thứ báo điếc-câm-mù đó là thứ báo đời (hay còn gọi là báo đảng).
Ấy là sự ngược đời? Không nó lại hoàn toàn hợp lý trong một xã hội mà cánh báo chí vẫn ngày đem đổ máu, mồ hôi, nước mắt để chống lại tệ “trên đe, dưới búa” của nhà nước, một nhà nước tự vỗ ngực xưng tên là: pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét