Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Bang giao Việt-Mỹ: Mảng sáng và góc khuất


Bang giao Việt-Mỹ: Mảng sáng và góc khuất

Đăng bởi Tiểu Nhi on Monday, November 20, 2017 | 20.11.17



“Ông ta (Trump) lãnh đạo đất nước giống như quản lý một công ty, đánh giá cao những chiến thắng cá nhân hơn là chiến lược về vài trò của Mỹ trên thế giới”


Tổng thống Mỹ Donald Trum: "Nếu (quý vị) thấy tôi có thể làm trung gian hay trọng tài, hãy cho tôi biết". Trong ảnh: Chủ tịch Trần Đại Quang và tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 12-11-2017. Ảnh REUTERS

Lịch trình vô tiền khoáng hậu Bắc Kinh-Đà Nẵng-Hà Nội-Manila của Tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ đã chiếu rọi thành nhiều mảng sáng trong quan hệ… Lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ, tự đề xuất đứng ra làm trung gian giúp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Đấy là chưa kể tới những điều chưa từng xẩy ra trước đây: Lần đầu tiên, mới năm thứ nhất tại nhiệm, giữa lúc nội trị “rối như tơ vò” mà Tổng thống Mỹ vẫn dành 24 giờ đồng hồ cho nỗ lực rất cao trong “một chuyến đi hai điểm đến”. Lần đầu tiên, có tới hai vị Tổng thống, đó là Barack Obama và Donald J. Trump, với những triết lý trị quốc trái ngược nhau, đều lần lượt sang Việt Nam trong hai năm liền kề. Và cũng là lần đầu tiên, chỉ trong vòng mới có 6 tháng (giữa tháng 5 đến tháng 11 này), hai Tuyên bố chung Việt-Mỹ đã được công khai trước bàn dân thiên hạ, khẳng định lộ trình tiếp theo trong bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ.


Lại thêm một “lần đầu tiên” khác nữa, khi Việt Nam và Hoa Kỳ cùng tuyên bố, quan hệ “Đối tác Toàn diện” giữa hai nước từ nay không chỉ đặt trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, mà sẽ cùng xuất phát từ một sáng kiến chiến lược chung, đó là thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Có thể gọi tắt là khu vực Ấn-Thái hay khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương). Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 12/11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cho biết sẵn sàng “sử dụng tài thương lượng” để giúp giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, nếu Hà Nội ngỏ ý. Tại buổi họp báo ở ngay sân Phủ Chủ tịch, Tổng thống Donald Trump phát biểu, nguyên văn như sau: “Nếu (quý vị) thấy tôi có thể làm trung gian hay trọng tài, hãy cho tôi biết…, tôi là một người làm môi giới rất giỏi”. Buổi họp báo chung này kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ trước khi lên đường sang Philippines. Trên chiều véc-tơ ngược lại, Tổng thống Trump cũng đã dành được sự ủng hộ của giới lãnh đạo Việt Nam trong chiến dịch gây áp lực tối đa buộc Triều Tiên trở lại lộ trình phi hạt nhân hóa.


Giá trị trường tồn với thời gian


“Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Hà Nội có thể đạt tới một vị thế “ngang ngửa” nếu thực hiện được điều mà Tổng thống Trump từng bày tỏ, mong muốn Trung Quốc, Nga và Việt Nam có thể cùng giúp đẩy nhanh tiến trình nói trên. Trong Tuyên bố chung Hà Nội, một tuyên bố sẽ để lại nhiều “mốc son lịch sử”, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước lần này. Hoa Kỳ đã loan báo một thỏa thuận mua đất ở Hà Nội để xây dựng khuôn viên Đại Sứ quán mới khang trang, rộng rãi hơn. Đây là thêm một ví dụ nữa chứng tỏ những tiến bộ đáng kể trong quan hệ. Đặc biệt, Việt-Mỹ cũng sẽ chung quyết một kế hoạch hành động trong 3 năm về hợp tác quốc phòng giúp tăng cường các hoạt động hải quân giữa hai nước. Tới đây, Mỹ sẽ chính thức bàn giao cho Việt Nam một tàu tuần duyên (lớp Hamilton), giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám sát và bảo đảm an ninh hàng hải. Việt Nam cũng đang chuẩn bị đón một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm Cam Ranh ngay trong năm 2018. Trong hàng loạt các phát biểu của ông Trump dịp này, có lẽ tuyên bố sẽ được nhắc lại nhiều nhất là: “Chúng tôi (tức là nước Mỹ) mong muốn các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương tự hào về nền tự chủ, chứ không phải làm vệ tinh hay chịu thân phận ủy nhiệm”. Đó cũng là cách ông Trump ca ngợi dân Việt trước hàng ngàn khách dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp: “Đất nước Việt Nam có tinh thần độc lập không chỉ 200 năm, mà đã có từ 2000 năm trước. Từ những năm 40 sau Công nguyên khi Hai Bà Trưng lần đầu tiên đã đánh thức tinh thần độc lập ấy trên mảnh đất này”.


Trong Tuyên bố chung, Tổng thống Trump cùng lãnh đạo Việt Nam đã tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở ở Biển Đông và cam kết của đôi bên dùng phương thức dựa trên luật lệ để giải quyết tranh chấp hàng hải. Vẫn theo câu chữ của bản Tuyên bố, cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, nhân chuyến công du của Tổng thống Trump, đã cam kết tăng cường các cuộc thảo luận hướng tới mở rộng thương mại và đầu tư giữa hai nước. Người dân ở mỗi nước chắc chắn đều vui mừng trước việc công bố con số 12 tỷ USD là các thỏa thuận thương mại nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, niềm vui dang dở, vì chúng ta chưa biết, con số này có bao hàm các thỏa thuận do doanh nghiệp hai bên đã ký kết trị giá cũng 12 tỷ USD, cách đây 6 tháng trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay không. Và như đã được đón đợi, lần này các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục cam kết làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại-đầu tư song phương thông qua các cơ chế chính thức, trong đó bao gồm cả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), nhưng chưa có lộ trình cụ thể.



TS. Đinh Hoàng Thắng

Như đã biết, TIFA là một hiệp định khung mà Việt Nam đã đàm phán với Mỹ từ năm 2010, nhưng “giữa đường đứt gánh” vì Việt Nam tập trung cho một Hiệp định lớn hơn là TPP. Chỉ đến đầu năm 2017 khi TPP hầu như tuyệt vọng, Việt Nam mới phải quay lại đàm phán về TIFA như một nỗ lực cuối cùng. Cho dù giới nghị sĩ Mỹ vẫn còn nhiều lý do can thiệp theo chiều hướng bất lợi cho Việt Nam đối với nhiều vấn đề mà hành pháp Trump phải thông qua Quốc hội, chẳng hạn như buôn bán vũ khí, áp đặt thuế và đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ, nếu hiệp định này sẽ được đặt trở lại trên bàn đàm phán. Mà vấn đề nhân quyền trong trường hợp này sẽ là đòi hỏi sự cải thiện cả gói chứ không phải lẻ tẻ, cải thiện ngay và cải thiện một cách thực chất. Nếu điều này xẩy đến, các nhà thương thuyết Việt Nam thậm chí còn khó có thể giữ nổi lượng xuất siêu như năm 2016 và 2017 vào thị trường Hoa Kỳ.


Các góc khuất vẫn lẫn quất


Giữa hàng loạt những tuyên bố “có cánh” của Trump trong dịp này, vẫn phải nhắc lại một góc khuất trong quan hệ, đó là tương lai dường như còn xa vời của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (một TIFA thế hệ mới). Chủ đề này vốn là mối quan tâm hàng đầu của Hà Nội, nhất là từ khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP vào đầu năm 2017. Qua APEC vừa rồi, TPP nay đã trở thành CPTTP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. 11 nước còn lại đã khẳng định thống nhất những vấn đề cốt lõi của TPP theo hướng giữ nguyên nội dung cũ, nhưng cho phép các thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ của mình. Trong bối cảnh này, dù chỉ một thỏa thuận sơ bộ về TIFA, Hiệp định khung Việt-Mỹ có thể giúp Việt Nam duy trì được con số xuất siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hy vọng vay mượn thêm tín dụng từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB). Một TIFA như thế còn có thể đẩy nhanh hơn việc thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA). Lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ là vô cùng qua trọng, nếu đối sánh với việc phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ Trung Quốc. Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ Mỹ-Việt trong năm 2017 này, TIFA đề cập theo cách của Tuyên bố chung, thì dường như nó vẫn còn “treo” lại đó mà chưa biết khi nào mới đến hồi kết. Góc khuất này cùng với những bước lùi trong quan hệ Việt Nam-Liên bang Đức (từ nay không còn là “Đối tác Chiến lược” nữa) có thể cộng hưởng lên nhau, dẫn đến việc Quốc hội EU chưa sớm thông qua EVFTA.


Trên thực tế, còn những góc khuất khác không hoàn toàn xuất phát từ bang giao song phương, mà chúng đến từ môi trường quốc nội và quốc tế có nhiều dấu hiệu khắc nghiệt hơn, đối với cả Mỹ lẫn Việt Nam. Những khắc nghiệt này có khi còn vượt cả cái không-thời gian của khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương” mà Tổng trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đề xuất trước khi Trump bắt đầu chuyến công du châu Á: Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc rầm rập đến như một đoàn tầu và rồi cũng rầm rập rời ga mà không mấy ai biết trên đoàn tầu ấy đang bịt kín những mặt hàng gì? Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, do nguồn gốc lịch sử lẫn chuyển động phức tạp của địa-chính trị Đông Á, không ai tin sẽ được giải quyết chóng vánh. Ấn Độ, trụ cột của “bên thứ Ba” (Mỹ-Trung-bên thứ Ba) trong tứ giác Ấn-Nhật-Úc-ASEAN, đang phải đối mặt với nhiều biến số. Và ngay cả nước Mỹ của Trump cũng đang chao đảo. Trump lên đường thăm châu Á đúng vào ngày những người từng là cố vấn thân cận của ông bị buộc tội và thêm vào đó là vụ xả súng khiến 27 người thiệt mạng. Các “think-tank” ở Mỹ đang dự đoán điểm rơi cho một xì-căng-đan “Trumpgate”... Khi Trump bước lên “Air Force One” để bay tới 5 thủ đô châu Á, những người trong cuộc cũng như các nhà quan sát đều cảm thấy hồi hộp như đang xem con voi lớn bước vào cửa hàng đồ sứ. Một bogger quen biết đã làm phép ẩn dụ không thể tuyệt vời hơn!


Để kết thúc bài viết này, xin kể lại mẫu đối thoại với một đồng nghiệp Mỹ sang đưa tin về APEC. Ông dặn tôi chớ “trượt vỏ chuối” trên những lời “có cánh” của Trump. Nhắc tôi nếu “quote” thì đừng nêu tên, nhưng cứ khăng khăng Trump chưa chắc đã thật lòng khi tôn vinh Việt Nam. “Ông ta (Trump) lãnh đạo đất nước giống như quản lý một công ty, đánh giá cao những chiến thắng cá nhân hơn là chiến lược về vài trò của Mỹ trên thế giới”. Quả thật, nếu theo dõi từ Tokyo đến Bắc kinh, Trump đều chơi con bài mặc cả với từng cá nhân nhà lãnh đạo, cho dù chính quyền Mỹ đều đưa ra những quan điểm cứng rắn về các vấn đề thương mại và an ninh. Thế lưỡng nan này khi đối mặt với Trump càng tăng lên, ở chỗ này, thì ông kêu gọi phải cùng nhau đối phó với các mối đe dọa chung, khi đến chỗ khác thì ông lại trở về các chủ đề bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hóa như đang đi vận động tranh cử. Giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận xét: “Khu vực đang đặt hy vọng vào sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ không chỉ trong vấn đề an ninh mà cả về kinh tế. Việc Trump xúc tiến chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước đã!” không khác gì bỏ mặc các nhà lãnh đạo châu Á trong cơn hoạn nạn”./.


TS. Đinh Hoàng Thắng


(Văn Nghệ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét