Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017
BÀI TẶNG RIÊNG NỮ TS NGHIÊM THÚY HẰNG
Chu Mộng Long: BÀI TẶNG RIÊNG NỮ TS NGHIÊM THÚY HẰNG
Chu Mộng Long
MÁCH BỐ GIÀ F. SAUSSURE VÀ J. DERRIDA
(Chu Mộng Long: Bài này tặng riêng bạn Nghiêm Thúy Hằng vì đã hứa trao đổi về sự biến nghĩa của kí hiệu. Ai thích thì cứ đọc miễn phí).
Trí thức học phiệt có năng lực đặc biệt là cãi không xong thì hoặc là trấn áp, chụp mũ, vu khống người cãi "miệt thị", "vô văn hóa", hoặc là “mách bố”. Đã là bố thì thường không cãi mà dùng roi cày quát nạt, hù dọa… Kết quả, càng cãi... càng đẹp mặt cho cái lò ấp khổng lồ của giáo dục ta.
Theo tôi, Nguyễn Lân không có gì phải tranh luận nữa, nhưng dư âm thì vẫn còn đó. Chiều hôm qua, nhiều bạn hỏi tôi mượn sách của Hoàng Tuấn Công vì các nhà sách đã hết sạch.
Trước tiên, chúc mừng Hoàng Tuấn Công. Dù có chụp mũ kiểu gì, Hoàng Tuấn Công vẫn thu lợi lớn nhất. Sau đó là Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Chưa bao giờ sách học thuật lại bán chạy như vậy.
Tôi và những người quan tâm đến vụ này cũng thu được lợi lớn: qua tranh luận vỡ ra thêm nhiều điều. Nhờ có tranh luận mà tầm mắt mở ra và bước đầu thực hành tự do khai phóng trong học thuật.
Bài này coi như tôi “mách bố” F.Saussure và J.Derrida nhân bạn Nghiêm Thúy Hằng cứ loằng nhoằng đeo bám về chuyện đúng sai, viện dẫn về chân lí ở người bản ngữ, về tính lịch sử và sự biến nghĩa của kí hiệu để bào chữa loanh quanh cho cụ Nguyễn Lân.
Trong tranh luận, Nghiêm Thúy Hằng nói quanh cối xay, nhưng tóm lại, không dưới vài lần chị ta dựa vào F.Saussure để nói về 1) "cảm thức ngôn ngữ" của mỗi người khác nhau, và 2) "người bản ngữ luôn luôn đúng". Chốt lại 3) chị ấy nói "điều hôm nay có thể đúng và mai kia có thể sai", bởi không có chân lí tuyệt đối, cho nên kết luận Hoàng Tuấn Công đúng và Nguyễn Lân sai là vội vàng.
Tôi đã có lời khen "em nói không sai nhưng tiếc là nói mà không biết mình nói gì".
1) Dựa vào Saussure mà nói “cảm thức ngôn ngữ” (từ dùng của Nghiêm Thúy Hằng) của mỗi người khác nhau là nói ngược lí thuyết của Saussure. Với lập trường của Ngôn ngữ học cấu trúc, Saussure luôn xác định ngôn ngữ là khế ước của cộng đồng và giá trị của nó nằm ở trạng thái đang-sử-dụng, cho nên, trong suốt công trình Ngôn ngữ học đại cương, Saussure chỉ quan tâm đến ngôn ngữ với tư cách là sản phẩm xã hội và loại trừ hoàn toàn lời nói của cá nhân. Tính quy ước đã buộc “cảm thức ngôn ngữ” cá nhân vào trong quan hệ giao tiếp chung và tự nó loại trừ những tiếng nói cá biệt. Trong đời sống ngôn ngữ, không phải không có sáng tạo cá nhân, nhưng các sáng tạo đó phải được cộng đồng hoặc ít nhất một nhóm người thừa nhận. Việc Nguyễn Lân sáng chế ra thành ngữ, tục ngữ theo cách của ông được các giáo sư, tiến sĩ mê tín ông thừa nhận và tung hô nằm trong trường hợp này. Và những người yêu tiếng Việt phản đối cũng nằm trong trường hợp này. Việc hiểu và sử dụng tùy tiện vốn ngôn ngữ của cộng đồng phản ánh năng lực ngôn ngữ và trình độ văn hóa của ông và những người theo trường phái của ông. Tôi gọi đó là sự “Lân hóa” tiếng Việt làm đột biến tiếng Việt trong phạm vi của lò ấp trí thức.
2) Saussure nói “người bản ngữ luôn luôn đúng” là muốn nói đến mọi xem xét kí hiệu đều phải dựa trên hiện thực ngôn ngữ của chính người bản ngữ. Nôm na, chính người bản ngữ trong giao tiếp hiểu hơn ai hết vốn ngôn ngữ và cách sử dụng của họ. Không thể nói Nguyễn Lân hay mấy ông giáo sư, tiến sĩ lò ấp ngồi phòng lạnh chỉ biết tưởng tượng và sử dụng ngôn ngữ tùy tiện kia là hiện thực ngôn ngữ. Tôi từng nói, không chỉ thành ngữ, tục ngữ của dân gian mà ngay cả những từ, ngữ bác học gốc Hán khi đã dân gian hóa thì tự nó biến đổi hình thức lẫn biến nghĩa, nhưng với điều kiện phải được cộng đồng của họ thừa nhận bởi chính kinh nghiệm của họ. Chẳng hạn, “Giết một con mèo cứu vạn con chuột”, cụ Lân bảo là “vô lý, vì mèo giết chuột là có ích cho người” là suy luận vừa thiển cận của anh nông dân chỉ biết bắt chuột vừa mang cái duy lý của anh trí thức ngồi phòng lạnh không biết gì về cuộc sống. Hiểu như vậy khác nào chính trị hóa vấn đề như có người từng truy cụ Nguyễn Du câu “Hại một người cứu muôn người” là phản động, vì dám để cho Kiều hại Từ Hải chết. Trong khi ở Truyện Kiều, câu ấy còn mang nghĩa nhân văn lớn hơn: cả Kiều cũng như cụ Nguyễn Du muốn chấm dứt chiến tranh để cứu muôn vạn sinh linh?
Rõ ràng Nguyễn Lân luôn dựa trên ý thức chủ quan của ông, cả lập trường duy lí chính trị lẫn duy lí khoa học. Câu “Thịt thối hơn muối bùi”, ông giải: “Ăn cơm có thịt vẫn hơn là không có”, lại còn chua thêm: “Nhưng thịt thối thì rất hại vệ sinh”. Cũng như thế, câu “Vảy cá còn hơn lá rau”, thì ông không cần giải nghĩa nữa mà bắt bẻ dân gian: “Thực ra rau lại rất cần cho sự dinh dưỡng”. Vậy thì lập trường bản ngữ của ông ở đâu?
Điều này tôi cũng đã phê Hoàng Tuấn Công thỉnh thoảng rơi vào duy lí khi diễn giải tục ngữ, thành ngữ. Các câu: “Tai vách mạch rừng” (Công khẳng định phải là “Tai vách mạch dừng”), “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng” (Công khẳng định phải là “Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng”) không phải dân gian sai mà là hiện thực ngôn ngữ. Riêng từ “hàn mặc” Nghiêm Thúy Hằng khẳng định người bản ngữ tin “hàn” là “lạnh” chứ không ai biết đó là “ngọn bút”. Tôi dám chắc từ “hàn mặc” không có trong vốn ngôn ngữ dân gian như bạn tưởng tượng. Không tin bạn cứ hỏi bất cứ ai không phải dân văn chương, rằng “hàn mặc” là gì, họ sẽ nói biết chết liền! Và như vậy, chỉ có dân văn chương sử dụng thì ắt phải hiểu đúng nghĩa hàn lâm của nó chứ không thể đẩy về phía dân gian hay tự xưng mình là người bản ngữ, trừ phi cái bản ngữ ấy là bản ngữ Trung Hoa!
Từ điển, trước hết là ghi nhận cách sử dụng của người bản ngữ, nhưng lại bị các học giả học phiệt biến thành sách áp đặt mọi người hiểu và sử dụng theo ý chí cá nhân thì đó không còn là từ điển.
3) Nói về sự biến đổi có tính lịch sử của kí hiệu ngôn ngữ rồi khẳng định “điều hôm nay đúng mai kia thành sai” mà dẫn Saussure là hoàn toàn trật kênh. Saussure có nói đến ngôn ngữ học lịch đại nhưng lập trường của Chủ nghĩa cấu trúc vẫn là đồng đại bất chấp sự biến đổi của ngôn ngữ. Đó là điều mà J. Derrida đã phản biện quyết liệt để khai sinh Giải cấu trúc hay Hủy – Tạo (Deconstruction). Nhưng đừng vội mừng là J. Derrida thành chỗ dựa cho sự sử dụng và hiểu sai ngôn ngữ tùy thích. Cũng không ít người hiểu nguyên lí Differance của Derrida là chấp nhận những khác biệt bất luận đó là khác biệt như thế nào. Theo Derrida, nguyên lí cái biểu đạt (signifier) luôn truy cập về cái được biểu đạt (signified) theo quan niệm của Saussure là không hoàn toàn tất định. Nếu cái được biểu đạt là khái niệm thì nó lại luôn có xu hướng hiện diện thành cái biểu đạt và thay đổi liên tục trên trục kết hợp. Ví dụ đưa ra từ Derrida là cái biểu đạt “Nước” với những khả năng kết hợp khác nhau như Hồ nước, Hơi nước, Ly nước, Hồ bơi, Sông, Biển, Sương, H2O,… mà không cần truy cập ngược lại với cái được biểu đạt tiên nghiệm của Nước. Vì thế, nghĩa không là cái tất định buộc phải quy hồi về cái được biểu đạt mà biến đổi liên tục không giới hạn trên trục thời gian. Vẫn sử dụng khái niệm “dự phòng” hay “trì hoãn” (deferral) trên trục không gian và thay thuật ngữ “trượt” (glissement – slipping) của J. Lacan thành “phát tán” (dispersion), Derrida sáng chế ra thuật ngữ Differance mang cả hai nghĩa: "hoãn và khác". Cái nghĩa "hoãn và khác" này không đồng nghĩa với sự diễn dịch tùy tiện “nay đúng mai sai” mà chỉ là sự diễn dịch không giới hạn trên nền những nghĩa đã dự phòng từ trong kí hiệu.
Tôi cũng "mách bố" đấy, nhưng yên tâm là hai bố già ngôn ngữ học lý thuyết F. Saussure và J. Derrida chết rồi, không đe dọa được ai đâu mà sợ. Riêng bố già Derrida thì nổi tiếng đã cãi là truy vấn đến cùng, không chơi trò nước đôi và cũng không việc gì phải đe dọa ai! Tôi học tập Derrida, có ai cãi thì tôi cứ truy cho đến khi hết chuyện cãi...
---------------------------------
Đoàn Lê Giang: Anh Chu Mộng Long đã trình bày một cách giản dị và đúng đắn về Saussure và Derrida. Bạn Nghiêm thì mới chỉ thuộc bài của các thầy mà chưa có óc phản biện và tư duy độc lập. Về tranh luận, bạn Nghiêm còn loanh quanh và tự mâu thuẫn mình, chưa thể tranh luận được. Nhìn chung bạn Nghiêm chưa thoát khỏi cái bóng cụ Lân, nếu không muốn nói đến những lý do ngoài khoa học.
Chu Mộng Long: Chiều nay ngoài hành lang Hội thảo, em mách với GS. Nguyễn Văn Hiệp rằng, anh Phan Đình Tân đã có gợi ý rồi, Viện Ngôn ngữ học nên tổ chức một hội thảo về sách Hoàng Tuấn Công. Trong Hội thảo ấy, cứ cho mọi người tranh luận vô tư, khách quan. Anh Hiệp OK, nhưng không biết người ta có dám cho phép tổ chức và những người phản đối Hoàng Tuấn Công có dám ra mặt cãi không?
Đoàn Lê Giang: Tôi sợ các vị ấy không ai dám công khai minh bạch. Từ lý luận đến thực tiễn, họ còn non lắm chưa đủ để đối đầu công khai, huống hồ cụ Lân thì sai lè lè có trời cãi. Họ mà phải ra, chắc sẽ người nọ đùn đẩy người kia, sừng sỏ nhất là anh GS gì đấy thì chỉ có mớ lý luận vớ vẩn bịp NCS thôi, chứ chữ nghĩa lỏng bụng không đối đầu được đâu.
Đặng Tiến: Mình chỉ mong GS Văn Hiệp tổ chức một số tạp chí Ngôn ngữ cho chủ đề này! Cũng có thể là hai ba số chuyên đề. Ui tha hồ tranh luận, tha hồ dẫn giải, tha hồ bảo vệ... Tạp chí của Viện do GS đứng đầu có khi lượng phát hành lại tăng đáng kể. Nhờ thế học thuật nước nhà được cải thiện theo hướng tự do. Quá tuyệt vời
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét