Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Hà Nội và chính sách “Hai Việt Nam”


Hà Nội và chính sách “Hai Việt Nam”

Đăng bởi Tiểu Nhi on Monday, October 30, 2017 | 30.10.17



Những đợt bắt bớ điên cuồng từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc háo hức mời gọi các quốc gia tư bản đến Việt Nam để làm ăn, đang ngày càng phác thảo rõ chính sách hai mặt của Hà Nội.



Hình minh họa

Ở Việt Nam lúc này, các lời giới thiệu nồng nhiệt về hoạt động cho hội nghị APEC vào giữa đầu tháng 11 ở Đà Nẵng đang rất nhịp nhàng với những tiếng búa tòa kết tội chính trị, như vụ án của sinh viên Phan Kim Khánh tại Thái Nguyên. Mức án 6 năm tù cho người thanh niên này được cho là lời cảnh báo từ giới cầm quyền gửi đến giới trẻ Việt Nam rằng hãy để yên cho Hà Nội tìm cách làm ăn, ít nhất là trong giai đoạn này.


Đây được coi là lúc cao trào của chính sách “hai Việt Nam”, một chính sách đã từng được tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội sớm nhận ra và gửi công điện mật báo về Washington từ 26/12/2000.


Trong loạt công điện bị hồ sơ Wikileak tiết lộ, rằng qua sự có mặt của đệ nhất phu nhân Hillary Clinton ở Hà Nội (18/11/2000) cho việc tổ chức Diễn đàn Phụ nữ đã “hé lộ rất nhiều về một thể chế”. Phân tích của tòa đại sứ Mỹ nói rằng, họ nhận thấy có một chính sách, tạm gọi là “hai Việt Nam”. Một Việt Nam đầy tính độc tài, công an trị để luôn khẳng định quyền lực và một bộ mặt Việt Nam khác thì luôn mời chào, háo hức với các lời đề nghị giao thương, làm ra tiền từ Hoa Kỳ nói riêng, và phương Tây nói chung.


Đầu năm 2017, chính sách hai mặt này được đẩy mạnh từ lúc kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu chạm cánh cửa suy sụp, nhất là khi có báo cáo của ngân hàng HSBC cảnh cáo rằng “nợ công vẫn tăng và có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn chính sách trong trường hợp tăng trưởng sẽ thoái trào thời gian tới”, được đưa ra vào ngày 1/1/2017.


Trước đây, Hà Nội đối phó các vấn đề chính trị theo từng vụ, thậm chí giải quyết theo những cách cả quyết riêng của ngành an ninh, bất chấp bộ mặt của ngành ngoại giao. Có thể lấy ví dụ sự kiện tướng công an Nguyễn Văn Hưởng từng bỉ mặt bộ ngoại giao CSVN, bằng cách sắp xếp cho người phá cuộc gặp mặt công khai giữa đại sứ Mỹ Michael Michalak và nhà tranh đấu Phương Nam Đỗ Nam Hải tại quận Phú Nhuận. Chi tiết này đã được phó tổng lãnh sự Angela Dickey gửi công điện về Washington, theo Wikileak tiết lộ, vào ngày 8 tháng 5 năm 2009. Bốn ngày sau, công an cũng ép báo Tuổi Trẻ phải đăng một bài “tường thuật” mà giới phóng viên trong báo này xác nhận là bị buộc phải đăng tải mà không được sửa chữ nào. Tin hành lang cho biết, lúc đó phía ngoại giao CSVN cảm thấy bị bẻ mặt vì chuyện này nên cũng đã có những phản ứng trong nội bộ. Tuy nhiên mọi thứ vẫn tiếp diễn, cho thấy công an vẫn toàn quyền quyết định trong những “chuyên án” như vậy.


Rồi dần dần Hà Nội nhận ra rằng cách đối phó các sự kiện chính trị theo từng chuyên đề như vậy là không có lợi, vì mỗi lúc hồ sơ nhân quyền của Việt Nam càng dày thêm ở Liên Hiệp Quốc cũng như với các tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế… do đó, chính sách hai mặt là một giải pháp khả dĩ, được đẩy mạnh từ khi Nguyễn Tấn Dũng mất vị trí, tức theo chủ trương của Nguyễn Phú Trọng.


Việc hấp dẫn giới đầu tư, cởi mở và hứa hẹn các khoản lợi nhuận là chuyện cốt tử của chế độ. Nhưng việc siết chặt an ninh trong nước để bảo đảm quyền lãnh đạo của đảng CS không thể lung lay, cùng với việc làm cho mọi ý kiến về nhân quyền của Việt Nam phải mờ nhạt đi là một bước đi chủ ý và ráo riết.


Đầu năm 2017, các nguồn tin tiết lộ cho biết, Việt Nam chi tiền cho nhóm Podesta Group ở Washington, mỗi tháng khoảng 30.000 USD, để vận động hành lang từ có quyền lực và có quan hệ với các chính khách Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng từ cuối năm 2016, các yêu cầu từ Hà Nội rất rõ là làm sao ngăn cản các báo cáo về nhân quyền và tự do tôn giáo trở thành chuyện phiền toái với chế độ độc tài này. Thậm chí, giáo sư Carl Thayer chuyên gia nghiên cứu về vấn đề biển Đông, cũng bị mất vé mời tham dự các cuộc họp và thảo luận ở Viện CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược) bởi Hà Nội – nhà tài trợ lớn của Viện này – không thích cách mà ông Carl Thayer hay đề cập thêm về nhân quyền tại Việt Nam.


Dùng tiền và các tác động ngoại giao, Hà Nội muốn làm rõ Việt Nam là vùng đất làm ăn béo bở và “sạch” về các vấn đề dân chủ và nhân quyền, trong mắt các quốc gia.

Phan Nguyên

29-10-2017


(Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét