Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Đừng đánh mất mình


VNTB- Đừng đánh mất mình
Reply
Phương Thảo, VNTB, Xã hội, Đừng đánh mất mình
12.9.15
Phương Thảo





(VNTB) - Ở một lớp học mầm non ở Hà lan. Cô giáo chỉ hỏi một câu “Con cảm thấy bức tranh con vẽ như thế nào?”, cháu trả lời “Con thấy đẹp.”, cô giáo tiếp lời: “Đó là điều quan trọng nhất, con thấy đẹp thì bức tranh của con đẹp.” Chỉ một câu nhẹ nhàng, cô giáo đã làm cho thằng bé lại cảm thấy vui và yêu đời.


Không được hỏi


Mọi đứa trẻ Việt nam đều được dạy phải nghe lời người lớn, không được cãi lại, không được nói leo, không được trả lời khi chưa được hỏi và cả việc không được chỉ trích hay phê bình vì người lớn cấm có sai. Chưa kể đến các câu hỏi của con trẻ luôn được trả lời bằng câu “sao hỏi nhiều quá!”, hay “im đi, hỏi hoài.” Cho đến thời đại ngay nay thì mọi câu hỏi, hay ý muốn tìm tòi của trẻ được thay thế bằng chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hay là phim hoạt hình trên truyền hình để phụ huynh không phải trả lời quá nhiều câu hỏi của con.


Con trẻ lại được cha mẹ nhồi nhét cho ước mơ thời trẻ của bố mẹ, như học đàn, học múa, học vẽ … tất cả những thứ mà xưa kia bố mẹ không có cơ hội hay điều kiện để học mà quên không hỏi con mình rằng “con muốn gì?” hay chỉ đơn giản “học môn vẽ hay múa hay đàn này con có thích không?” Tất cả đều được điều khiển bằng sự áp đặt của bố mẹ vì cho rằng đó là điều tốt nhất cho con cái theo quan điểm của chính phụ huynh vì cho rằng con nít biết gì mà ý kiến.


Khi đến trường cũng không được hỏi nhiều, mà chỉ nghe, học một cách thụ động. Ý kiến sáng tạo phần lớn sẽ bị gạt đi vì không đúng với ý thầy cô giáo. Các giáo viên đã được học qua các lớp hướng dẫn giảng dạy hiện đại là lấy học sinh làm trung tâm để tạo sự sáng tạo cũng như hứng thú trong giờ học của học sinh nhưng không mấy ai thực hiện. Một nghịch lý là nếu dạy theo phương pháp mới, học sinh thích nhưng khi đi thi sẽ không đạt điểm cao vì thế phải bám vào chương trình cho sát, đọc chép và học thuộc lòng các bài mẫu. Vì thế cho dù có lên bậc đại học đi nữa, sinh viên cũng không khác học sinh phổ thông trong cách tiếp thu kiến thức là mấy. Và cũng không ai buồn thắc mắc, muốn mở miệng góp ý làm gì vì thói quen hồi nào đã như thế, thói quen ấy theo luôn vào đời của những con người trưởng thành.


Không dám nói


Thói quen im lặng và không trả lời khi không được hỏi đã được hình thành từ nhỏ. Khi không được hỏi thì không nói đã đành, nhưng khi được hỏi thì cũng không mấy ai dám nói thật. Ví dụ không dám nhận là không biết, nhất là người lớn khi trả lời người nhỏ, hay cấp trên khi trả lời cấp dưới vì điều đó đồng nghĩa với mất mặt, chồng mà thua vợ mặt nào cũng không chấp nhận được. Khi phạm lỗi sai thay vì lên tiếng xin lỗi thì phần lớn chon cách im lặng hoặc cười cười cho qua chuyện hay tệ hơn là tìm cách đổ lỗi cho người khác.


Người ta tránh góp ý vì sợ mất lòng, người ta không muốn nghe góp ý vì tự ái. Việc phê bình góp ý thường được hiểu là kể tội hay lỗi xấu của người khác ra. Và quả thật khi góp ý người ta luôn nêu ra cái xấu hay mặt tiêu cực nhằm công kích cá nhân chứ không phải nêu ra cái xấu chung, nguyên nhân chung để giúp cho người và việc hoàn thiện hơn. Vì không muốn ai công kích cá nhân mình nên sẽ không công kích người khác để được an toàn. Một mối quan hệ đôi bên cùng “an toàn” và cách sống “bằng mặt không bằng lòng”, thay vì góp ý thẳng người ta lại chọn cách “nói xấu sau lưng” để lôi kéo sự ủng hộ của đám đông.


Cấp dưới không bao giờ góp ý với cấp trên vì cấp trên cũng như cha mẹ – không bao giờ sai. Có góp ý thì rồi hoặc người góp ý sẽ bị trù dập hoặc người bị phê bình sẽ được đưa lên giữ chức cao hơn ở nơi an toàn hơn. Việc phê bình góp ý của người cấp dưới sẽ luôn là một vật cản cho cả một quá trình sau này với những điều khó khăn khi đã lỡ dại không làm đẹp lòng người khác, mà nhất là cấp trên và vì thế tốt nhất là im lặng nếu muốn làm việc ở một nơi nào đó lâu dài.


Quên mất mình


Người ta thường cho việc nói thẳng là nói xấu bởi lẽ không phân biệt được đâu là góp ý chung và đâu là nhằm vào cá nhân. Và nếu có nói thì người ta sẽ chọn cách nói ẩn ý, nói bóng gió thay vì đi thẳng trực tiếp vào sự việc hay vấn đề. Ngoài ra lại còn hay sa đà vào việc cá nhân hóa vấn đề hay sử dụng lối ngụy biện khi cần phê bình chỉ trích. Thay vì đi vào vấn đề cần tranh luận, góp ý thì sẽ tập trung vào các vấn đề không liên quan như giới tính “đàn bà biết gì mà nói”, tuổi tác “còn nhỏ nên thiếu suy nghĩ”, hay vùng miền “ dân nhà quê” hay thậm chí đến cả diện mạo bên ngoai “xấu xí làm chuyện để ý”.


Người ta quan tâm đến việc đám đông hay người khác nghĩ gì về mình hơn là việc mình nghĩ gì và cảm thấy ra sao cho nên luôn tìm cách thõa mãn đám đông mà quên đi bản thân mình. Một thói quen, đáng buồn thay cũng được hình thành từ nhỏ. Đi học đạt điểm cao để làm bố mẹ vui lòng, lớn lên thi đậu đại học cũng làm bố mẹ vui lòng. Có việc làm cũng để làm bố mẹ hài lòng, làm việc tốt để hài lòng cấp trên, lập gia đình và sinh con cũng để làm bố mẹ hài lòng, khi lập gia đình lại phải làm vừa lòng bố mẹ hai bên và cả vừa lòng người phối ngẫu. Có những người phụ nữ vẫn tự hào nói rằng “Tôi chọn công việc này vì ông xã tôi thích,” vậy còn bản thân họ thì sao?



Con người trở thành người bị điều khiển và chi phối bởi người xung quanh chứ không phải làm một điều gì vì đam mê, vì bản thân của chính họ. Thay cho lời kết là một câu chuyện của một lớp học mầm non ở Hà lan. Một cháu bé ba tuổi bị bạn thân chê bức tranh cháu mới vẽ là xấu, cháu rất bực bội và nói rằng trường học thật là ngu ngốc. Cô giáo chỉ hỏi một câu “Con cảm thấy bức tranh con vẽ như thế nào?”, cháu trả lời “Con thấy đẹp.”, cô giáo tiếp lời: “Đó là điều quan trọng nhất, con thấy đẹp thì bức tranh của con đẹp.” Chỉ một câu nhẹ nhàng, cô giáo đã làm cho thằng bé lại cảm thấy vui và yêu đời. Còn người lớn, người Việt chúng ta thì sao? Có lẽ chúng ta sẽ nói “Không cô/thầy thấy đẹp mà” và bỏ quên đi mất chủ thể của sự việc như ta vẫn luôn quên mất mình xưa nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét