Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Nhà báo và sự nô lệ tự nguyện


Nguyễn Thị Từ Huy - Nhà báo và sự nô lệ tự nguyện

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Năm, ngày 10 tháng 9 năm 2015 | 10.9.15

Hôm nay tôi nhận được email từ một người bạn của nhà báo Đỗ Hùng. Câu chuyện phóng viên này bị tước thẻ nhà báo vì một status đùa nghịch trên facebook cá nhân vẫn đang còn là thời sự. Chưa có phản ứng gì từ đồng nghiệp của Đỗ Hùng trong giới báo chí chính thống.


Tôi viết bài này như một sự chia sẻ với phản ứng của người bạn của Đỗ Hùng. Và cũng để nói rằng tôi rất đồng tình với các nhận định của nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh về vụ việc này.


Trước khi nói tiếp xin mời độc giả xem bức biếm họa dưới đây






Nhân vật bị đả kích, xuất hiện trong bức tranh này với dương vật thòi ra, là đương kim tổng thống Pháp, François Hollande, và tờ báo đăng bức tranh này là Charlie Hebdo.


Chúng ta đều biết, mặc dù bị châm biếm đến mức như vậy, Hollande chẳng những không ra lệnh tịch thu thẻ nhà báo, không ra lệnh cách chức tổng biên tập hay phạt tiền hay đóng cửa tòa soạn, theo cách thức mà chính quyền Việt Nam sẽ làm (dĩ nhiên luật pháp cũng không cho phép ông ta làm điều đó), mà Hollande hẳn còn tự hào khi ở Pháp có một tờ báo như vậy. Bằng chứng là khi tờ báo bị tấn công, các nhà báo bị sát hại, Hollande còn kêu gọi toàn dân Pháp biểu tình để tượng niệm các nhà báo, và để bảo vệ tinh thần Pháp, tinh thần tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt. Không những chỉ dân Pháp, rất nhiều lãnh đạo các quốc gia khác cũng tham dự.


Bây giờ, chúng ta hãy hình dung cảnh tưởng tượng này : các nhà báo của các tờ báo chính thống Việt Nam, khi đến tòa soạn đồng loạt giơ một tấm biểu ngữ « Tôi là Đỗ Hùng » (nghĩa là tương tự cảnh các nhà báo Pháp giơ tấm biển « Tôi là Charlie » sau vụ các nhà báo của tờ Charlie Hebdo bị ám sát). Thử hỏi Bộ 4T có thể tịch thu hết thẻ nhà báo của tất cả các nhà báo không ? Không thể, bởi nếu thế thì sẽ lấy ai làm công cụ tuyên truyền cho đảng ?


Đọc đến đây, độc giả sẽ bảo : « Chị này chỉ giỏi mơ tưởng hão huyền, phi thực tế ! ». Phản ứng ấy của độc giả hoàn toàn dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý, dựa trên thực tế của chúng ta hiện nay : thay vì bảo vệ đồng nghiệp của mình, các nhà báo im lặng để cho bất công hoành hành.


Etienne de la Boétie, trong tiểu luận nổi tiếng, viết lúc ông chưa đến 20 tuổi, « Luận về sự nô lệ tự nguyện » đưa ra một ý tưởng nổi tiếng : kẻ bạo chúa không thể tồn tại nếu không có sự cam chịu nô lệ của đa số dân chúng, chính là sự nô lệ đã tạo ra bạo chúa.


Bộ 4T có thể hoành hành như vậy bởi vì không gặp phản ứng nào. Chính là sự cam chịu của giới báo chí đã tạo ra sự chuyên chế và sự đàn áp của Bộ 4T.


Chẳng cần đi đâu xa xôi ở các nước văn minh hay nhìn đâu xa xôi trong lịch sử, chỉ cần nhìn ngay một sự kiện tương tự, vừa xảy ra tại Việt Nam, để thấy rằng, một phản ứng, dù rất lịch sự, cũng có thể ngăn ngừa bất công và tự bảo vệ quyền của mình. Độc giả có lẽ hiểu ngay rằng tôi đang nói về trường hợp Phạm Lê Vương Các. Sự phản ứng của Vương Các, cộng với sự phản ứng của cộng đồng mạng, đã khiến trường Đại học nơi Vương Các đang học thay đổi thái độ.


Phạm Lê Vương Các mới chỉ là một sinh viên.


Các nhà báo Việt Nam có lương tri: quyền dân sự, quyền công dân, quyền con người chính là những gì tạo nên nhân phẩm của các anh chị, các anh chị sẽ chấp nhận hay từ chối việc người ta tước đoạt các quyền và nhân phẩm của mình ?


Paris, 9/9/2015


Nguyễn Thị Từ Huy


(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét