Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Tôi đọc Đèn Cù


Tôi đọc Đèn Cù

BS Hồ Hải. (Theo blog BSHoHai.blogspost.com)



Đèn Cù trên kệ sách của nhà sách Tự Lực ở Santa Ana – California – Hoa Kỳ.

Hôm 26/8/2014 tôi đi Hoa Kỳ, anh bạn bảo, anh ấy mới vừa gửi về Việt Nam cho 1 người bạn cuốn “Đèn Cù” vừa mới xuất bản tháng 8/2014 do Việt Book ấn hành. Thực lòng mà nói, tôi chẳng quan tâm đến sách vở nhiều, vì đã luống tuổi, chả còn thời gian để đọc. Và nhà sách Tự Lực ở Santa Ana, thấy để giá $25 không giảm giá, nhưng tôi chẳng quan tâm.



Cách đây 2 hôm, có nhà báo thông báo cho tôi, tác giả Trần Đĩnh cho phép mọi người download về bảng PDF để dùng, mà không đòi hỏi gì. Tôi thử xem. Thực lòng mà nói, 30 năm nay chưa có tác phẩm nào của người Việt viết buộc tôi phải bỏ thời gian đọc hết từ đầu tới cuối như Đèn Cù.

Đèn Cù hay từ cái tên

Tôi đã từng nghe cái tên đèn cù, nhưng chưa bao giờ hiểu nó là đèn kéo quân, có lẽ, nó là phương ngữ của người miền Bắc Việt Nam. Nên khi tìm định nghĩa đèn cù, tôi mới hiểu tư tưởng của tác giả muốn nói gì? Và lúc ấy, đèn cù thu hút tôi.

Đèn cù không như lời giới thiệu của Ông Ngô Nhân Dụng là, một loại tiểu thuyết mới, rất mới ở trang 9 – vì tiểu thuyết là tác phẩm mà tác giả tưởng tượng và vẽ nên thực mà không thực có với đời sống , hư cấu – mà Đèn Cù là một tác phẩm tự sự – tự truyện – những gì có thực dưới hình thức hiện thực phê phán. Tác giả chỉ kể lại những điều tai nghe, mắt thấy, đã sống với nó, sờ được nó, ngủ với nó, ăn uống với nó, trăn trở nó, thậm chí khiếp sợ nó suốt 50 năm qua – những sự kiện suốt con đường tác giả đi theo cụ Hồ.

Từ đó, cụ Hồ là nhân vật trung tâm, kéo sềnh sệch đoàn quân đi theo con đường “cách mạng” mà cụ Hồ tự cho là đúng. Sau rốt, là cụ Hồ đã lôi cả dân tộc vào trò chơi lịch sử như một lũ mọi rợ, vong nô từ tâm thế, đến tư thế đi vòng quanh dưới tâm thế nô vong, chư hầu của ngoại bang, không tư tưởng, không sách lược, mà chỉ làm kỹ chiến thuật theo lệnh của Stalin và Mao.

Đèn Cù hay từ cái tên là vậy, và đó là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm văn học, hiện thực phê phán có lối tự sự của một người đã từng viết thuê những chuyện giả sử chuyên nghiệp, mà vẫn làm cả dân tộc mê muội – Trần Đĩnh – bây giờ ông viết thật về mình. Nếu tác giả Trần Đĩnh đặt tên cho tác phẩm của ông là Đèn Kéo Quân thì lại mất hay, vì:

Đèn kéo quân sang trọng quá, trong khi những gì người cộng sản làm thể hiện tính cách bần nông, độc ác kiểu thời Trung Cổ như súc vật, chứ không thanh cao, quý phái của tầng lớp thượng lưu đi làm cách mạng như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản phương Tây. Và ngay từ đầu, họ đã gọi họ làm cách mạng vô sản – cách mạng của những kẻ khố rách áo ôm, vô học, và lưu manh. Nó phải có cái tên Đèn Cù rất bần nông, dân giả, và đượm màu sắc văn hóa gốc rạ. Nó không thể được đặt cái tên mỹ miều – Đèn Kéo Quân được.



Đèn Cù của Trần Đỉnh và của dân gian Việt là Đèn Cù của tư tưởng, của đại nghiệp, chứ không phải là đèn cù yêu đương dân ca như ông Nguyễn Ngọc Ngạn đã hiểu hời hợt.

Đèn Cù mô tả tâm thế và tư thế vong nô cho ngoại bang

Trọn bộ 599 trang, trong đó, 583 trang của tác phẩm Đèn Cù – trừ 16 trang của lời giới thiệu và nhà xuất bản – Đèn Cù mô tả đầy đủ tính súc vật của cuộc cách mạng vô sản không chỉ ở Việt Nam, mà còn loáng thoáng thấy ở Liên Xô và Trung Hoa. Điều này tác giả đã tả đầy đủ ở chương 4 – chương nói về phương pháp đấu tố từ trong chính đồng đội ra đến toàn dân theo cái phàm là thứ 2 của Mao – cán bộ cốt cán của đảng phải có tỳ vết.

Cũng đúng thôi, với 2 bàn tay trắng làm sao bắt giặc, nền kinh tế vừa thoát nô lệ Pháp, gần như 99% là nông dân cùng khổ, nếu không làm vong nô thì lấy đâu súng đạn, lương thực để làm cách mạng, mà phải là cách mạng vô sản kia mới chết chứ?

Đèn Cù nói lên cái yếu hèn của trí thức

Bàng bạc trong toàn bộ tác phẩm Đèn Cù cho ta thấy trí thức chỉ là con tốt trên một bàn cờ. Những trí thức – nói đúng nghĩa hơn là những con mọt sách, mà người Mỹ thường hay dùng từ NERD để diễn tả về họ. Trí thức, họ chỉ có thể là kẻ làm thuê, chịu sự chăn dắt để yên thân, họ chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ muốn làm chủ hay làm đầu tàu để kéo quân. Hơn nữa, họ thiếu sự đoàn kết, vì họ tự cho mình là trí tuệ cao. Nên họ yếu hèn, họ trở thành kẻ sai vặt, tự đi vặt lông mình, và vặt lông đồng đội sống chết với mình dưới sự sai khiến chỉ một con người có chữ, ít học, nhưng thừa kinh nghiệm lọc lõi của đời, và thừa vô liêm sĩ để làm bất cứ điều gì, nhằm đạt được tham vọng của chính bản thân phần con của mình đòi hỏi.

Ngay từ những lúc cùng cực nhất của cuộc cách mạng vô sản phải rút lui vào rừng chờ thời cơ, đám nerd kia, vẫn biết mình bị o ép để tự mình đấu tố mình, để đám chính trị gia nắm yếu huyệt sai khiến, nhưng đám nerd ấy vẫn cắn răng chịu đựng trong sợ hãi, túng quẩn, để có kẻ điên, người tự vẩn. Đám nerd học trường Tây, vẫn tự cho mình là thông minh hơn người, nhưng vẫn không thoát ra được cái hèn yếu của tư tưởng an phận – như Nguyễn Tuân… Không có ai như Phạm Duy của đám nerd thời Tây học, dám vứt bỏ để Nam tiến và làm lại, dám vứt bỏ ra đi sau 30/4/1975 để làm lại. Đó là sự khác biệt của cái dũng, cái hiểu biết của trí thức thực sự.

Quy luật 80/20 đã làm nên lịch sử đau buồn cho dân tộc Việt

Cụ Hồ nói riêng, và chính khách cộng sản nói chung đã thành công trong cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam và các quốc gia cộng sản, khi họ đã nắm đúng quy luật 80/20. 80% con người trên trái đất luôn ở tầng lớp hạ lưu. Con đường cách mạng với chia ruộng cho dân cày, dạy cho dân biết chữ, mang lại sự bình đẳng cho mọi tầng lớp xã hội đã là thỏi nam châm hút tất cả dân tộc Việt sau 1.100 năm nô lệ cả Tàu lẫn Tây chạy theo một cách vô thức, kể cả đám nerd học trường Tây, tự cho mình là trí thức. Nhưng, oái ăm thay cho dân tộc Việt là, thời các cụ làm cách mạng quy luật 80/20 của Việt Nam là 99/1!

Đến đây, chúng ta có thể kết luận, và khẳng định để có câu trả lời cho câu hỏi tại sao, lịch sử chọn cụ Hồ, mà không chọn cụ Phan Chu Trinh để làm cuộc cách mạng tốt đẹp cho quốc gia dân tộc. Và ngay cả hôm nay, cuộc cách mạng thông tin, nền kinh tế tri thức, và hầu hết người dân Việt có chữ, nhưng để người Việt hiểu ý nghĩa, và sự tốt đẹp của khai dân trí, chấn hưng dân khí, mới là vấn đề cho hậu dân sinh của Phan Chí Sỹ như thế nào? Và người Việt cũng không thể thoát được với chén cơm manh áo, nhục dục bản năng của chính họ.

Đó chính là 2 điều kiện cần và đủ để dân tộc Việt chọn cụ Hồ đứng vào lịch sử ngàn năm. Một chọn lựa buồn cho lịch sử dân tộc. Suy cho cùng, đã là quy luật thì bất kỳ dân tộc nào cũng phải đi theo, tiên tiến cũng như lạc hậu. Vấn đề còn lại là, đầu tàu kéo quân của chiếc Đèn Cù hay là Đèn Kéo Quân kéo dân tộc đi theo hướng nào?

Đèn Cù đã giải thích tất cả số phận dân tộc Việt, và bi kịch lịch sử đã chọn cho dân tộc này, đi theo hướng của mặt trời lặn, rồi vòng lại kiếp nô lệ của hình nộm trên chiếc Đèn Cù, vào màn đêm tăm tối cho đến hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét