Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng: Bản sao của… Trung Quốc?


VNTB- Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng: Bản sao của… Trung Quốc?
Reply
Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng: Bản sao của… Trung Quốc?, news, opposite,Thiền Lâm, VNTB
10.1.18
Thủ tướng Phúc “tặng hoa chúc mừng” Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng.
Ảnh: Soha
Thiền Lâm
Cali Today
Vietnam – Cali Today news – Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể là một dạng “sao y bản chính” của Trung Quốc sau 2 năm.
Ngày 8/1/2018, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Tuy nhiên như một não trạng cùng thói quen hành xử luôn giấu diếm những vấn đề được xem là “bí mật quốc gia”, buổi công bố quyết định lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng dù được truyền đi trên toàn bộ hệ thống báo đảng, nhưng điểm ấn tượng nhất của nó lại là… chẳng có nội dung cụ thể nào của quyết định này.
Trên một phương diện xem xét khác, người ta lại thấy việc thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng ở Việt Nam là khá giống… Trung Quốc.
Bởi vào ngày 1/1/2016, Quân Ủy trung ương Trung Quốc đã chính thức thành lập lực lượng tác chiến mạng – theo South China Morning Post.
Nhiệm vụ của lực lượng tác chiến mạng Trung Quốc là gì?
Tổng tư lệnh PLA (chỉ huy trung ương đối với các lực lượng mặt đất) đã phát triển một chiến lược được gọi là “Chiến tranh Điện tử mạng Tích hợp” định hướng cho việc triển khai CNO và các công cụ chiến tranh thông tin liên quan. Chiến lược này được đặc trưng bởi việc sử dụng kết hợp các công cụ tác chiến mạng và các vũ khí tác chiến điện tử chống lại các hệ thống thông tin của đối thủ ngay trong giai đoạn sớm nhất của một cuộc xung đột.
Chiến lược chiến tranh thông tin của Trung Quốc gắn chặt với học thuyết của PLA về chiến đấu trong các cuộc chiến tranh cục bộ dưới các điều kiện thông tin hóa – học thuyết hiện thời nhằm phát triển một kiến trúc được kết nối mạng đầy đủ có khả năng phối hợp các hoạt động quân sự trên đất liền, trên không, trên biển, trong vũ trụ và xuyên qua tất cả các dải điện từ.
Thông tin hóa về bản chất là một tiến trình phát triển lai ghép, vừa tiếp tục xu thế cơ giới hóa và vừa duy trì phần lớn cấu trúc lực lượng hiện hành kết hợp trang bị các hệ thống thông tin tiên tiến nhằm xây dựng một cấu trúc kiểm soát và chỉ huy (C2) kết nối mạng đầy đủ. Khái niệm này cho phép PLA kết nối mạng các lực lượng hiện có của mình mà không phải xem xét các chiến lược hiện hành hoặc trình tự tác chiến.
Những đánh giá của PLA về các cuộc xung đột hiện nay và tương lai cho rằng các chiến dịch sẽ được tiến hành trong tất cả các không gian cùng một thời điểm: trên bộ, trên biển, trên không và không gian điện từ – nhưng chính sự tập trung vào không gian điện từ đã thúc đẩy PLA áp dụng học thuyết các điều kiện thông tin hóa.
Học thuyết này cũng đang có ảnh hưởng tới cách thức PLA tiếp cận các chiến dịch quân sự của mình, có gắng chuyển từ phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang truyền thống sang cái mà PLA gọi là “các chiến dịch liên quân tích hợp trong các điều kiện thông tin hóa”.
Cách thức cũ đặc trưng bởi các đội hình chiến đấu cơ giới hóa quy mô lớn mà không có một bức tranh hoạt động chung được chia sẻ, còn cách thức sau nhấn mạnh đến ưu thế vượt trội về công nghệ thông tin và khả năng kết hợp hải, lục, không và vũ trụ thành một chiến trường đa chiều.
Trong khuôn khổ các hoạt động liên quân tích hợp, PLA sử dụng công nghệ mạng thông tin để kết nối các đơn vị và các nguyên tắc tác chiến thành một tổng thể tác chiến tích hợp, một khái niệm đang hướng cách tiếp cận của PLA với chiến tranh thông tin.
Giành ưu thế về thông tin là một trong những mục tiêu chủ chốt của PLA ở cấp chiến lược và chiến dịch. Đây là đánh giá của hai trong số các cơ quan phát ngôn công khai có uy tín nhất về học thuyết các chiến dịch quân sự của PLA là ấn phẩm Khoa học Chiến lược Quân sự và Khoa học về Chiến dịch.
Mối tương đồng kỳ lạ
Trong thực tế, đã có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ giữa quân đội Việt Nam với quân đội Trung Quốc. Một trong những tương đồng ghê gớm là thiết kế và màu sắc của quân phục sỹ quan. Nhiều bức ảnh về những buổi giao lưu quân đội Việt – Trung đã làm cho người xem, nếu không nhìn tận mặt mũi để hầu mong có thể nhận ra kẻ nào là “anh”, người nào là “em”, thì gần như vô phương phân biệt đâu là quân Trung Quốc và đâu là quân Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng của Việt Nam cũng có thể là một dạng “sao y bản chính” như thế, được lập sau Trung Quốc tròn 2 năm, vừa “đấu tranh chống diễn biến hòa bình” vừa cố gắng “tác chiến không gian mạng” như PLA.

Chỉ có điều khác là trong khi ở Trung Quốc, Tập Cận Bình và Bộ quốc phòng nước này mới chỉ đơn giản cho thành lập “lực lượng tác chiến mạng”, thì ở Việt Nam lại đặc cho lực lượng này một cái tên dài và “hoành tráng” hơn hẳn, cùng nâng cấp lên “bộ tư lệnh” – tương đương với cấp quân đoàn hoặc quân khu, vô hình trung khiến cho bản danh sách tướng lĩnh “quân đội nhân dân Việt Nam” bị kéo dài thêm vài ba dòng, bất chấp đã có quá nhiều bức xúc của dư luận nhân dân về việc quân đội Việt Nam “lạm phát tướng” với gần 500 cầu vai chỉ có sao không có gạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét