Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Tạm biệt 2016


Nộ Thủy - Tạm biệt 2016

Đăng bởi Lê Sơn on Monday, December 26, 2016 | 26.12.16



Năm 2016 sắp trôi qua, nhường chỗ cho 2017, tôi cũng là một hạt bụi nhỏ nhoi trôi lăn giữa thời gian, băng qua hàng tỉ sát na vui buồn, hạnh ngộ chia ly, hạnh phúc khổ đau, thiện lành và đau khổ… Tôi, đôi khi cũng thấy mình là cậu bé cô đơn giữa thiên hà với triệu triệu nước mắt lấp lánh và thử đưa tay vói vào cái thinh không của đời sống, đâu đó có một hình hài của năm cũ, tháng cũ và ngày cũ, đâu đó có nước mắt của người miền Trung quê tôi khóc cha mẹ, khóc anh em, khóc con cái giữa biển lũ tan nát. Và đâu đó giữa hàng triệu vì sao kết tinh nước mắt, linh hồn thủy tộc, hồn thiêng sông núi nhảy múa như nhắn nhủ với ai đó về một dự cảm chẳng yên lành!






Năm 2016 đi qua với những biến đổi kinh hoàng của thế giới, trong đó, hình như là tín hiệu vui không nhiều mà sự hỗn độn có vẻ tăng tốc. Những chảo lửa chiến tranh có thể bùng phát bất kỳ giờ nào. Năm 2016 đi qua với hàng trăm hệ lụy và vài chục lời phát biểu để đời của các lãnh đạo nhà nước. Năm 2016 là năm “định hình” của không ít trí thức Việt Nam với những lời phát biểu chẳng giống ai, điều này thể hiện sự thỏa hiệp với cái ác, đồng lõa với tội lỗi và dường như những trí thức kiểu này đã sẵn sàng đạp qua mọi tiếng kêu đau của đồng loại, lời cảnh tỉnh của lương tri để nói cho được lòng bề trên và được lợi.


Có lẽ câu nói để đời nhất là câu phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc: “Nói là xả lũ nhưng thực tế là thủy điện cho nước đi qua hồ mà thôi. Mà nước cho chảy qua là nước của trời, không phải nước của thủy điện”. Câu nói của ông khiến không ít người tỉnh ngộ, hiểu ra rằng tại sao cái sự học của người Việt luôn là mối trăn trở và suốt nhiều năm nay, trí thức Việt Nam chỉ có thể phát triển khi bước ra bên ngoài, ngay tại Việt Nam, họ chỉ là loại cừu cao cấp.


Và suy cho cùng, tình trạng cừu hóa là tình trạng chung của hầu hết người Việt Nam, tỉ lệ bứt thoát ra khỏi tình trạng này rất hiếm hoi. Bởi đây không chỉ đơn giản là một chủ trương của nhà cầm quyền mà là tập khí dân tộc đã bị kết tụ sau nhiều thế kỉ sống trong nền quản thúc phong kiến để rồi sau đó lại sống trong sự thúc bách của chế động Cộng sản.


Và đáng sợ hơn là sau sự thúc bách đến độ căng thẳng, ngộp thở của giai đoạn kinh tế tập trung bao cấp thì liền sau đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các phe nhóm lợi ích mọc ra như nấm và nhanh chóng cộng lực, hình thành những ma trận dẫn dắt người trí thức lọt vào để rồi họ phải cù cum trong ma trận này. Vô hình trung, trí thức phục vụ nhà nước, tận tâm với nhà nước, với đảng Cộng sản và chịu sự quản thúc, điều động của họ trở thành một loại cừu thông minh, cừu cao cấp. Tiếng nói đích thực của tri thức, của sự minh triết bị phủ bụi, những trí thức chấp nhận gai góc để nói tiếng nói thật của mình, để bảo vệ khoa học và lương tri ngày càng trở nên hiếm hoi và lẻ loi.


Nợ công tràn ngập, đất nước nhìn bề ngoài tưởng rằng đang phát triển, nhưng thực tế bên trong, sự mục ruỗng đã lên tận nóc. Nợ công tràn ngập, sự xa hoa và bóng bẩy của một quốc gia được hình thành và tồn tại trên đống nợ. Đời sống văn hóa xuống đến mức thấp chưa từng thấy, đến lúc này, chỉ có thể nói rằng nhìn chung, Việt Nam đã thực sự băng hoại về mặt văn hóa và bất kì chuyện đau lòng, chuyện xấu hổ, chuyện kinh hoàng, chuyện đồi trụy, chuyện tệ hại… nào cũng có thể diễn ra.


Và để đáp lại tình trạng này, người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại, ông Nguyễn Phú Trọng đã rất lạc quan nói rằng: “Chúng ta thử hỏi, có bao giờ được như hôm nay”. Câu nói này của ông khiến cho cư dân mạng nổi đóa, và cho rằng ông đã thực sự lú. Bởi vô hình trung, cái nhìn của phần đông cư dân mạng là cái nhìn trực diện, nhìn thẳng vào vấn đề đúng hoặc sai, thiện hoặc ác, xấu hoặc tốt. Và họ dễ dàng nhận thấy câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng không đúng, vô lý. Nhưng sâu xa của câu nói này là một vấn đề đáng để rùng mình, ớn lạnh. Bởi câu này được ông nói ra với các đảng viên Cộng sản, với bộ sậu trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề mấu chốt nằm ở đó.


Cư dân mạng ném đá khi đặt câu phát biểu này trong tương quan phát triển đất nước và thấy ông Nguyễn Phú Trọng lú lẫn. Trong khi đó, Nguyễn Phú Trọng nói ra câu nói này trong tâm thế phát triển đảng, duy trì đảng trị và bóp ngạt tiếng nói phản biện và cắt sạch mọi mầm mống dân chủ, dân quyền. Trong tương quan này, rõ ràng ông Trọng rất minh triết, sáng suốt, ông đã thực hiện được những mục tiêu mà trước đây đảng Cộng sản chưa đạt được. Không dừng ở đó, ông còn khéo léo kéo dài nhiệm kỳ của mình và trong thời đại của ông Trọng lãnh đạo, mọi lãnh đạo khác có thể hưởng lạc công khai, có thể sống như một ông hoàng mà không sợ bất kì điều gì. Như vậy, khi đứng giữa các đảng viên Cộng sản, ông phát biểu câu này, ông xứng đáng được nhận một tràn vỗ tay dài. Và điều này càng được chứng minh rõ hơn sau đó không lâu, ông Trọng đã nói: “Đảng suy thoái nhưng cấm bôi bẩn!”


Thưa với ông Tổng Bí thư, còn chỗ nào nữa để bôi bẩn? E rằng rất khó để bôi bẩn đảng lúc này. Bởi hiện tại, khi cái bụng bắt đầu sôi óc ách, sống trong thời bình mà còn sợ hãi hơn cả sống trong chiến tranh. Bởi chiến tranh, người ta tránh bom đạn bằng cách đào hầm, ẩn nấp, còn bây giờ, các quả bom nước treo lơ lửng trên đầu người dân, chỉ cần các ông ấn nút một phát thì cả miền Trung chìm trong biển nước, chết chóc, mất mát, đau khổ… Đều có đủ!


Ông đã nói đúng, có bao giờ mà giới lãnh đạo từ trung ương tới địa phương sống vương giả, xa hoa như hôm nay?


Có bao giờ mà cả một dãy Trường Sơn xanh um ngàn năm cổ thụ bỗng chốc hóa thành một “đoàn binh không mọc tóc” cùng với những cái túi nước treo lủng lẳng đe dọa mạng người?


Có bao giờ biển Việt Nam trở nên đáng sợ như bây giờ, ngư dân bỏ lưới, hàng triệu trẻ em con nhà ngư dân phải đối mặt với những lo toan kinh tế mà lẽ ra ở độ tuổi này, các em chỉ biết ăn học, vui chơi?


Có bao giờ Tây Nam Bộ ruộng lúa hóa ruộng muối và hàng trăm ngàn gia đình nơi đây phải thấp thỏm đợi mùa nước nổi, phải sống trong lo sợ thiếu ăn và có bao nhiêu phụ nữ Tây Nam Bộ đã xách gói theo chồng trong tình trạng hôn nhân mua bán, không có tình cảm và không có tương xứng, không có cả tương lai chỉ để cứu gia đình khỏi nghèo khổ?


Có bao giờ mà người già sắp chết và trẻ em trong bụng mẹ đều phải thành con nợ, gọi là “nợ công” lên vài chục triệu đồng?


Tất cả những chuyện này, có bao giờ người Việt Nam được biết một cách tường tận và có bao giờ người Việt có cơ hội tỉnh táo để thấy rằng mình nghèo, mình lạc hậu, mình đã lún quá sâu vào nhậu nhẹt, nợ nần và tội lỗi?


Có bao giờ dân oan vì mất đất, mất nhà nhiều như bây giờ?


Chưa, chưa bao giờ trí thức Việt Nam gióng lên tiếng nói chung của giới trí thức để báo động các vấn nạn này. Chỉ có những tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ sự minh bạch của khoa học và lương tri của một số trí thức Việt Nam và tiếng nói ấy lọt thỏm giữa hàng triệu mối nguy rình rập, giữa sự ruồng bố và bất an!


Năm 2016 sắp đi qua, nếu tính từ thời điểm Cụ Phan Châu Trinh kêu gọi mở rộng và nâng cao Dân Trí, chấn hưng Dân Khí, Phục hồi Dân Sinh đến nay đã cách nhau gần một thế kỉ. Một thể kỉ trôi qua với hàng chục triệu đứa trẻ ra đời và trưởng thành, một thế kỉ trôi qua với hàng tỉ tỉ sát na vui buồn kéo qua mặt địa cầu và hàng trăm ngàn phát minh làm thay đổi thế giới. Một thế kỉ trôi qua với hàng ngàn cơ hội mở rộng dân chủ, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí cho cả thế giới và khu vực. Thế nhưng, một thế kỉ trôi qua Việt Nam với tầm mức đang lùi dần vào quá khứ, cách cư xử của người với người trở nên thô lỗ và tàn nhẫn hơn, máu lạnh hơn bởi từ vô thức, người ta đã phải gồng lưng chịu đựng quá nhiều thứ. Và không có gì đáng sợ hơn việc hằng ngày, người ta phải ăn uống, đi đứng, làm việc, sinh hoạt trong một tâm thức chất nặng những khối bóng tối mà lý trí người ta không thể đủ tỉnh táo cũng như thời gian để phán đoán, phát xét và định lượng.


Năm 2016 trôi qua với nhiều nỗi buồn, và có vẻ như người ta vẫn chưa tìm ra được một tín hiệu mừng nào để tin rằng năm 2017, Việt Nam sẽ đứng dậy. Nói khác đi, năm 2017 là một năm mà cơn lũ hệ lụy đã băng qua đất nước, làm ngập úng và cuốn trôi nhiều thứ. Nhưng rồi, giữa bộn bề nước, rét lạnh và phù sa, đâu đó vẫn có những hạt mầm cựa mình thức giấc... Sự thay đổi nhận thức của người dân, bao giờ cũng đóng vai trò những mầm xanh của lịch sử. Vấn đề còn lại là thời gian và ánh sáng.


Nộ Thủy


(Vấn Đề)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét