Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Vụ từ chối mổ : Lạm dụng ... chức danh nhà báo.


VNTB - Vụ từ chối mổ: Lạm dụng… chức danh nhà báo
1

Hòa Cầm (VNTB) - Xã hội Việt Nam tồn tại nhiều thái cực vô lý đến kỳ lạ, khi nhà báo chân chính thì bị có thế lực chèn ép, trong khi các đơn vị làm ăn trong xã hội lại kiêng dè, e sợ những nhà báo thích “mang danh nhà báo” khoe mẽ.





PGS.TS Vũ Bá Quyết: "Báo chí các người có quyền viết, còn tôi có quyền không mổ".

Trong xu hướng quyền tự do ngôn luận, và sức mạnh của truyền thông, báo chí ngày càng được khẳng định thì một số cá nhân, tổ chức thuộc báo chí nhà nước lại tìm cách lợi dụng quyền lực có được đó để khoa trương, gây phiền nhiễu các cá nhân, đơn vị hành chính sự nghiệp nhằm mục đích trục lợi bản thân.


Câu chuyện về Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, PGS. TS Nguyễn Bá Quyết từ chối mổ cấp cứu đối với một bệnh nhân nữ, là nhà báo của trang điện tử Người đưa tin cũng ít nhiều mang dáng dấp lạm dụng chức danh nhà báo đó.


Cụ thể, bệnh nhân tên Trang ở Hà Tĩnh (người viết cho báo điện tử Người đưa tin, thường trú ở Đà Nẵng) sau khi kiểm tra được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ, hỏi về lý lịch bệnh nhân, ông Quyết đã từ chối mổ.


Nếu việc từ chối đó đặt trong trường hợp cấp cứu thì là hành vi đáng lên án. Nhưng đằng này, bệnh nhân Trang là khám, mổ dịch vụ và theo bác sĩ Nguyễn Bá Quyết hội chuẩn cho biết, bệnh tình không thuộc diện “cần cấp cứu”.


“Tôi giải thích với bệnh nhân nhiều người còn đòi Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến mổ nhưng anh ấy bận không mổ được thì cũng đành chịu, tôi cũng như thế. Bệnh nhân cấp cứu của bệnh viện và công tác quản lý nhiều nên tôi không có thời gian mổ dịch vụ và bệnh không cần cấp cứu”, bác sĩ Nguyễn Bá Quyết cho biết.


Như vậy, việc từ chối của bác sĩ Nguyễn Bá Quyết là không sai. Và vụ việc nhỏ như thế đã được báo điện tử Người Đưa tin và một số tờ báo nhà nước khác thổi bùng lên, để đến chiều ngày 24/03, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế phải có công văn yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Trung ương xác minh thông tin Giám đốc Bệnh viện từ chối mổ cấp cứu.


Trong khi đó, báo điện tử Người Đưa Tin tiếp tục cho đăng tải một bài viết hàm ý công kích cá nhân: “Giật mình mức giá 'cắt cổ' cho ca mổ của GĐ Bệnh viện Phụ sản TW.”


Tôi cho anh biết, tôi là… nhà báo


Việc ra văn bản xác minh thông tin của phía Bộ Y tế trước thông tin đăng tải trên báo chí là điều đúng đắn và hẳn sẽ có một kết luận hợp lý về vụ việc, theo sự xác minh, ghi nhận từ hai phía.


Tuy nhiên, qua sự vụ nêu trên, cũng có thấy một sự quá đà trong lạm dụng quyền nhà báo để đòi hỏi cho các lợi ích cá nhân, mà ở đây là “bệnh nhân Trang”, cũng như việc đẩy sự vụ đi đến công kích cá nhân như báo điện tử Người đưa tin đang tiến hành.


Đó là biểu hiện của tình trạng “loạn nhà báo rởm” mà trước đây, báo Tiền Phong đã từng có hẳn một chuyên đề điều tra về sự tác oai của một số cá nhân nhà báo trong cộng đồng xã hội.


Từ chuyện cộng tác viên báo Lao Động “ngang nhiên dựng bảng Văn phòng đại diện báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ” cho đến một “cave từng bị lập biên bản về hành vi bán dâm, bỗng dưng thành phóng viên dưới trướng văn phòng đại diện của một tờ báo”.


Tình trạng “loạn nhà báo rởm” cũng được báo Tiền Phong nhấn mạnh khi mà các nhà báo này cậy vào tờ giấy giới thiệu của tòa soạn để làm tiền các đơn vị hành chính, sự nghiệp hoặc gây áp lực để trục lợi cá nhân.


Đó mới chỉ là những “phóng viên rởm” mà đã gây ra tác hại to lớn, tác oai, tác quái như vậy. Còn những người được đào tạo chính quy, nhưng lại mắc bệnh thích dán nhãn nhà báo lên trước mặt thì mức độ gây hại còn lớn hơn ở mức nào.


Xã hội Việt Nam vì thế tồn tại nhiều thái cực vô lý đến kỳ lạ, khi nhà báo chân chính thì bị có thế lực chèn ép, trong khi các đơn vị làm ăn trong xã hội lại kiêng dè, e sợ những nhà báo thích “mang danh nhà báo” khoe mẽ, đòi quyền lợi cho mình, bất chấp các quy định hiện hành.


Không phải tự nhiên mà câu chuyện báo Tiền Phong trích dẫn về “Một hiệu trưởng trường làng kể: Năm ngoái, sau siêu bão số 10, trường ông bị tan hoang, đang phải chạy vạy khắp nơi để gom từng gói mì tôm, từng chiếc bút, chiếc áo sờn cho các em học sinh thì có “nhà báo” đến. Họ yêu cầu mua sách về danh nhân, mỗi cuốn lên gần cả triệu đồng. Ông từ chối với lí do trường đang rất khó khăn sau bão lũ. Ngay lập tức “nhà báo” này dọa sẽ báo lên phòng giáo dục vì ông hiệu trưởng không tôn kính danh nhân, không xứng đáng làm nghề giáo.”


Lại giống đến kỳ lạ về phương thức, cách thức “lạm dụng chức danh nhà báo” của không ít vị cộng tác viên, thậm chí là nhà báo, phóng viên các đài lớn nhỏ trong của nước và đúng hơn là giống như câu chuyện đang diễn ra giữa bệnh nhân Trang, báo điện tử Người đưa tin và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.


Bởi những kẻ giả danh nhà báo hay những ai lạm dụng chức danh nhà báo đều có chung một điểm là… tìm cách trục lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét