Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017
Thủ khoa chăn lợn hay những đóa hoa trong vườn XHCN
VNTB - Thủ khoa chăn lợn hay những đóa hoa trong vườn XHCN
Reply
forums, Hiền Nghi, news, thủ khoa chăn lợn, VNTB, xhcn
12.10.17
Hiền Nghi (VNTB) Thực tế cho thấy, làm việc trong bộ máy nhà nước, với cơ sở biên chế hiện nay, thì đó là sự phục tùng và luồn cúi. Chính những yếu tố này đã tạo ra một bộ máy trì trệ, ì ạch, không hiệu quả - đến ngay ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải thừa nhận điều đó.
"Thủ khoa chăn lợn" là cái tên gây chú ý trong tuần vừa qua
"Thủ khoa chăn lợn” – biệt danh của Bùi Thị Hà - cử nhân ngành Ngữ Văn (Trường ĐHSP Hà Nội 2), quê ở Hà Giang.
Sở dĩ có biệt danh này vì năm 2016, cử nhân này được vinh danh cùng với 99 người khác tại Văn Miếu (Quốc Tử Giám) như tôn vinh tinh thần và nghị lực trong học tập.
Và sau đó, em trở về quê nhà Hà Giang, cho đến nay, vẫn chưa thể đứng lớp như ước mơ của chính mình.
Không phải là em không giỏi, hay là tỉnh nhà bạc đãi em, hay xã hội này không tìm đến em, mà vì em cuốn mình trong cái gọi là “biên chế nhà nước”. Do đó, em từ chối những lời mời gọi từ các trường tư,…
Nhưng giá như em đủ tự tin hơn, thì chắc chắn em sẽ không để 1 năm kiến thức của mình lụi bại vì ngồi… chờ biên chế như thế. Thậm chí, chính biên chế của em cũng là thứ biên chế vừa phải, có chọn lọc (em từ chối trường chuyên vì nghĩ mình không đủ tài năng để thi tuyển vào).
Điều an ủi là, em không phải là trường hợp duy nhất. Mỗi năm có hàng ngàn cử nhân ngành sư phạm ra trường và lao đao với nghề, và con đường gần như độc nhất của con số hàng ngàn đó là sự “ổn định”, là vào “biên chế” tại trường công lập để yên tâm công tác, mặc kệ lương bổng có thấp đi chăng nữa.
Từ đó, một thế hệ chủ nhân đất nước đã biết chạy chọt bằng tiền và quyền của người thân.
“Biên chế” có sức quyến rũ kỳ lạ, là thứ “đảm bảo phúc lợi cho nhân dân” đặc sệch chủ nghĩa xã hội. Chính nó tạo ra một môi trường cực kỳ an toàn, không bao giờ sợ bị đuổi việc, và chính nó cũng là nơi bóp nát sự sáng tạo, sự dũng cảm và cái tôi cá nhân của một con người.
Thực tế cho thấy, làm việc trong bộ máy nhà nước, với cơ sở biên chế hiện nay, thì đó là sự phục tùng và luồn cúi. Chính những yếu tố này đã tạo ra một bộ máy trì trệ, ì ạch, không hiệu quả - đến ngay ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải thừa nhận điều đó.
Nhưng vì “biên chế”, nên nó vẫn hút người, và ngân sách nhà nước vẫn đang oằn mình để gánh gần 3 triệu biên chế, đến nay,… chưa có điểm dừng.
Trở lại với trường hợp “thủ khoa chăn lợn”. Thực sự, vinh danh tại Văn Miếu là một điểm mốc cho một đời người, nhưng so với cả một quá trình lao động, học tập, và cống hiến còn lại thì nó quá nhỏ bé. Giá như em có thể đi xa hơn, mạnh bạo hơn thì em sẽ không để cái kiến thức mà em có được ở nhà trường bị bào mòn bởi “chờ biên chế”.
Người viết tin rằng, khi “Thủ khoa chăn lợn” và những người bạn thủ khoa còn lại được vinh danh tại Văn Miếu, sẽ không có nhiều bạn thực sự tìm hiểu về địa danh ấy, đặc biệt là qua những lời răn dạy của người xưa trên văn bia? Trong đó, văn bia khoa thi 1478 bày tỏ một quan điểm rất cận với quan điểm trí thức hiện đại, đó là: “Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đổ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục”.
Thủ khoa hay sự vinh danh đối với nhiều người trở thành lá bài để họ cầu ấm no, tìm lối tắt làm quan, mưa lợi cho thân,… Và chính vì suy nghĩ này mà đội ngũ trí thức Việt Nam đủ về mặt tài cán chuyên môn, nhưng lại thiếu đi cái suy nghĩ và tầm nhìn về xã hội, và họ tự biến mình thành trí ngủ. Ngủ trong cái lợi quyền cá nhân được bao bọc bởi biên chế đầy tính ổn định của nhà nước.
Cũng chính vì lý do này, mà những năm vừa qua, xuất hiện không ít “tâm thư” cầu vịn lãnh đạo cấp cao đảng và nhà nước về tìm việc làm. Hiện tượng “há miệng chờ sung” này đáng lý ra phải là một sỉ nhục lớn của giới trí thức, thì lại coi là một hành động cần được cứu giúp, đánh động dư luận với sự “thương cảm”. Và từng chút một, trí thức Việt Nam bị biến thành một đàn người chỉ biết thụ động đòi hỏi một cơ chế ổn định trong nhà nước, hơn là việc tung chăn ra khỏi và định hướng bằng bước chân, nền tảng tri thức được thu nhận trước đó.
Trở lại với trường hợp “Thủ khoa chăn lợn”, cuối cùng em cũng quyết định xuống Hà Nội để tìm việc. Đó là một quyết định dũng cảm, và người viết kỳ vọng rằng, em sẽ thực sự là “Thủ khoa” của lòng dũng cảm, không luồn cúi, sau khi trải qua 1 năm “chăn lợn” của mình.
Cuối cùng, câu chuyện của “Thủ khoa chăn lợn”, cũng chỉ là hệ quả của chính sách giáo dục sư phạm miễn phí, là thả trôi đầu vào, và hệ biên chế nhà nước trong giáo dục. Do đó, nếu không xóa bỏ, thậm chí gỡ một cách triệt để những vấn đề này, thì nền giáo dục Việt Nam chỉ đào tạo ra những Trí thức “trùm chăn”, những con gà chuyên nghiệp để đấu đá cho chính cá nhân mình, chứ không phải là những con người biết cách vận dụng kiến thức để kiến tạo lại xã hội.
Trong một thông tin có liên quan, nước Đức sau khi thống nhất, đã phải dùng một số tiền rất lớn để đầu tư giáo dục cho miền Đông Đức, bởi di chứng để lại thời Cộng sản là sự chạy chọt, thiếu tự tin, luôn khom lưng trước giới chức quyền.
Nhưng "đóa hoa của vườn hoa XHCN" như "Thủ khoa chăn lợn" rõ ràng, cũng sẽ cần một giải pháp như vậy trong tương lai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét