Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Bạo hành Thể xac và Ngôn từ


VNTB - Bạo hành thể xác và ngôn từ: Làm sao chống?

Phương Thảo (VNTB) - Chống lại việc hiếp đáp kẻ yếm thế không phải chỉ chống lại bạo lực thể xác mà phải chống lại cả bạo lực ngôn từ.

Những kiểu hiếp đáp

Tôi không dám xem những cảnh phim các em học sinh bị bạn bè ăn hiếp hay đánh nhau lan truyền khắp trên mạng, nhưng việc này đã làm cho tôi phải cất công tìm hiểu “ăn hiếp” và “bị ăn hiếp” là gì.

“Ăn hiếp người khác là có thái độ hung hăng bằng vũ lực; tìm cách khai thác các thông tin cá nhân để bêu xấu người khác với mục đích hãm hại hay kiểm soát họ và các hành động này có xu hướng lặp đi lặp lại.” Việc ăn hiếp không chỉ là việc xâm hại người khác bằng hành động mà còn bằng lời nói.



Ăn hiếp người khác gồm có ba loại chính. Thứ nhất là ăn hiếp người khác bằng lời nói như trêu chọc, buông ra các lời nhận xét không phù hợp về giới, đe dọa, chửi rủa, mắng nhiếc. Thứ hai là ăn hiếp xã hội tức làm phương hại đến danh tiếng hay mối quan hệ của người khác bằng cách cô lập, cấm con cái không chơi với bạn nào đó ở trường, nói xấu người khác hay làm làm bẽ mặt người khác nơi công cộng. Thứ ba là ăn hiếp thể chất, tức làm đau đớn người khác hoặc tài sản của họ. Loại thứ ba gồm các hành động đấm, đá, cấu xé, phun nước bọt, xô đẩy, lấy hoặc phá hư hỏng vật dụng cá nhân, có các cử chỉ tay hẹp hòi hay thô lỗ. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì giờ đây lại có thêm thuật ngữ “ăn hiếp trực tuyến” ( cyberbully).

Việc ăn hiếp người khác bằng lời nói không chỉ diễn ra ở trường học hay với bạn bè, mà còn có ngay cả ở trong gia đình. Nếu dùng từ cho chính xác thì phải gọi là bạo hành bằng ngôn từ. Có ai trong số những người Việt Nam lớn lên mà chưa từng bị phụ huynh mắng mỏ và đôi khi phụ huynh sử dụng các lời nói có khi hơi quá mức. Có ai chưa từng nghe những lời nói không hay bâng quơ hay trực diện? Hay có ai chưa bao giờ bị nạt nộ, la mắng khi đi đến nơi đông người như bệnh viện hay nơi công quyền hoặc thậm chí là đồng nghiệp cấp trên? Có lẽ chúng ta đã quá quen với cách giao tiếp chửi mắng, với kiểu nói ban ơn bề trên nên không biết rằng đây là mức độ nhẹ nhất của tình trạng hiếp đáp nhau.


Tôi đã thường bị đánh


Bạn cảm thấy như thế nào khi bị cô lập không cho chơi chung? Tôi cảm thấy thật kinh khủng vì tôi không biết tôi đã làm gì để bị cô lập như vậy, lúc ấy tôi 11 tuổi và việc này kéo dài suốt 4 năm học cấp hai. Bạn cùng trường cùng lớp nói rằng vì tôi được cô giáo chủ nhiệm thương và bênh vực nên chúng không thích cho tôi chơi chung. Mẹ của bạn học tôi cấm con gái không được chơi với tôi vì họ sợ con họ không lo học và vì gia đình tôi có vẻ khá giả hơn gia đình họ. Khi đó tôi đã 16 tuổi nên tôi chấp nhận sự việc mà không buồn tìm hiểu nữa. Nói xấu người khác được xếp vào cấp độ hai này. Có ai chưa bao giờ là nạn nhân của việc nói xấu và chưa bao giờ nói xấu hay có nhận xét không tích cực về người khác khi họ không hiện diện?


Hiếp đáp nhau khi dùng đến bạo lực. Tôi cũng đã trải qua. Từ năm học lớp ba tôi thường xuyên bị các nam sinh chặn lại để đánh đập sau giờ học. Tôi không dám đến gặp thầy cô chủ nhiệm vì sợ sẽ bị đánh nhiều hơn. Có các anh chị lớn đứng ra bênh vực thì cũng bị ăn đòn lây. Về nhà nói với bố mẹ, thì bố mẹ cũng không biết làm gì hơn để giúp cho tôi. Và cứ thế tôi phải chịu bị ăn đòn sau giờ học gần như mỗi ngày cho đến khi mẹ tôi xin cho tôi chuyển trường học vào năm lớp Năm.


Có một lần một đám con trai chận đường muốn đánh tôi lần nữa, tôi đã nhắm mắt lao luôn xe đạp vào chúng nó và thách chúng đánh tôi. Chúng đứng im, trợn mắt nhìn tôi và bỏ đi luôn. Kể từ đó tôi được yên thân với đám nam sinh này và cũng nhờ đó tôi học được bài học phải làm sao để đối đầu với chúng. Đó là không nhân nhượng.


Tuy nhiên việc bị ăn hiếp bằng lời nói và cô lập đã để lại cho tôi nhiều thương tổn cho mãi tới sau này. Tôi không tự tin thật sự vào bản thân dù vẻ bên ngoài tôi luôn tỏ vẻ tự tin. Tôi luôn ở trong trạng thái đề phòng và không dám làm thân với bất cứ ai. Tôi mất tự tin và cũng mất luôn niềm tin vào người khác. Tôi mới được biết đây là biểu hiện tự nhiên khi bị ăn hiếp kéo dài, khi đó tâm lý người bị ăn hiếp sẽ trở nên buồn bã, cô độc nếu nhẹ; nặng hơn thì sẽ bị trầm cảm, tự kỷ, khó kết bạn hoặc không có bạn bè. Đối với các em học sinh thi học lực bị giảm sút, sợ đến trường và có khi muốn bỏ học. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng các vấn đề về sức khỏe như bị bệnh đau đầu, hay bị thương tật sau khi bị bạo hành thân thể.


Phải chống cả bạo lực ngôn từ


“Ăn hiếp trực tuyến” được thể hiện qua các lời nhận xét hay phim ảnh trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, Instagram. Mới đây trên mạng xã hội đã lan truyền đoạn phim ngắn Tổng thống Obama đọc các tin Twitter không hay về bản thân ông. Với giọng đọc và dáng vẻ đầy hài hước, Obama đã làm cho rất nhiều người phải bật cười. Nhưng đó là cách ứng xử của một người trưởng thành và đầy bản lĩnh. Đổi lại là một em học sinh ở tuổi vị thành niên sẽ cảm thấy như thế nào khi nhận đọc được dòng chữ có nhận xét khiếm nhã về dáng vẻ về ngoài hay là một khiếm khuyết của em?


Đó sẽ lại là một cú sốc về tâm lý.


Ở các nước Âu Mỹ có các bác sỹ để giúp cho người bị ăn hiếp có các liệu pháp tâm lý và đưa ra các giải pháp tránh bị ăn hiếp. Còn có các hiệp hội, tổ chức giúp đỡ nhau để vượt qua các thời khắc khó khăn khi bị ăn hiếp. Họ đưa ra giải pháp như đối thoại giữa người ăn hiếp và người bị ăn hiếp, phụ huynh đối thoại với nhau, hay báo cáo sự việc với thầy cô giáo. Có người đưa ý kiến phải tự tạo cho mình dáng vẻ tự tin hay có lúc cũng phải biết phản ứng lại, nói cách khác là bị đánh thì phải biết đánh lại để tự vệ. Tuy nhiên cũng có những lúc đi quá độ và người bị ăn hiếp đã chọn giải pháp tự sát hay gây ra thảm sát khi không có được sự nâng đỡ từ bạn bè, gia đình và cộng đồng. Theo như trang www.stopbully.gov, 12 trong số 15 thủ phạm ra tay xả súng vào học đường ở Mỹ những năm 1990 đã từng là nạn nhân của các vụ ăn hiếp. Ở Hà Lan, thỉnh thoảng lại có em trai 14-15 tuổi nằm trên đường tàu tự sát vì bị bạn bè trêu chọc là đồng tính.


Bạo hành bằng lời nói hay thể chất cũng xuất phát từ việc không nhận thức được việc làm đúng hay sai. Ngay bản thân người thực hiện hành vi ăn hiếp người khác và những người đứng xem hay hùa vào cùng làm cũng có vấn đề về tâm lý. Họ cũng đã bị bạo hành và muốn thực hiện hành vi trả thù lên các người yếm thế hơn. Khi trưởng thành họ cũng dễ trở thành kẻ hung hăng, có xu hướng gây ra bạo hành trong gia đình hay phạm pháp nếu là những người từng trực tiếp ăn hiếp người khác. Còn những người đứng ngoài cổ vũ cũng có thể gặp nhiều vấn đề về tâm lý như trầm cảm và lo âu.


Lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra cho người lớn khi biết có nạn ăn hiếp là phải tạo cho các em sự an toàn, bình tĩnh và có thái độ tôn trọng các em khi xử lý tình huống. Tránh không được bỏ qua và nghĩ rằng chỉ là chuyện con nít thì con nít tự giải quyết với nhau, tránh không tìm hiểu vấn đề ngay lập tức, tránh ép buộc các em phải khai nhận những gì các em đã thấy hoặc đã làm, tránh không gom các em lại một chỗ để nói chuyện với nhau mà phải hỏi chuyện riêng rẽ và cũng không bắt những đứa trẻ ăn hiếp và bị ăn hiếp nhau phải xin lỗi hay làm hòa ngay lập tức.



Chống lại việc hiếp đáp kẻ yếm thế không phải chỉ chống lại bạo lực thể xác mà phải chống lại cả bạo lực ngôn từ. Việc này phải bắt đầu từ việc giáo dục trong học đường cho cả thầy cô giáo lẫn học sinh, bắt đầu từ trong gia đình khi tạo được bầu không khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau... Giá như tôi hay bố mẹ tôi, thầy cô tôi đọc được những điều này cách đây hơn 30 năm thì có lẽ tôi đã có được khoảng thời thơ ấu êm đềm hơn rất nhiều...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét