Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017
Một số nhận xét về Bộ Công Thương cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh
Tô Văn Trường - Một số nhận xét về Bộ Công Thương cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh
Đăng bởi Ha Tran on Sunday, October 15, 2017 | 15.10.17
Nguyên nhân của bộ máy quản lý Nhà nước càng ngày càng phình to, càng bó buộc nền kinh tế và đời sống xã hội là do “khái niệm Nhà nước quản lý” có từ sau Cách mạng Tháng 10 ở Nga. Nói Nhà nước quản lý là trừu tượng, nói cán bộ Nhà nước cai trị là cụ thể. Cái gì Nhà nước cũng quản thì sao quản nổi, nên mới có chuyện hai, ba cơ quan cùng làm một việc, hoặc một việc lại giao cho nhiều người cùng làm. Rốt cuộc hậu quả cũng không biết ai phải chịu trách nhiệm nên mới phê phán kém hiệu lực mà không đời nào sửa được.
Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: Internet
Thỉnh thoảng ta thấy ở đâu đó giảm được vài bộ phận thừa, vài người ngồi không, …rồi ta hoan hô! Rồi nơi khác hoặc không lâu sau, chỗ khác lại bày ra nhiệm vụ mới và phải thêm người mới cũng là cần thiết. Niềm tin của Nhà nước ở dân không có thì dân làm sao tin ở Nhà nước. Mối quan hệ nhân quả này là “mê hồn trận” về Nhà nước quản lý mà ra! Nếu rút gọn ý nghĩa về hệ thống chính trị hiện hành thì công thức đơn giản là Nhà nước quản lý = Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo = Nhà nước quản lý. Cái “lồng thể chế” này nhốt được quyền dân chứ không nhốt được kẻ lộng quyền!
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh người dân và các doanh nghiệp rất dị ứng với những điều trớ trêu trong việc làm chính sách, đẻ ra những “mi-ni chính sách” để làm khổ các doanh nghiệp và người dân. Tất nhiên, bộ máy tuyên truyền phục vụ nhà nước luôn ca ngợi cách ứng xử “bóp – rồi nới lỏng” này, ra các nghị quyết tháo gỡ bãi bỏ như một hành động đầy nhân ái và rồi nhiều người lại “tự sướng” và khen nhau là cải cách!
Sự kiện Bộ Công Thương vừa qua đi tiên phong cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh được Thủ tướng khen nhưng vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên công luận cũng là lẽ thường tình, vì tùy thuộc vào thông tin tiếp nhận, góc nhìn của mỗi người. Đứng dưới góc nhìn của người làm công tác khoa học và nhà báo công dân, tôi cho rằng ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là xác đáng nhất khi trả lời báo Pháp luật TP.HCM về sự kiện nói trên: ”Đó là việc làm đáng hoan nghênh. Các Bộ khác nên noi theo. Tuy nhiên, đáng lẽ trước đây khi họ đưa ra quá nhiều điều kiện kinh doanh vô lý thì phải phạt mới đúng”.
Người dân có chung nhận xét không ai trong thể chế nầy không chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, tội lỗi (nếu có) không của cơ quan này hay của cá nhân nào đó nhân danh thể chế.
Chia sẻ với một số ý kiến còn nghi ngại cho rằng Bộ Công Thương liệu đây có phải là cắt giảm thực chất hay chỉ là cắt giảm cơ học, gộp các điều kiện ở nhiều chỗ vào một chỗ, tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn những uẩn khúc nêu trên.
Trước hết, phải nói rằng đây là một quyết định khó khăn và dũng cảm được nhiều người cho rằng như “lấy đá ghè vào chân mình”. Nhiều qui định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã tồn tại nhiều năm, để cắt bỏ được, trước tiên lãnh đạo các đơn vị trong Bộ phải thay đổi được về nhận thức, có quyết tâm và hành động nhất quán đặt quyền lợi của đất nước, của người dân lên trên tất cả.
Trong thời buổi còn nhiều nhiễu nhương, thay vì nghi ngại, không cần khen, vì đó là trách nhiệm họ phải làm nhưng nên khích lệ, ủng hộ để Bộ Công Thương làm tốt được chức năng, nhiệm vụ của mình. Còn thực tế cắt bỏ thế nào, kết quả ra sao sẽ thể hiện ở các qui định được sửa đổi trong các văn bản qui phạm pháp luật. Đó là một quá trình, đòi hỏi thời gian, và Bộ Công Thương đã xác định lộ trình sẽ thực hiện trong năm 2017 và 2018 như Quyết định vừa mới ban hành.
Theo phương án được Bộ Công Thương công bố thì có tới 675 trong tổng số gần 1.220 (tức là chiếm tới trên 55%) điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ này sẽ được cắt bỏ. Thực chất của con số này ra sao?
Nếu quay trở lại xem nguồn gốc của con số này, chắc những người quan tâm còn nhớ, hồi cuối tháng 6/2017, VCCI đã công bố một Báo cáo về rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực. Khi đó, Bộ Công Thương được xem là một trong những Bộ “dẫn đầu” về số lượng các điều kiện đầu tư kinh doanh với con số là 1.220 điều kiện trong tổng số trên 5.700 điều kiện được thống kê trong tất cả các lĩnh vực. Một số hội nghị, diễn đàn cũng đã mang ra trao đổi, mổ xẻ nội dung báo cáo này, nhưng hầu như chưa thấy ai bàn tới các con số được thống kê này chính xác như thế nào?
Báo cáo của VCCI đã được trình lên Chính phủ Việt Nam, và như vậy các Bộ ngành cần phải soi chiếu vào đó để rà soát, tính toán và báo cáo số lượng điều kiện sẽ cắt giảm. Với con số 5.700 điều kiện đầu tư kinh doanh của cả nước do VCCI thống kê, nếu rà soát, xác định thực chất các qui định là điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ ít hơn nhiều. Bởi ngay trong các ý kiến phản biện thời gian qua cũng chỉ ra nhiều nội dung được gọi là “điều kiện” do Bộ Công Thương dự kiến cắt bỏ, thực chất cũng chỉ là “chơi chữ”!
Bộ Công Thương đưa ra phương án cắt giảm theo kiểu “bình mới rượu cũ”, sáp nhập nhiều điều kiện với nhau thành một là không thể chấp nhận. Chỉ có điều, bên cạnh các điều kiện thực sự sẽ được cắt bỏ, cần khẳng định sẽ không còn tồn tại nữa, thì việc “gộp” các điều kiện ở nhiều nơi vào một nơi, theo tôi cũng là cần thiết. Vấn đề là Bộ Công Thương đã không nói rõ điều này trong nội dung, phương án cắt bỏ để doanh nghiệp và người dân thấy quan điểm, cách thức rõ ràng, minh bạch của Bộ trong quá trình cải cách này.
Nói cho khách quan và công tâm, Bộ Công Thương chắc cũng không có ý định “che dấu” điều này để cộng điểm, nâng cao phần trăm thành tích báo cáo với Chính phủ, bởi nếu không, họ đã không dại gì công bố cho cả nước biết cụ thể họ cắt giảm ở từng gạch đầu dòng nào, khoản mục nào ở văn bản nào chi tiết như trong phụ lục ban hành kèm theo Quyết định mới đây.
Trong quá trình cắt giảm các điều kiện kinh doanh, người dân yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ các câu hỏi sau:
– Trong 675 điều kiện được cắt bỏ, bao nhiêu điều kiện là cắt thật, bao nhiêu là gộp lại?
– Những điều kiện còn giữ có hợp lý không hay còn phải xét giảm tiếp?
– Qua lần cắt giảm này, doanh nghiệp có được những thuận lợi gì trong môi trường kinh doanh, còn bị vướng mắc bởi những ràng buộc nào?
– Bộ Công Thương đặt lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh với việc sửa đổi hàng loạt Nghị định nhưng chỉ thực hiện trong thời gian hơn 1 năm (từ nay đến hết năm 2018). Như vậy liệu có hiện thực hay không?
Thực ra, chúng ta đều mong muốn khi đã xác định được nội dung cắt bỏ thì làm sớm được ngày nào là tốt ngày đó. Lộ trình Bộ Công Thương đặt ra là một thách thức. Nhưng đúng là, trong số 675 điều kiện đó thì nhiều điều kiện tới nay đã và đang “chín mùi” trong quá trình chuẩn bị sửa đổi, và ban hành. Ví dụ, theo như báo cáo của Bộ Công Thương thì ngay trước mắt, với các Nghị định đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, ban hành như Nghị định về quản lý kinh doanh tiền chất công nghiệp; Nghị định về kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và kinh doanh tiền chất thuốc nổ; Nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp; Nghị định về quản lý kinh doanh rượu; Nghị định về quản lý kinh doanh khí, v.v. cũng đã cắt giảm được khoảng 22,5% trong tổng số 675 điều kiện mà Bộ Công Thương nêu tại phương án cắt giảm mới ban hành vừa qua.
Chất lượng của việc sửa các Nghị định của Bộ Công Thương cũng cần được quan tâm đến từng, câu chữ, dù rất nhỏ cũng tác động lớn đến cuộc sống. Ví dụ như trong Luật đầu tư của Bộ KHĐT soạn thảo năm 2005 so với 2014 có thay đổi nhỏ nhưng ngẫm suy tác động rất lớn đến người đầu tư. Ví dụ như:
Luật đầu tư 2005
Điều 4. Chính sách về đầu tư
1. Nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được tự chủ và quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Luật đầu tư 2014
Điều 5. Chính sách về đầu tư kinh doanh
1. Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần nêu rõ những điều kiện có thể được cắt giảm theo phương thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định. Trong Ban soạn thảo các văn bản pháp lý để cắt bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh theo phương án của Bộ Công Thương cũng có đủ cả các cơ quan chuyên môn, cơ quan “giám sát” như Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, VCCI, CIEM.
Chúng ta cần nhìn việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá thủ thục hành chính, bãi bỏ giấy phép con và cho phép kinh doanh tất cả những gì mà Luật không cấm là một chuyển biến tích cực. Đây là thể hiện cụ thể của quá trình cải cách thể chế.
Hội nghị TƯ 6 của Đảng vừa mới bế mạc đã bàn về nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống, kể cả chuyển một phần nền hành chính công sang dịch vụ công và đã là dịch vụ chắc sẽ phải có cạnh tranh để nâng cao chất lượng nhằm thu hút người sử dụng dịch vụ. Phải chăng việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh là bước dọn đường cho quá trình chuyển đổi và phát triển vững bền của đất nước. Quy định trên giấy (nội dung nhiều hay ít, chặt hay lỏng) suy cho cùng không quan trọng bằng thái độ và ý thức (đạo đức công vụ) của người quản lý. Nhất là đối với đội ngũ hiện nay.
Tô Văn Trường
(Bauxite Việt Nam)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét