Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017
Những ảo tưởng và ngộ nhận về Chính trị
Kami - Những ảo tưởng và ngộ nhận về Chính trị
Đăng bởi Tiểu Nhi on Friday, October 20, 2017 | 20.10.17
“Quá nhi bất cải vị quá hĩ - Có lỗi lầm mà không sửa, ấy mới thật là có lỗi vậy” - Ngạn ngữ
Sự vận động cho sự thay đổi chính trị Việt Nam là điều hết sức cần thiết, đây là điều không thể thiếu ở mọi thời điểm nếu muốn đất nước thành công và phát triển. Song sự vận động đó phải đúng hướng, có tổ chức và phù hợp với quy luật.
Hình minh họa
Vừa qua tôi có được đọc bài viết của nhà báo Trần Trung Đạo với tựa đề "Việt Nam không phải là Miến Điện" (bit.ly/2eYFrpi). Đây là một bài báo đánh giá khá đúng về nhận thức và khả năng đấu tranh chính trị của người Việt trong và ngoài nước. Tôi đánh giá cao bài viết của tác giả Trần Trung Đạo vì qua bài viết đó là những bài học kinh nghiệm cho những người tham gia đấu tranh vì một tương lai tốt hơn cho Việt Nam. Đồng thời cũng là nguyên nhân vì sao đất nước Myanmar đã thành công trọng việc thay đổi thể chế chính trị, từ độc tài quân phiệt sang một nhà nước pháp quyền.
Qua bài viết vừa nêu, có thể giúp cho sự so sánh tư duy chính trị của giới Dân chủ Việt và những người làm chính trị ở Myanmar. Mà sự khác biệt cơ bản nhất là tính tổ chức và hiểu biết về kiến thức chính trị phổ thông cần phải có cho những cá nhân muốn tham gia hoạt động chính trị. Đây cũng chính là lý do quan trọng đã khến tiến trình vận động dân chủ hóa ở Việt Nam lâu nay vẫn dẫm chân tại chỗ nếu không nói là thụt lùi. Điều đó đã khiến cái gọi là phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, là một phong trào đó thiếu sức sống, thiếu sức hấp dẫn để lôi kéo, tập hợp được ít nhất giới quần chúng bình dân, chứ chưa nói đến hàng ngũ có tri thức và sự hiểu biết mong muốn có sự thay đổi tham gia.
Trên nguyên tắc, mọi sự thay đổi về chính trị không thể vắng bóng nhân dân, người dân bao giờ cũng là nhân tố quyết định quyền lực chính trị ở mọi quốc gia. Kể cả trong trường hợp người ta dùng vũ lực của quân đội để (đảo chính) cướp đoạt chính quyền cũng chỉ là vấn đề tạm thời. Vì thế vấn đề lôi kéo để tập hợp quần chúng là điều hết sức cần thiết, mà những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam đã quên điều này.
Cái duy nhất mà phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay đạt được, đó là số người bị bắt vào tù tăng lên đáng kể. Tính đến đầu tháng 8, Hãng tin Reuters (bit.ly/2xVAAJf) nói rằng có tới 15 nhà hoạt động đã bị bắt tại Việt Nam trong năm nay mức cao nhất trong những năm gần đây. Nếu tính mạng con người được coi là thứ quý nhất, thì đây là sự thất bại của những người đấu tranh Dân chủ ở Việt Nam.
Một nhược điểm của những nhà cách mạng Việt Nam từ xưa đến nay, là tư tưởng nô lệ cho ngoại bang. Những chính trị gia người Việt luôn có tư tưởng dựa vào các nước lớn để giải quyết vấn đề chính trị quốc gia. Hết dựa vào Pháp, vào Nhật thì dựa vào Liên Xô, Trung Quốc rồi Mỹ v.v... Trong một bối cảnh chính trị Quốc tế đã thay đổi, không còn chỗ đứng sự dựa dẫm hay giúp đỡ vào một nước khác, thì những người đấu tranh dân chủ hiện nay ỷ lại vào cái gọi là áp lực quốc tế mà chủ yếu là Hoa Kỳ.
Trong lúc, theo Washington Post thì chính quyền Donald Trump đang nghĩ đến việc thay đổi những nguyên tắc ủng hộ “Hòa bình, Thịnh vượng, Công bằng và Dân chủ”. Theo đó, 2 từ “Công bằng” và “Dân chủ” rất có thể không còn được xuất hiện trong bản tuyên bố sứ mệnh trong chính sách đối ngoại mà bộ Ngoại Giao Mỹ đang soạn thảo. Hoa Kỳ có lẽ sẽ không đấu tranh cho một thế giới “công bằng và dân chủ” nữa. Điều này khẳng định lập trường của Donald Trump từng tuyên bố: “Chúng tôi không tìm cách áp đặt cách sống của chúng tôi lên bất kỳ ai, và tốt hơn hết nên để nó tự tỏa sáng như một tấm gương để cho mọi người noi theo”.
Đây là một trong những lý do vì sao An ninh Việt Nam đã thẳng tay trấn áp bắt bớ những người hoạt động chính trị với số lượng lớn so với trước đây. Nhưng quan trọng nhất là hầu hết những người bị bắt vừa qua đều có liên quan đến tổ chức chính trị, đã từng bị Bộ Công An Việt Nam đưa vào danh sách là khủng bố năm 2016.
Bây giờ muốn nói đến chính trị các quốc gia lân bang của Việt Nam - trừ Campuchia đã tệ đến mức không có gì đáng nói.
- Tại Thái Lan: Cách đây ít lâu, bà Yingluck Shinawatra, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, người bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây ra thất thoát 13 tỷ USD cho Chính phủ Thái Lan. Trước phiên tòa xét xử 25/8/2017, bà Yingluck đã bỏ trốn ra nước ngoài giống như anh trai của bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là người cũng bị phế truất vào năm 2006 sau một cuộc đảo chính sau đó đã chạy ra nước ngoài để tránh án tù vì tội tham nhũng.
Ít người biết rằng trước khi bỏ trốn một tuần, bà Yingluck Shinawatra đã từng lớn tiếng tuyên bố với báo giới rằng, bà ta sẽ không bỏ trốn, mà sẽ ở lại để đấu tranh bảo vệ công lý. Điều đó cũng như trong cuộc tổng biểu tình của phe Áo Đỏ, lực lượng chính trị ủng hộ dòng họ Shinawatra trước đây, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra khi đó đang lưu vong ở nước ngoài đã từng tuyên bố rằng, nếu có 500 ngàn người xuống đường, thì ông Thaksin Shinawatra sẽ trở về Thái Lan bằng con đường bí mật để đi đầu đoàn biểu tình. Tuy vậy, cho đến khi lực lương quân đội Thái dùng vũ lực tiến hành giải tán cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần với sự tham gia có thể tới tới 1 triệu người mà người ta vẫn không thấy bóng dáng cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đâu.
- Ở Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi, người từng được giải Nobel Hòa bình năm 1991, và là người nỗ lực tranh đấu cho một nước Miến Điện dân chủ. Tuy nhiên, ngay sau khi thắng cử bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố với báo giới tự cho mình cái quyền "đứng trên cả Tổng thống". Điều được dư luân nói chung đánh giá là một sự chà đạp thô bạo lên các chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền. Theo ký giả Fergal Keane trong một bài viết về bà Aung San Suu Kyi rằng: "Người phụ nữ tôi gặp tuần này ở Nay Pyi Taw năm 2017 rõ ràng đã thay đổi. Nữ anh hùng của cộng đồng nhân quyền nay bị cô lập trước nhiều người từng ủng hộ bà ở nước ngoài. Bà lo ngại truyền thông, ghét bỏ những nhà chỉ trích quốc tế, nay bà giống một chính khách sắt đá hơn là thần tượng toàn cầu được mọi thủ đô tôn vinh khi bà được tự do bảy năm trước.". Và gần đây nhất, sự kiện Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với việc xử lý bạo lực tại bang Rakhine và khủng hoảng người tị nạn Rohingya.
Nói thế để thấy, có rất ít chính trị gia họ biết hy sinh quyền lợi của cá nhân mà đa phần chỉ là thành phần có tiền và biết lừa lọc. Thế đấy, chính trị là như thế. Đây không chỉ là lỗi riêng của bà Aung San Suu Kyi, ông cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hay bà Yingluck Shinawatra, mà là lỗi chung của các chính trị gia. Họ luôn nói một đằng - để lừa dối dân chúng, và làm một nẻo - để có lợi nhất cho họ, cũng như tổ chức họ.
Chính trị là như thế, nó chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau dưới lớp màn che mỹ miều vì dân, vì nước hay vì tự do, dân chủ. Những ai không hiểu điều đó thì sẽ bị lợi dụng làm vật tế thần cho các chính trị gia. Rất ít người biết rằng, chính trị trong bất kể thể chế chính trị nào cũng chỉ là sân chơi của kẻ có tiền. Một giai thoại chính trị lưu truyền ở Thái Lan dưới thời của dòng họ Thủ tướng Thaksin Shinawatra trị vì cho rằng, cái cột điện có tiền cũng trở thành nghị sĩ Quốc Hội.
Chỉ có duy nhất cách mạng vô sản, người ta mới thấy trong nghị trường có chỗ ngồi cho các kẻ tu hành, chị nông dân, anh công nhân... cho đủ thành phần cơ cấu. Đây cũng chính là nỗi ám ảnh và là niềm khát khao cho những người ngây thơ về chính trị, họ luôn nghĩ rằng khi có sự thay đổi về thể chế chính trị thì họ cũng sẽ ngồi trong chính trường như các nhà tu hành khả kính kia. Đó là việc không bao giờ có. Xin nhắc lại, kể cả trong thể chế chính trị tự do dân chủ cũng rất khó có chuyện người không có tiền trở thành chính trị gia.
Bài học xương máu Gia Long rút ra là mầm mống các cuộc nổi loạn luôn xuất phát từ đám nhà giàu, lợi dụng, xúi giục và tụ tập những người nghèo bất mãn để phản kháng theo ý đồ của mình. Những cuộc bạo loạn này sẽ nhanh chóng thành khởi nghĩa nếu được chính quyền địa phương làm ngơ. Vì thế phải dập tắt những bạo loạn từ trong trứng nước và nắm quyền kiểm soát chặt chẽ. Bảo vệ và gìn giữ quyền lực nhà nước trong một chế độ độc tài luôn là như thế, bất kỳ ở đâu trên trái đất này xưa nay không có gì thay đổi.
Sự vận động cho sự thay đổi chính trị Việt Nam là điều hết sức cần thiết, đây là điều không thể thiếu ở mọi thời điểm nếu muốn đất nước thành công và phát triển. Song sự vận động đó phải đúng hướng, có tổ chức và phù hợp với quy luật.
Một chính quyền dân cử như ở Thái Lan, hay Myanmar cũng dễ dàng tự tha hóa và có lẽ sự tha hóa đó sẽ không có điểm dừng, nếu như không có một thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực tương thích đủ mạnh. Nếu không làm được điều này thì trong tương lai, rồi những thay đổi ở Việt Nam sẽ cũng diễn ra như thế, không khác gì.
Vì thế vấn đề quan trọng nhất hiện nay cho Việt Nam sẽ phải là, tập hợp sức mạnh của nhân dân nhằm xây dựng một thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực tương thích đủ mạnh. Bằng không, mục tiêu cao cả nhất của công cuộc đấu tranh vì dân chủ có lẽ sẽ chỉ là, thay chế độ độc tài hiện tại bằng một chế độ độc tài khác.
Ngày 19 tháng 10 năm 2017
© Kami
(Blog RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét