Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Ông Trọng muốn ‘trở về đảng Lao Động’ hay ‘đổi mới lần 2?’


VNTB- Ông Trọng muốn ‘trở về đảng Lao Động’ hay ‘đổi mới lần 2?’

Phạm Chí Dũng



Những dấu hiệu mới

Liên tiếp trong hai Tháng Tám và Tháng Chín, 2017, đã xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng hơn về yêu sách “đưa đảng Cộng Sản trở về tên đảng Lao Động” trong đời sống chính trị ở Việt Nam.

Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ ông Tương Lai ở Sài Gòn với lá thư với đại ý “cắt đứt quan hệ với đảng do Nguyễn Phú Trọng thao túng” để quay về “đảng Hồ Chí Minh.”

Trong biên niên sử Cộng Sản Việt Nam, “đảng Hồ Chí Minh” được hiểu là đảng Lao Động.

Dấu hiệu thứ hai xuất hiện từ ông Nguyễn Trung ở Hà Nội với một bản kiến nghị, trong đó có nội dung “trở về tên đảng Lao Động.”

Cả hai ông Tương Lai và Nguyễn Trung đều là đảng viên, cựu quan chức, nhưng quan trọng nhất đã gặp nhau ở ý tưởng “trở về tên đảng Lao Động.”

Giả thử đảng Cộng Sản trở về tên đảng Lao Động, tên nước cũng vì thế có khả năng đổi: từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhu cầu tập thể

Lá thư của ông Tương Lai và bản kiến nghị của ông Nguyễn Trung xuất hiện trong bối cảnh vừa âm ỉ, vừa râm ran dư luận về khả năng có thể hình thành thể chế “đảng trong đảng” ở Việt Nam.

Từ năm 2016, đã xuất hiện những cuộc trao đổi bán công khai trong giới quan chức cao cấp hưu trí và giới trí thức “phản biện trung thành” về khả năng đổi tên đảng Cộng Sản trở về tên đảng Lao Động như trong quá khứ xa. Hoặc có thể “tách đảng” thành hai – vừa đảng Cộng Sản vừa đảng Lao Động trong tương lai gần.

Từ trước Tết Nguyên Đán, 2017, lại râm ran dư luận trong giới “phản biện trung thành” về khả năng có thể đề nghị hình thành thể chế “đảng trong đảng,” nhưng với một cái tên mới hoàn toàn cho đảng cầm quyền.

Vào Tháng Năm, 2017, có tin một nhóm cán bộ cao cấp ở miền Nam đã ra Hà Nội gặp Tổng Bí Thư Trọng để đưa ra đề nghị “đưa đảng Cộng Sản trở về tên đảng Lao Động.” Nhưng không nghe ông Trọng trả lời trả vốn gì.

Có thể thấy, yêu cầu “trở về tên đảng Lao Động” từ một số năm qua và đặc biệt gần đây đã không còn là ý tưởng của một ít cá nhân, mà đã trở thành quan điểm mang tính tập thể của một số trí thức, cựu quan chức và có thể cả quan chức.

Vì sao “trở về đảng Lao Động”?

“Bế tắc” đang là từ ngữ không còn lấp ló nơi cửa miệng của giới quan chức, mà đã được một số quan chức can đảm và bạo miệng nhất nói ra hoặc thốt ra.

Nguồn gốc của căn bệnh quá trầm kha, rốt cuộc được cho rằng chủ yếu do cơ chế một đảng gây ra. Cho đến giờ này, chống tham nhũng đã trở nên vô phương ở Việt Nam. Độc đảng chính là nguồn cơn sinh ra quốc nạn tham nhũng.

Chỉ còn cách đa đảng thì may ra mới cứu vãn được dân tộc, người nghèo và đương nhiên cứu cả giới quan chức đương chức lẫn về hưu.

Nhưng không chỉ giới trí thức phản ứng đối với ý thức hệ giáo điều của đảng Cộng Sản, tự thân “khủng hoảng nội bộ” cũng góp phần đẻ ra nhu cầu hướng đến đa đảng.

Sau Đại Hội 12 vào đầu năm 2016, những nhóm quyền lực cũ và mới song song tồn tại và sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều. Nhưng cốt tử hơn, những nhóm này – trong mối kết nối chặt chẽ với các nhóm lợi ích cũ và mới – đang ngày càng nhận ra tương lai hoàn toàn bế tắc nếu cứ cắm đầu tuân theo những bản nghị quyết vô hồn về “chủ nghĩa xã hội” hoặc “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Một trong những lý do đơn giản nhất là ngày càng lo sợ sự bùng nổ phản kháng và hành động trả thù của dân chúng, đặc biệt từ những người dân đã bị biến thành nạn nhân khốn cùng của chế độ. Một bài toán rất thực tế: giới quan chức tìm đâu ra lối thoát chính trị và lối thoát sinh mạng ở Việt Nam và cả trên “trường quốc tế,” trong khi tài sản và thân nhân của họ đã hiện diện ở khắp các nơi – Mỹ, Canada, Úc, Tây Âu…?

Nhưng một người cực kỳ bảo thủ như Nguyễn Phú Trọng liệu có chấp nhận yêu cầu “đưa đảng Cộng Sản trở về tên đảng Lao Động”?

“Đổi mới lần 2?”

Chưa có tín hiệu nào cho thấy ông Trọng đồng ý với yêu cầu “đưa đảng Cộng Sản trở về tên đảng Lao Động.” Bằng chứng là sau khá nhiều thư kiến nghị của “Nhóm 61” – bao gồm các đảng viên lớn tuổi – về nhiều vấn đề cải cách trong đảng và dân chủ hóa đất nước, ông Trọng và toàn bộ Bộ Chính Trị của ông vẫn tuyệt đối không một hồi âm.

Ngược lại là đằng khác, vị tổng bí thư này vẫn khăng khăng lặp lại không biết chán về “chủ nghĩa xã hội” và “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,” dù về sau này ông ta có bổ sung thêm từ “thể chế” trước nền kinh tế chẳng ai biết ra làm sao ấy.

Trên một phương diện khá khác biệt với yêu cầu đổi tên đảng, Tổng Bí Thư Trọng ngày càng bộc lộ rõ quan điểm muốn tiến hành “đổi mới lần 2.”

Tuy đã được dư luận trong nội bộ đảng đề cập không ít, nhưng từ “đổi mới” chỉ xuất hiện vào những ngày gần đây, tuy không hoặc chưa thấy phụ từ “lần 2” gắn kèm. Không phải là cựu tổng bí thư Đỗ Mười, cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh hay “Lão Răng Chắc” Nông Đức Mạnh, mà vào lần này người ta thấy cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu xuất hiện với tần suất khá dày trên mặt báo chí nhà nước với tinh thần “không còn đường lùi” và ủng hộ nhiệt thành chủ trương chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng.

Có vẻ đã hình thành “trục” Nguyễn Phú Trọng – Lê Khả Phiêu.

Cũng đang dần đầy đặn những dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng đang đi theo lộ trình “đổi mới lần 1” của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm về trước.

Và không loại trừ tâm thế của ông Trọng muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai.”

Ba chục năm trước – năm 1986 – Nguyễn Văn linh đã khởi sự “đổi mới lần 2” bằng loạt bài viết trên báo đảng Nhân Dân về “Những việc cần làm ngay.” Ba chục năm sau – năm 2016 – Nguyễn Phú Trọng cũng lặp lại “Việc cần làm ngay” mà mốc khởi điểm của việc này là nhắm vào vụ việc Trịnh Xuân Thanh – kẻ mà về sau này đã gây ra bao nỗi khó nhọc lẫn chua xót cho đương kim tổng bí thư.

Nhưng “việc cần làm ngay” và “đổi mới lần 2’ của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi đến đâu?

Tương lai thất bại

Quá khó để hình dung ra đoạn đường, những trạm dừng chân và cái đích cuối cùng mà ông Trọng sẽ đạt được. Khác quá nhiều với thời Nguyễn Văn Linh vẫn chủ yếu mang tư tưởng “lợi ích cào bằng” và tham nhũng chủ yếu thể hiện bởi thói tham ô vặt, giờ đây Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt với một bức tường khổng lồ của giới quan chức tham nhũng, cùng mức độ tham nhũng gấp ngàn vạn lần thời “những việc cần làm ngay” của Nguyễn Văn Linh.

Vẫn chẳng có dấu hiệu rõ nét nào cho thấy ông Trọng đã nhận ra độc đảng là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tham nhũng và biến tham nhũng thành vô phương cứu chữa, biến chiến dịch “chống tham nhũng” của ông thành một cuộc tỉa ngọn mãi mãi rồi đâu lại vào đó.

Có nhiều bằng chứng về sự thất bại đã đến, đang đến và sẽ đến của Tổng Bí Thư Trọng.

Sau Đại Hội 12 khi ông Trọng đã trở thành “một mình một ngựa” trong Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương, cho tới nay các cơ quan đảng và cơ quan tư pháp vẫn chỉ đều đặn báo cáo “chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong số 1 triệu công chức viên chức tiến hành kê khai tài sản.” Người dân nào cũng biết đó là một dối trá vĩ đại, nhưng càng vĩ đại hơn với những quan chức biết chấp nhận sự dối trá đó!

Vào Tháng Năm, 2017, Tổng Bí Thư Trọng lần đầu tiên dám phát động chủ trương “kiểm tra tài sản 1000 cán bộ” và được báo đảng hò reo. Thế nhưng cho tới nay, hầu như không còn ai nhắc đến chủ trương này, và cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy chủ trương này còn tồn tại hay ít nhất sẽ đạt được một kết quả “diệt ruồi” nào đó. Chỉ một biệt phủ của Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý mà ông Trọng còn không “xử” được, chẳng ai tin là ông có thể làm được hơn thế.

Không thể “kiểm tra tài sản 1000 cán bộ,” chiến dịch “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng cũng chẳng còn ý nghĩa gì, dẫn đến “đổi mới lần 2” của ông sẽ trở nên vô vọng.

Phạm Chí Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét