Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Thực trạng giải quyết khiếu nại tổ cáo ở Việt Nam hiện nay


VNTB - Thực trạng giải quyết khiếu nại tổ cáo ở Việt Nam hiện nay
Reply
Đào Đức Thông, forums, khiếu nại, news, tổ cáo, VNTB
25.11.17

Đào Đức Thông (VNTB) Vấn đề nhà cầm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân ở Việt Nam nói chung và các địa phương trong nước hiện tại chưa thực sự sâu sát, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.





Tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, thoả thuận đền bù, số vụ tố cáo về lĩnh vực đất đai chiếm 60,4%, tranh chấp khiếu kiện về nhà ở chiếm 11,7% như vậy chỉ tính riêng hai lĩnh vực này đã chiếm 72,1% trong số các vụ khiếu nại tố cáo, ngoài ra người dân Việt Nam còn tố cáo các vấn đề liên quan đến tham nhũng, lĩnh vực tư pháp, sự bất cập trong đời sống xã hội...


Nếu liệt kê đầy đủ thì có rất nhiều lý do, nhưng mấu chốt của vấn đề vẫn là lợi ích nhóm, thiếu trách nhiệm, quan cách, trả lời vòng vo và cả sự “thất hứa” của những cơ quan chức năng và các cán bộ có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Chính vì không được giải quyết thấu đáo nên nhiều phản ánh, khiếu nại của người dân vẫn còn đó, để rồi năm này khiếu nại chưa xong, năm sau vẫn tiếp tục khiếu nại. Trong khi đó, các cơ quan nhận được đơn thư chỉ trả lời qua loa hoặc “hứa sẽ giải quyết trong thời gian tới”, nhưng lại không cho công dân biết thời gian cụ thể.


Theo báo Thanh Niên, trong một bản báo cáo nêu ra tại Quốc Hội CSVN, bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng Ban Dân Nguyện của Quốc Hội, cho hay: “Trong thời gian từ Tháng Tám, 2016, đến Tháng Tám, 2017, Quốc Hội nhận được 42,855 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Sau khi nghiên cứu xem xét, đã có 7,121 đơn đủ điều kiện được chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, Quốc Hội chỉ nhận được 3,591/7,121 văn bản trả lời, tỷ lệ chỉ đạt 50.43%.”


Quốc Hội CSVN, trong Hiến Pháp của chế độ, được xưng tụng là “cơ quan quyền lực cao nhất nước” nhưng hiện tại chỉ có thể đóng vai trò làm “thùng thư” nhận đơn thư của công dân rồi chuyển đến các cơ quan trung ương và địa phương của CSVN trông chờ giải quyết, thậm chí một phân nửa bị lờ đi như không có.


Trước tình trạng này, tờ Thanh Niên cho biết Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chỉ phàn nàn nhẹ nhàng là chính quyền các cấp “chưa quan tâm đúng mức” đến việc thông báo kết quả giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đến các đại biểu dân cử. Như vậy rõ ràng tiếng nói của công dân Việt Nam là nạn nhân của sự ức hiếp chế độ đã bị nhà cầm quyền ném vào thùng rác. Mất tính chủ nghĩa nhân loại.


Trong buổi thảo luận về vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được Chính phủ và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương chú trọng thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt từ giữa năm 2017 đến nay công tác này đã có những chuyển biến rất tích cực, song vẫn còn những hạn chế, bất cập, tình hình khiếu nại có lúc, có nơi vẫn còn phức tạp, gay gắt…


Thứ nhất: Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giảm đơn khiếu nại tố cáo là do người tố cáo hay khiếu kiện chưa được bảo vệ thoả đáng, họ lo sợ đến sự an toàn tính mạng, họ lo sợ bị trù dập gây cản trở, khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, họ chán nản vì đơn thư gửi đi mà không được hồi đáp...đây là nguyên nhân làm thui chột tinh thần đấu tranh chống lại cái xấu trong xã hội Việt Nam, điều này tỷ lệ thuận với nạn tham nhũng cửa quyền, hách dịch, bè phái lợi ích nhóm sẽ tăng lên, đó chính là vấn nạn lớn của đất nước.


Thứ hai: Việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân ở cấp địa phương không kịp thời, không giải toả được sự bức xúc của nhân dân, dẫn đến các vụ khiếu kiện vượt cấp, thậm chí có nhiều vụ kéo theo nhiều người đến các cơ quan cấp cao ăn chực nằm chờ, giăng biểu ngữ để khiếu kiện... tình trạng chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đang phổ biến, không có sự bao quát giám sát chặt chẽ dẫn đến nhiều đơn thư khiếu kiện bị "bỏ quên" có những vụ khiếu kiện người dân phải gửi đi gửi lại nhiều lần với hàng đống hồ sơ, nhiều người dân ở các vùng xa vùng sâu phải mang đơn đến tận trung ương chầu trực nộp đơn, tiền thì mất, tật thì mang, tốn kém cả về vật chất, thời gian, tổn thương cả sức khoẻ và tinh thần... có những vụ việc đi khiếu kiện kéo dài hàng chục năm trời nhưng vẫn không được giải đáp và xử lý kịp thời khiến cho lòng dân bất an, bức xúc, niềm tin vào hệ thống luật pháp của nhà nước bị suy giảm trầm trọng dẫn đến tiêu cực...


Thứ ba: Cán bộ tiếp dân ở nhiều địa phương thì hách dịch, cửa quyền, theo báo chí phản ánh có những địa phương khi người dân đến liên hệ xin giấy tờ, hay khiếu kiện còn bị gây phiền hà, khó khăn, thậm chí còn bị đuổi về?! Vậy cán bộ đâu phải là công bộc của dân, đâu còn phục vụ nhân dân?


Thứ tư: Nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân đi khiếu nại, tố cáo là do nhân dân chưa hài lòng về các cơ chế chính sách của nhà nước, cán bộ thì quan liêu, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt, cán bộ câu kết với doanh nghiệp, tạo thành nhóm lợi ích khá bổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước.


Điều này cho chúng ta thấy hệ thống luật pháp Việt Nam nói chung còn quá nhiều bất cập, việc đền bù chưa thoả đáng, cách tiếp cận của các cơ quan chính quyền địa phương với công dân chưa thực chất, thiếu kiên nhẫn và thiếu tính minh bạch khiến người dân chưa thực sự hài lòng, dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo nhiều ở các địa phương trong cả nước. Đặc biệt các vụ khiếu nại về đất đai thường kéo theo nhiều người tham gia làm mất hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè Quốc tế, ảnh hưởng lớn đến dư luận trong nước và hải ngoại.


Chính phủ CS Việt Nam phải có hướng xử lý hợp lý, hiệu quả cho những người đã bán hết tài sản mà khiếu kiện chưa xong, có trường hợp họ đã chết chuyển sang cho đời con cháu đi kiện tiếp.


Thứ nhất: Cần giảm tối đa các đại biểu Quốc Hội kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ vì đại biểu đó không có nhiều thời gian tiếp xúc với cử tri và không đủ thời gian phục vụ nhân dân.


Thứ hai: Cần phải kịp thời điều chỉnh mọi cơ chế chính sách pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo sự công bằng, minh bạch và khách quan trong quá trình thoả thuận các khiếu nại tố cáo, sao cho thoả đáng và hài hoà giữa lợi ích của nhân dân và lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp...cương quyết xử lý thích đáng mọi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ hành pháp thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực, đặc biệt là các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, tài sản công dân, và tệ nạn tham nhũng, hách dịch cửa quyền của cán bộ công chức.


Thứ ba: Mọi vụ việc oan sai, mọi vụ án có tính chất thời sự cần được đưa ra trước quốc hội một cách công khai minh bạch, tôi nghĩ là đại biểu của nhân dân, do dân vì dân thì phải có trách nhiệm bảo vệ nhân dân.


Thứ tư: Nhà cầm quyền cần sửa chữa và thay đổi tư duy, thái độ phục vụ với nhân dân, từ địa phương đến trung ương. Ban Dân nguyện của Quốc hội mỗi khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân thì cần phải nhanh chóng giải quyết ngay, phải kịp thời xác minh điều tra, trung thực, minh bạch, chính xác, công khai.


Các đại biểu thuộc Ban Dân nguyện của Quốc Hội cần phải theo dõi sát sao thậm chí nếu cần thì đưa ra trong các phiên thảo luận chính sách hoặc báo cáo lên thường vụ Quốc hội để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện tốt việc trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.


Kết


Hiện nay quan chức các địa phương được dung túng, thực hiện các dự án gồm cả những dự án bán đất cho nhà đầu tư để kiếm lời và cơ hội tham nhũng, đền bù rẻ mạt cho người dân, đẩy người ta vào đường cùng dẫn đến những vụ khiếu kiện tập thể và chống cưỡng chế gây rúng động dư luận trong và ngoài nước.


Khi nhân dân đoàn kết thì sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng lớn và xã hội mới phát triển, quốc gia mới mạnh. Nhà cầm quyền là công cụ phục vụ nhân dân thì phải vì dân, nhân dân là nền tảng vững chắc để bảo vệ thể chế và bảo vệ sự tồn vong của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét