Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Xin đừng diễn nữa!


VNTB- Xin đừng diễn nữa!

Nguyễn Tuấn



Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải đánh trống khai giảng năm học mới


(VNTB) - Ngày 5-9, các bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố đều chọn cho mình một ngôi trường để đến đó đánh “tiếng trống khai trường”. Trước đó, ông chủ tịch nước có một lá thư chung chung gọi là gửi cho học sinh năm học mới. Tất cả như một lập trình sẵn, nghèo nàn cảm xúc.
Với nhiều học sinh bây giờ, ngày khai giảng chẳng còn chút hồi hộp, háo hức mà trở nên chán ngấy, mệt mỏi. Sau bài phát biểu, tiếng trống khai giảng vội vã thì nhà trường lại tiếp tục công việc đã bắt đầu trước đó mấy tuần.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1-8 và muộn nhất vào ngày 25-8. Việc tổ chức khai giảng vẫn được ấn định vào ngày 5.9 như thường lệ. Thật ra thì nhiều năm trước đó rồi, bộ giáo dục cho học trước chương trình vào tháng 8, thậm chí có trường “tựu trường không cờ, không diễn văn” từ giữa tháng 7, sau đó mới làm lễ khai giảng “cờ, trống, diễn văn” vào tháng 9 hàng năm. Lý do được những người đầu ngành đưa ra là: Học trước để hết chương trình trước, dư ra vài tháng cuối năm học để ôn thi cho học sinh.
Ai đã từng… đi học cũng đều hiểu và biết rằng lễ khai giảng là ngày đánh dấu một năm học mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong ký ức của thầy và trò. Với những học sinh lần đầu tiên cắp sách đến trường, dấu ấn đó càng trở nên thiêng liêng hơn. Quan trọng, với ngày khai giảng như vậy, các em biết rằng một buổi lễ khai trường là mở đầu cần thiết cho quá trình học tập nghiêm túc của mình.
Thế nhưng hiện nay có rất nhiều phụ huynh học sinh đặt câu hỏi: Tại sao ngành GD-ĐT không điều chỉnh để ngày Khai giảng là ngày đầu tiên của năm học? Và vì sao lại cứ khăng khăng là ngày 5-9 như ở năm 2015 này, sau lễ khai giảng là… tan trường vì là ngày thứ bảy. Tại sao không thể là khai giảng vào thứ hai của tuần lễ thứ hai của tháng 9 hàng năm?
Học sinh phải nhồi nhét một số kiến thức rồi mới tiến hành lễ khai giảng đã khiến nhiều trường làm lễ theo thủ tục cho có lệ. Những bài phát biểu dường như chẳng còn cảm xúc. Lễ đón chào học sinh mới đầu cấp trở thành hình thức, khiến học sinh không còn cảm giác hứng thú, háo hức và làm phai mờ ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng...
Trong xã hội, thông thường, những ngành nghề trước khi bắt tay vào việc, người ta đều có lễ khởi đầu như lễ tịch điền trong nông nghiệp, lễ động thổ trong xây dựng, lễ khai trương trong kinh doanh, buôn bán… với kì vọng mở ra nhiều thuận lợi, may mắn cho mọi kế hoạch hoạt động tiếp theo sau đó.
Đối với ngành giáo dục, lễ khai giảng không chỉ là sự thể hiện những nghi thức cần thiết để mở đầu cho một năm học mới, mà còn là ngày hội của toàn dân đưa trẻ đến trường. Do vậy, những người làm công tác giảng dạy thì mong muốn từ lễ này cả thầy và trò đều bắt đầu bước vào năm học mới với niềm tin và khí thế mới. Các bậc phụ huynh cũng sẽ cảm nhận con, em mình trưởng thành hơn theo từng nấc thang học vấn.
Riêng đối với học sinh - nhân vật trung tâm của sự nghiệp giáo dục - thì biết tự đặt ra cho mình những quyết tâm mới để cố đạt cho được mục tiêu tốt nhất trong năm học vừa khởi động. Tạo sự ấn tượng, gắn bó với thầy cô, bạn bè, trường lớp. Thông qua lễ khai giảng, kí ức các em học sinh còn được lưu thêm những ấn tượng đầy xúc cảm về ngày được tề tựu trở lại trường.
Nếu ngành giáo dục cho rằng việc tổ chức dạy học từ giữa tháng tám là hợp lí, thì tại sao không dịch chuyển lễ khai giảng về thời điểm này cho vẹn cả đôi đường? Việc “giảng trước khai sau” như chủ trương của ngành hiện nay, thì những xúc động từ lá thư của lãnh đạo gởi cho thầy và trò đọc lên lúc tổ chức lễ sẽ chẳng còn chút ý nghĩa. Tiếng trống khai trường vang lên sẽ lạc lõng, và cái ấn tượng để lại trong lòng những học sinh cũng sẽ chẳng gợi lên được điều gì.
Có người cho rằng việc khởi đầu dạy học bậc phổ thông kiểu này không khác gì việc ăn cơm trước kẻng là chuyện bình thường, người viết bài này thì không nghĩ như vậy!

Xin mượn cảm nhận của nhiều phụ huynh để tạm kết bài viết này: Ngày xưa, khai giảng là ngày thầy cô bạn bè, cô trò sau bao lâu nghỉ hè gặp lại nhau, không khí hào hứng, còn bây giờ học chán chê rồi, khai giảng như hình thức ép buộc vậy, vô nghĩa, vô cảm… Học chán rồi mới khai giảng, ý nghĩa cũng không còn... Bỏ luôn cái khai giảng cũng được!!! Chứ nếu không, tôi có cảm giác như người ta đang dạy cho học sinh chuyện “ăn cơm trước kẻng” là… bình thường !!.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét