Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Căn bệnh dại’ của nền giáo dục: Đừng trông chờ chế độ


VNTB- ‘Căn bệnh dại’ của nền giáo dục: Đừng trông chờ chế độ
Reply
‘Căn bệnh dại’ của nền giáo dục: Đừng trông chờ chế độ, Đông Phong Vũ, opposite,VNTB
30.3.16
Đông Phong Vũ





(VNTB) - Cứ như vậy, vô số trường mầm non mini mọc lên, giống như một ‘căn bệnh dại’ của nền giáo dục. Chỉ cần nhìn qua cơ sở vật chất của các trường mầm non cũng đủ để biết tương lai đất nước nguy ngập đến nhường nào.

Trưa ngày 17/3/2016, tại trường mầm non Ngôi Sao Xanh, Thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TPHCM, một cô giáo mầm non đã có hành động bạo lực lúc cho các bé ngủ trưa. Cô giáo này đi vào và cầm tay xách ngược một bé đang nằm ngoài nền lên cao rồi ném xuống nằm giữa các bé khác. Sự việc réo lên hồi chuông cảnh tỉnh về giáo dục mầm non của Việt Nam.

‘Căn bệnh dại’ của nền giáo dục


Sai lầm đầu tiên có lẽ là quá dễ dãi cho phép mở trường mầm non.


Ở đồng bằng miền Bắc thì đa số các cô có bằng cao đẳng mầm non trở lên, tạm coi là ổn so với mặt bằng chung. Nhưng luật giáo dục Việt Nam quy định một người có bằng sư phạm mầm non là đã mở được trường mầm non, không quy định nhân viên trong trường phải có bằng này.


Luật này bị lợi dụng ở miền Nam như sau: Những khu công nghiệp Đài Loan và Trung Quốc mọc lên vô tổ chức. Trong khi đó số trường mầm non quốc lập xung quanh thì quá ít, hơn thế xa khu nhà trọ của công nhân. Nắm bắt được điều này, giới nhà giàu thuê chỉ một ngôi nhà nhỏ làm cơ sở, rồi thuê một cô giáo có bằng cấp đứng tên trường, cuối cùng thuê những bà thất nghiệp đi làm bảo mẫu. Cứ như vậy, vô số trường mầm non mini mọc lên, giống như một “căn bệnh dại” của nền giáo dục.


Các trường mầm non tư nhân ở Việt Nam là một dịch vụ ăn theo đúng nghĩa đen. Nhà nước không thực lòng muốn quản lý các trường mầm non tư thục này. Diện tích một lớp học thì quá nhỏ, số học sinh mỗi lớp quá đông; các phòng học thiếu thốn về ánh sáng; chất lượng nguồn nước và chất lượng vệ sinh thực phẩm thì cũng giống như trên toàn tổ quốc, không lấy gì làm đảm bảo. Chỉ cần nhìn qua cơ sở vật chất của các trường mầm non cũng đủ để biết tương lai đất nước nguy ngập đến nhường nào.


Giấy phép mở trường mầm non cấp tràn lan, chỉ cần phí bôi trơn cho phòng giáo dục là có giấy phép. Chính vì lẽ đó, người ta nghe việc giáo viên hành hung trẻ thơ nhiều đến nỗi vô cảm. Tương lai dân tộc bấp bênh hơn bao giờ hết.


Ngược đời tuyển dụng ngành mầm non ở Việt Nam


Công bằng mà nói, không ít nước đã từng để xảy ra bạo hành trẻ mầm non. Trường hợp kinh khủng nhất mà thế giới biết đến là Amelia Elizabeth Dyer, một phụ nữ ở nước Anh. Người phụ nữ này nhận chăm sóc trẻ em, giống như các lớp mầm non tư nhân gần các khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam bây giờ. Bởi bàn tay bà đã nhuốm máu ít nhất 400 đứa trẻ trong khoảng 30 năm nên sáng 10/6/1896, bà ta bị treo cổ tại nhà tù Newgate. Sau sự việc đó, nước Anh đổ không biết bao nhiêu ngân khố để quản lý các trường mầm non và kiện toàn thể chế giáo dục mầm non. Bây giờ, tức là hơn 100 năm sau sự cố, giáo dục mầm non ở Anh được đầu tư mạnh và siết chặt quản lý, thậm chí có thể nói là không có scandal.


Ở phương Tây, những người vào học đầu vào ngành mầm non được “khám” rất kỹ, kỹ hơn các bậc học khác. Nếu một người nào đó có tiền sử về các tội bạo hành, nhất định bị đánh rớt khi dự tuyển ngành giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non phương Tây càng nói không với những ứng viên có tiểu sử hoảng loạn tâm thần, hay tiểu sử của một ai đó trong gia đình liên quan đến chứng tâm thần.


Trở lại vấn đề xuống cấp đạo đức nhà giáo mầm non, báo đài nhà nước thường nói cứ như là chỉ do lỗi cá nhân. Theo mọi lý thuyết thống kê, nếu là sự việc diễn ra ở một vài trường thì lỗi bộ phận, còn một khi nạn bạo hành trở nên phổ biến thì nguyên nhân thuộc về chính sách. Người làm chính sách ở Việt Nam kém cỏi không sửa được sai lầm như phương Tây, do đó dân ta chưa từng nghe danh từ “nhà lập pháp” dùng cho quan chức nào ở Việt Nam.
Nhưng chất lượng đào tạo giáo viên mầm non ở Việt Nam dễ dãi đến mức không còn gì để nói. Ngay từ tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm mầm non đã có ngược đời. Những cô gái thi trượt đại học, hoặc những người lực học yếu nhưng không có tiền đút lót vào các trường lớn nên nộp đơn vào học trường mầm non.


Ở châu Âu, chỉ có những người thông minh mới vào được sư phạm mầm non. Rất nhiều tiến sĩ của thế giới Âu- Mỹ háo hức đi dạy mầm non, trong tư cách giáo viên bình thường. Ngành sư phạm mầm non là một ngành danh giá, ra trường đi làm lương rất cao. Ngược lại, giáo viên mầm non Việt Nam hưởng mức lương ba đồng ba cọc. Làm sao họ tránh khỏi bực mình, làm sao họ có thể yêu nghề trên một nền tảng chính trị- tinh thần như thế? Đã vậy các cô giáo mầm non còn phải chịu áp lực từ phía nhà trường, mọi trách nhiệm như thu tiền, dọn vệ sinh... Có thể nói họ bị bóc lột sức lao động.


Nếu không được nêu ý kiến với nhà trường, bức xúc sẽ dồn nén trong lòng cô giáo và nó sẽ bùng ra lúc nào chỉ là vấn đề thời gian. Việc bạo hành trẻ theo đó là một hậu quả đương nhiên. Đứa trẻ bị cô giáo đánh sẽ mang một vết thương tinh thần, đau long hơn nữa, các em còn bị méo mó nhân cách về sau.


Trên đây chỉ mới nói về các giáo viên ở miền Bắc, ở các trường công lập. Ở các trường tư nhân miền Nam càng kinh khủng hơn. Hiệu trưởng trường mầm non những nơi này thích thuê các bà thất nghiệp đi dạy trẻ em vì nhân công rẻ mạt.

Đừng trông chờ chế độ


Nguyên nhân cốt lõi sâu xa nằm ở nền đào tạo thiếu nhân bản. Trong chương trình đào tạo, các cô giáo được dạy chủ yếu để trở thành nhân viên tuyên truyền trong trường mầm non hơn là bạn của trẻ nhỏ. Họ không được hướng dẫn cách tôn trọng sự khác biệt của trẻ thơ.
Mà Việt Nam là một đất nước cực kỳ phức tạp. Nhà nước muốn các cô giáo khi ra làm có thể ngay lập tức khiến cho đứa trẻ tôn thờ về lãnh tụ, đảng phái, chế độ. Tổng thời gian đào tạo là có hạn, vì vậy, các cô giáo biết rất ít về triết lý giáo dục. Khi hỏi về các học thuyết giáo dục, chẳng hạn như học thuyết của Jean-Jacques Rousseau để nuôi dạy đứa trẻ thế nào thì không biết. Nếu là câu hỏi đó đặt ra với một giáo viên mầm non ở một đất nước như Phần Lan thì gần như 100% trả lời được. Nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam chúng ta, nền chuyên chính áp đặt nền chuyên chế bao trùm lên giáo dục. Ở chỗ riêng tư, cả dân thường lẫn trí thức nhiều người gọi đó là nền giáo dục “ nhồi sọ”.


Dân tộc Việt Nam đã phải chịu quá nhiều bất hạnh. Vì vậy thế hệ trước cần hy sinh để thay đổi, bằng mọi cách phải làm cho cuộc sống của thế hệ sau tốt hơn.



Nếu chế độ không đem được những thứ tốt nhất của xã hội thì cũng phải ưu tiên cho trẻ thơ, ít nhất thì cũng phải bảo đảm an toàn cho trẻ. Nhưng đừng trông chờ chế độ, mỗi người theo tiếng gọi nơi lương tâm phải hợp sức chung tay cứu lấy tương lai của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét