Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

“Trăm ông buôn đất được cứu, triệu hộ chăn nuôi sao lại không?”


“Trăm ông buôn đất được cứu, triệu hộ chăn nuôi sao lại không?”
3
buôn đất, chính sách nông nghiệp, chăn nuôi, Thời sự, TPP
13.9.15

TS. Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đặt câu hỏi: "Có mấy trăm ông buôn đất, Nhà nước có gói 30.000 tỷ, 50.000 tỷ đồng để cứu còn hàng triệu hộ nông dân chăn nuôi tại sao không được?"



Ngành chăn nuôi được đánh giá sẽ chịu tác động mạnh khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: TL

Ngành chăn nuôi trong nước đang có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước tham gia TPP đặc biệt đối với ngành thịt. Trong khi người tiêu dùng và nhà nhập khẩu sẽ được lợi nhà sản xuất, xuất khẩu phần lớn sẽ bị thiệt hại do không cạnh tranh được với cách mặt hàng, doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ĐH Quốc gia Hà Nội mặt hàng sữa, thịt bò, thịt heo là những mặt hàng chính bị cạnh tranh nặng nề khi gia nhập TPP do nước ta không có lợi thế chăn nuôi gia súc lớn, ngành gia cầm cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng nhưng mức độ nhẹ hơn.
Cũng theo ông Thành, doanh nghiệp trong những ngành trên sẽ chịu ảnh hưởng tương đối đột ngột. Tuy nhiên, hộ nông dân nhỏ lẻ chính là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhề nhất do họ "mơ hồ" và thiếu kiến thức về vấn đề này.
"Nút thắt" từ vốn
Bình luận về nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi trong nước yếu kém, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi so sánh với trường hợp của Thái Lan, đất nước có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam nhưng lại rất thành công trong ngành này.
"Thái Lan xuất khẩu được 4 tỷ USD từ gà công nghiệp, tại sao Việt Nam chưa làm được? Lãi suất thương mại không nước nào giống Việt Nam, hiện là 11%/năm. Lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới được 7%/năm trong khi đó, Trung Quốc là 5%, Thái Lan 3% và Mỹ là 0,5%", ông Lịch cho hay.
Theo đó, ông Lịch nhấn mạnh, đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không cạnh tranh nổi.
Đồng quan điểm, ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập vẫn là vấn đề chính sách. Trong đó ông nhấn mạnh vấn đề vốn cho chăn nuôi.
"Có mấy trăm ông buôn đấy nhà nước có gói 30.000 tỷ, 50.000 tỷ đồng để cứu còn hàng trăm triệu hộ nông dân chăn nuôi tại sao không được?", ông Khanh đặt câu hỏi.
Ngoài ra, ông Khanh cũng dẫn chính sách thuế, phí tác động mạnh đến ngành chăn nuôi, một con gà "cõng" đến 14 loại phí và đề nghị các Hiệp hội và doanh nghiệp được tham gia xây dựng chính sách.
Thêm nữa, hiện nay gà nếu cắt rời bộ phận rồi nhập khẩu về thì thuế 20% nhưng gà để nguyên con nhập khẩu thuế lại là 40%.
Các doanh nghiệp đang lách luật bằng cách chỉ cắt đầu gà để bên cạnh cả mình gà rồi nhập khẩu về để hưởng thuế suất 20%.
"Chính sách điều chỉnh siết chặt hơn doanh nghiệp sẽ không thể lách như vậy, gây ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước", ông Khanh đặt giả thiết.
Ông Khanh cũng cho biết, chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu được dựa trên lợi thế cạnh tranh, thế mạnh như ở Mỹ chỉ ăn ức còn bán đùi, cánh giá rẻ, Việt Nam chỉ ăn đùi, cạnh có thể cắt ức bán đi.
Liên quan về vấn đề "nút thắt" vốn cho doanh nghiệp chăn nuôi, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết, cần gỡ chính sách cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi vay đầu tư mới hi vọng đứng vững được trên sân nhà.
"Đầu tiên các nước bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước chính là cơ chế tín dụng. Ngành chăn nuôi mang tính thời vụ, chính sách tín dụng cần thay đổi trên cơ sở xem xét cho ngành chăn nuôi lãi suất thấp hơn, phù hợp với chu trình sản xuất và tính thời vụ", ông Trúc phân tích.
Theo Tâm An (Bizlive)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét