Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015
Bị oan, không thể đòi tài sản vì không đủ tiền nộp án phí
4928. Bị oan, không thể đòi tài sản vì không đủ tiền nộp án phí
Posted by adminbasam on 01/09/2015
Người Việt
31-08-2015
Ông Phạm Văn Thành. (Hình: Tuổi Trẻ)
TIỀN GIANG (NV) – Suốt 11 năm qua, ông Phạm Văn Thành – người hai lần bị giam oan vì “giết người” và “vu khống,” vẫn không thể đòi lại tài sản bị tịch thu bởi không có tiền nộp… án phí.
Ông Thành ngụ ở ấp Ninh Hòa, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, vốn là một nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam vì sự tùy tiện và tàn bạo của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Tháng 8 năm 1989, ông Thành bị công an xã Hòa Tịnh bắt khẩn cấp vì cáo buộc “giết người,” rồi đem giao cho công an huyện Chợ Gạo, công an huyện Chợ Gạo giao ông Thành cho công an tỉnh Tiền Giang.
Nạn nhân trong vụ giết người này được xác định là Phạm Thanh Tuyền – con trai ông Thành. Tuyền được cha giao cho trông coi một trại dê, cách nhà khoảng hai cây số và đột nhiên mất tích. Không chỉ có công an xã Hòa Tịnh mà hệ thống tư pháp ở Tiền Giang cùng cho rằng ông Thành đã giết Tuyền rồi phi tang xác.
Song song với việc bắt ông Thành, bí thư xã Hòa Tịnh còn ra lệnh “tạm thu” toàn bộ số tài sản của ông Thành bao gồm: 200 con dê nái – giống dê sữa trị giá năm chỉ vàng/con, 40 con dê cái con – dê sữa trị giá một chỉ vàng/con, một máy suốt lúa trị giá một lượng vàng, một máy Kohler trị giá năm chỉ vàng, một bình xịt trị giá một chỉ vàng. Tính theo thời giá năm 1989, tổng số tài sản mà ông Thành bị “tạm thu” là 105 lượng sáu chỉ vàng.
Do gia đình ông Thành vừa kêu oan, vừa phản đối việc “tạm thu” tài sản trái phép, chính quyền xã Hòa Tịnh lập một biên nhận, ghi rõ: Nếu ông Thành tìm được con trai, chính quyền xã sẽ hoàn trả toàn bộ số tài sản đã tạm thu.
Ông Thành bị tạm giam 13 tháng thì tháng 9 năm 1990, Phạm Thanh Tuyền – con trai ông Thành quay về. Tuyền cho biết, chăn dê buồn quá nên nghe lời người quen đến huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An chăn… bò. Bởi nghe tin cha bị tù vì cáo buộc giết mình, Tuyền quay về để minh oan cho cha.
Không còn lý do để tạm giam ông Thành, công an tỉnh Tiền Giang “tạm tha” ông.
Ra tù, ông Thành không dám đòi bồi thường việc bị bắt oan mà chỉ chạy tới, chạy lui xin lại những tài sản đã bị chính quyền “tạm thu.” Tuy nhiên ông Thành chỉ chạy tới, chạy lui được chừng năm năm thì tháng 4 năm 1995, ông bị bắt trở lại mà không rõ về tội gì. Năm tháng sau, khi được trả tự do, ông Thành mới biết, ông bị công an bắt vì phạm tội… “vu khống!”
Kể từ đó, ông Thành mới chính thức đi đòi công lý cho mình. Tháng 6 năm 2004, công an tỉnh Tiền Giang mới có văn bản, xác nhận, hai lần bắt ông Thành là gây hàm oan, “do nóng vội, yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn, pháp luật!”
Dẫu ông Thành đòi bồi thường hơn hai tỷ đồng bao gồm cả thiệt hại tài sản lẫn tinh thần, tòa án tỉnh Tiền Giang chỉ buộc công an tỉnh Tiền Giang bồi thường 84.6 triệu đồng “thiệt hại về tinh thần” cho ông Thành. Còn thiệt hại về tài sản bị “tạm thu” thì tòa án tỉnh Tiền Giang bảo ông Thành phải… kiện chính quyền xã Hòa Tịnh ra tòa dân sự.
Muốn kiện ra tòa dân sự thì phải đóng… án phí. Do số tài sản bị “tạm thu” là 105 lượng và sáu chỉ vàng nên án phí phải đóng khi nộp đơn kiện lên tới hơn 40 triệu, ông Thành vốn đã sạt nghiệp từ khi bị bắt oan và “tạm thu tài sản” nên đến giờ, ông thúc thủ.
Đáng nói là việc “tạm thu” tài sản của ông Thành vi phạm luật pháp nhưng hệ thống tư pháp Việt Nam không hề điều tra về vi phạm này. Các viên chức có liên quan đến vụ vi phạm luật pháp đó vẫn vô sự.
Trả lời chất vấn của báo chí Việt Nam, ông Trần Văn Công, Phó Chánh án Tòa án huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nói rằng, nếu ông Thành được chính quyền xã Hòa Tịnh xác nhận có gia cảnh khó khăn thì chuyện ông Thành kiện chính quyền xã này để đòi bồi thường có thể được giảm 50% án phí và chỉ thế mà thôi! (G.Đ)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét