Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Trò chính trị lộn tùng phèo!


Bùi Tín - Trò chính trị lộn tùng phèo!

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Hai, ngày 28 tháng 3 năm 2016 | 28.3.16






Tổng bí thư vừa cũ vừa mới Nguyễn Phú Trọng đang lên cơn rồ dại hay sao? Ngài đạt được nhiều thắng lợi cá nhân “bất ngờ”, nay lại lao vào những cuộc phiêu lưu mới.


Thắng lợi lớn là Ngài ở thêm một nhiệm kỳ trên ngai Vàng “Vua vô sản tập thể’’, tuy có những cú thất bại thê thảm như khi sang CuBa ba hoa bị tẩy chay bằng im lặng, rồi bị bà Tổng thống Brazin từ chối bắt tay. Một cuộc đi thăm Nhà nước của một đoàn bề thế do Ngài cầm đầu gồm hơn trăm quan chức CS cao cấp: nghị sĩ, bộ thứ trưởng, doanh nhân, được hoạch định 4 tháng trước biến thành một cuộc cuốn cờ rút chạy thẳng về nước, hỗn loạn như mất hết cả dép.


Thắng lợi thứ hai là Ngài đưa vào Bộ chính trị 15/19 người miền Bắc để tha hồ sai bảo, khi luôn mồm nói đoàn kết Bắc Nam một nhà. Một nhà nhưng phía này là lâu đài, phía kia là nhà siêu vẹo.


Ngài đưa luôn vào Sài Gòn vị tướng trẻ xông xáo, cũng là dân miền Bắc để đưa đô thị lớn nhất nước vào khuôn phép của ngài.


Nay là một kế hoạch hoành tráng bất chấp Hiến pháp và kỷ cương của quốc gia. Đó là ép Quốc hội cũ phiên cuối cùng phải làm cái việc hệ trọng không thuộc thẩm quyền của mình, mà cướp quyền của Quốc hội mới, ngay từ khi nó chưa sinh ra, mới ở thời kỳ thai ngén.


Đây là một sáng kiến trái Hiến pháp, trái Luật, chà đạp Kỷ cương, sặc mùi duy ý chí, tự cho phép của một ông Vua đầy chủ quan và tham vọng.


Tham vọng quan trọng nhất hiện nay là thâu tóm ngay toàn bộ quyền lực trong tay Bộ chính trị mới, không chia sẻ cho ai hết, lo sợ thời kỳ chuyển giao giữa Chính phủ và bộ máy Nhà nước cũ và mới sẽ kéo dài, từ sau cuộc bàu cử 22/5 đến tận tháng 7, tháng 8, hay lâu hơn, có khi sang tháng 10, tháng 11.
Nhưng yêu cầu quốc hội đang họp phải làm những việc quá sức của nó, phi pháp, vi hiến đâu có dễ.


Vì muốn hạ bệ sớm Chủ tịch nước và Thủ tướng cùng toàn bộ Chính phủ gồm gần 20 bộ trưởng phải theo thủ tục nghiêm cách.


Trước hết là Ban Thường vụ Quốc hội phải đề nghị QH bãi miễn tất cả các vị nói trên, trước hết là Chủ tịch Nước và Thủ tướng.


Mà bãi miễn là điều hệ trọng, đâu phải chuyện chơi! Phải có khuyết điểm, sai lầm nặng nề, hoặc bị điều tra kết án về tội tham nhũng lớn, hay tội hình sự nặng như giết người, phản quốc.


Sau đó là Chủ tịch nước và Thủ tướng phải tự viết đơn xin tự bãi miễn hoặc tán thành việc bãi miễn, để Quốc hội ra quyết định bằng đa số, hoặc 2/3 số phiếu.


Các quyết định trên phải chỉ ra sai lầm, tội lỗi thật nghiêm trọng đến đâu để Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ và biểu quyết theo đúng Luật. Ngoài cá nhân Thủ tướng, tất cả các thành viên Chính phủ đều phải lên mâm, tự đấm ngực thú tội mình đã không làm tròn trách nhiệm ra sao, kể cả phó thủ tướng sẽ là Thủ tướng, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng sẽ là Chủ tịch Nước. Có điều gì khôi hài kỳ cục như thế.


Chính do chuyện này rất phức tạp nên ông Nguyễn Phú Trọng và phe cánh, tham mưu đã đề ra cho kỳ họp này phải để ra 12 ngày để thực hiện cuộc “tiền đảo chính’’, cưỡng ép cả bộ máy làm theo ý muốn của ông ta.


Rất có thể Quốc hội sẽ miễn cưỡng làm theo quy trình đã định. Để mà muối mặt trước dư luận trong nước và công luận quốc tế.


Nhưng biết đâu lại không có sự cố bất ngờ?


Vì cái trò “lộn tùng phèo” cả cơ chế như trên có phải ai cũng tán thành thực hiện.


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân có vui vẻ nhận chức Chủ tịch QH mới ngay khi QH đó chưa được bầu, ngay trước khi bà có được trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 22/5 hay không? Chuyện như thế chưa từng có ở đâu hết. Bà có biết thẹn không?


Dù cho bà Ngân chịu đóng kịch theo quy trình, nhận sớm nhiệm vụ, bà Ngân có dám điều khiển Ban Thường vụ QH cũ ra quyết định bãi miễn Chủ tịch Nước, Thủ tướng và toàn bộ Chính phủ cũ hay không? Bà dựa vào điều gì để đề nghị việc tày trời đó? Ông Trương Tấn Sang có tội gì to lớn đến độ phải bãi miễn? Ông Thủ tướng Dũng có tội gì lớn đến mức phải truất chức một cách ô nhục. Vừa qua ông Dũng luôn kiểm điểm chung với cả Chính phủ, coi thiếu sót thành tích là của chung, tập thể Chính phủ.


Hơn nữa về mặt tâm lý bà Ngân là dân miền Nam chẳng lẽ đối với hai ông Sang và ông Dũng cũng cùng là dân miền Nam, liệu bà có dám cạn tàu ráo máng như thế hay không? Ngay cả ông Nguyễn Sinh Hùng đương nhiệm Chủ tịch QH cũng muốn để lại một nét son trước khi về vườn cũng có thể không mặn mà với quy trình kỳ lạ này.


Việc gì sẽ xảy ra khi một số đại biểu QH cả Bắc và Nam bác bỏ phương án của Bộ chính trị, giành quyền quyết định cho QH là “cơ quan quyền lực cao nhất’’, dựa trên lý lẽ vững chãi của hiến pháp, theo phương châm ‘’làm việc và sống theo Hiến pháp’’ do chính đảng CS đề ra.


Việc gì sẽ xảy ra khi một số đại biểu cả hai miền rủ nhau bỏ phòng họp không tham gia bãi miễn các chức vụ cao nhất?


Trong số này không ít người mong muốn thực hiện phương hướng xoay trục thoát Trung, phẫn nộ khi thấy viên tướng Thường Vạn Toàn của TQ được ông Trọng tiếp thân thiết ngay lúc căng thẳng này. Ai cũng biết tướng Tàu sang để kiểm tra, khuyến khích, răn đe, theo dõi tình hình, giúp sức cho Bộ Chính Trị mới luôn “Nhất biên đảo’’ – ngả hẳn về phía bên này (TQ), không được tơ tưởng “ngả sang phía bên kia’’, theo ý nguyện của 80 % số dân Việt Nam, như hãng thăm dò PEW công bố.


Trong ý định của tướng Toàn chắc chắn có nội dung phá đám cuộc thăm chính thức VN của Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 5 tới, phá luôn việc VN vào khối TPP.


Một QH ngồi yên nghe Tổng bí thư đảng CS Tàu họ Tập huấn thị, còn vỗ tay nhiệt liệt, không hề có một quyết dịnh hay tuyên bố chống bành trướng, sẽ có nhiều khả năng ngoan ngoãn tuân theo quy trình của ông Trọng.


Có những ý kiến ngay thật, trung thực hợp lẽ phải e phải chờ QH sau sẽ có một số đại biểu của dân thật sự lên tiếng vì dân, bênh vực quyền lợi sống còn của dân ta, đất nước ta.


Trong khi chờ đợi cả xã hội hay theo dõi cái trò “lộn tùng phèo’’ hiếm có của cơ chế hiện nay, trong một thể chế độc đảng toàn trị, đảng CS không phải đặt trên Nhà nước, ngồi trên QH, vi hiến và phi pháp mà còn nuốt chửng mọi quyền lãnh đạo, quyền lập pháp, tư pháp và quyền ngôn luận, như một con khủng long quái quỷ thời tiền sử.


Bùi Tín


(Bùi Tín Blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét