Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017
Rừng Việt Nam đang réo tên Hoàng Trung Hải
Rừng Việt Nam đang réo tên Hoàng Trung Hải
Đăng bởi Elvis Ất on Thursday, October 19, 2017 | 19.10.17
Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, tính đến ngày 15/10, đợt mưa lũ tuần qua tại Miền Trung và các tỉnh miền núi phía bắc đã khiến 68 người chết và 34 người mất tích, chưa kể hàng chục người bị thương tích nặng khác. Những cái chết đều vô cùng thương tâm, còn thiệt hại về vật chất thì không sao đếm xuể.
Hoàng Trung Hải (trái) và Nguyễn Phú Trọng.
Đâu là nguyên do?
Trước thảm hoạ kinh hoàng đó, ông Trần Quang Hải, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, đã phải chua chát thú nhận: “Phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở. Chúng ta đang phải trả giá và sẽ còn tiếp tục do nhiều đồi, nhiều rừng đã bị ‘cạo trọc’.”
Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 14/10, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định: “Từ câu chuyện mất rừng đầu nguồn, có lý do chính là chúng ta đã dành diện tích rừng rất lớn cho phát triển thủy điện… Cần xem lại các quy trình vận hành hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa của thủy điện. Nếu chỉ thống kê qua số liệu, với số lượng hồ chứa hiện có, các nước sẽ nghĩ chúng ta yên ổn về phòng lũ, cắt lũ. Hồ chứa không phải là cái ao, phải có nhiệm vụ điều tiết nước theo đúng mục tiêu mùa lũ trữ nước, mùa khô xả nước. Nhưng với các hồ chứa thủy điện thì không làm được hết như vậy, vẫn còn chủ động tích nước từ đầu mùa lũ thay vì phải xả nước đầu mùa. Thậm chí với những thủy điện vừa và nhỏ, hơn 1.000 thủy điện, đa số là không có dung tích phòng lũ.”
Và tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ bàn về việc "tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới" ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận: “Những công trình thủy điện nhỏ nhưng phá rừng rất lớn.”
Ai là thủ phạm?
Như vậy, có thể nói, tác nhân chính của thảm hoạ mưa lũ lịch sử vừa qua là công tác quản lý, bảo vệ rừng và công tác quy hoạch, quản lý thuỷ điện.
Vậy ai là người chịu trách nhiệm cao nhất về công tác quản lý, bảo vệ rừng và quy hoạch, quản lý thuỷ điện những năm qua?
Xin thưa, câu trả lời là ngài cựu Phó Thủ tướng, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải!
Ngoài trọng trách Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử và được Quốc hội của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phê chuẩn từ ngày 2/8/2007, Hoàng Trung Hải còn được “đồng chí X” tin tưởng giao phó trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Nghĩa là, tất cả các dự án liên quan đến đất rừng, từ việc chuyển đổi đất rừng, giao đất rừng cho các dự án thuỷ điện, cho đến việc giao hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn, biên giới cho các công ty Trung Quốc… từ năm 2007 đến 2016 đều phải nhận được sự chuẩn thuận của PTT Hoàng Trung Hải, nhân vật quan trọng và quyền uy thứ hai trong chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Ngoài ra, nếu số liệu báo cáo của các tỉnh thành cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác trồng rừng hàng năm là chính xác thì đến nay tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã vượt mức 100%, tức là không một m2 nào trên dải đất hình chữ S này chưa được rừng che phủ. Tuy nhiên, thực tế thì như những gì mà chúng ta đã thấy. Và dĩ nhiên, “thành tích” này trước hết phải được “ghi nhận” cho ngài (cựu) Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành (trong đó có ngành Lâm nghiệp) kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng Hoàng Trung Hải.
Đặc biệt, từ năm 1998, Hoàng Trung Hải đã là Tổng Giám đốc EVN. Ông ta càng có điều kiện khuynh loát ngành điện lực Việt Nam sau khi ngồi lên chiếc ghế Bộ trưởng Công nghiệp (2003-2007) và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế (2007-2016).
Ngày 24/10/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 1436/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Điện VI, đồng thời bổ nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Ngày 26/12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ký quyết định số 2449/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia, dĩ nhiên PTT Hoàng Trung Hải lại là Trưởng ban.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 9/11/2009, ngài PTT đã hùng hồn khẳng định: “Không thuỷ điện nào không có trong quy hoạch.” Nghĩa là, không một công trình thuỷ điện nào nằm ngoài quyền quyết định của ngài PTT, bởi không ai khác mà chính ông ta mới là người nắm quyền định đoạt cái gọi là “quy hoạch thuỷ điện” đó.
Một dự án thuỷ điện không nằm trong “quy hoạch” mà muốn được triển khai ư? Chuyện nhỏ, chỉ cần ngài PTT phù phép bằng cách đưa nó vào “quy hoạch thuỷ điện” của ông ta là xong. Xin đơn cử, tháng 8/2010, Hoàng Trung Hải đồng ý bổ sung dự án thủy điện Sông Tranh 3, công suất khoảng 62 MW vào danh mục các dự án nguồn điện tại Quy hoạch điện VI; hay tháng 6/2015, ông ta đồng ý bổ sung dự án nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng vào Quy hoạch điện VII, v.v và v.v.
Trước sự phản đối đặc biệt gay gắt của công luận, tháng 9/2013, ngài PTT buộc phải đưa hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ra khỏi “quy hoạch”. Báo Người Lao Động ngay lập tức đăng bài “Xin cảm ơn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải!”. Bài viết mở đầu bằng câu: “Sao mà vui sướng đến muốn rơi nước mắt!” Chừng đó đủ cho thấy quyền lực của “ông vua không ngai” Hoàng Trung Hải lớn đến nhường nào.
Và một Hà Nội đang “bê-tông hoá”
Không chỉ những thảm cây xanh ở những cánh rừng xa xôi, hẻo lánh, hiếm khi thấy bóng người, mà ngay cả những hàng cổ thụ rợp bóng mát ngay giữa một Hà Nội đông đúc nhộn nhịp mỗi khi nghe đến cái tên Hoàng Trung Hải cũng phải run rẩy, khiếp đảm.
Với tư cách Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, Hoàng Trung Hải là nhân vật có tiếng nói quyết định về quy hoạch thủ đô từ năm 2007 đến năm 2016, với sở thích đặc biệt là triệt hạ cây xanh và “bê-tông hoá” Hà Nội. Từ sau Đại hội XII, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt tin tưởng giao phó trọng trách thống lĩnh bộ máy dân sự và quân sự của Thủ đô, ngài Bí thư Thành uỷ lại càng thoả sức phát huy sở trường của mình.
Lý lẽ của ngài ư, rất đơn giản: “Chặt cây ai cũng tiếc, nhưng chẳng lẽ không làm gì” (!!!).
Theo GS Vũ Trọng Hồng, với diện tích rừng đầu nguồn bị phá, dù có đầu tư tiền để tái sinh thì cũng phải 50 năm mới phục hồi, mới ngăn được dòng chảy. Nghĩa là nếu ngay từ bây giờ 90 triệu dân Việt Nam bắt tay vào việc xử lý những “di sản” do “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải để lại thì cũng phải mất ít nhất nửa thế kỷ nữa chúng ta mới hoàn toàn khắc phục được hậu quả.
Không chỉ rừng Việt Nam, mà hàng nghìn linh hồn oan nghiệt đang réo gọi tên ngài, thưa ngài Bí thư Thành uỷ Hà Nội!
Lê Anh Hùng
(Blog VOA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét