Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

100 năm Cách mạng tháng Mười: Lý tưởng ơi, chỉ có mày là có thực!


VNTB - 100 năm Cách mạng tháng Mười: Lý tưởng ơi, chỉ có mày là có thực!
Reply
bạo lực, chuyên chính, CMT10, Lê Phú Khải, Lenin, Liên Xô, news, Nga, politics, VNTB
1.11.17

Lê Phú Khải (VNTB) “Tôi muốn đạp vào những tật xấu gian tham đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng.” Dưới ngai vàng của triều đại cuối cùng Nicôla II: nông dân thì chết đói, công nhân chết gục, binh lính bị nhục hình, đó là tất cả những gì để kết luận: cách mạng Tháng 10 không phải là một “ ngẫu nhiên của lịch sử”.





Bối cảnh


Ngày 7-11-2017 năm nay, loài người tiến bộ trên toàn thế giới muốn hay không củng phải để thời gian suy ngẫm, hồi tưởng về cái ngày “ rung chuyển thế giới ” này. Ký ức tập thể của nhân loại không bao giờ phai lạt về một cuộc cách mạng đã để lại những dấu ấn hào hùng cùng những chấn thương vô cùng nặng nề cho nhân loại và còn để lại những di hại đến ngày nay, chưa biết đến bao giờ mới hết di căn…


Cách mạng Tháng 10 không phải là một “ ngẫu nhiên lịch sử ”. Nước Nga trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất là một nước tư bản trung bình với rất nhiều yếu tố lạc hậu. Với dân số 174 triệu người, Nga chỉ đạt 7,5 tỷ đô la tổng thu nhập quốc dân và 43 đô la bình quân đầu người. Trong khi đó, Mỹ với dân số hơn 97 triệu người đã đạt 34.4 tỷ đô la, gấp 5 lần Nga về bình quân thu nhập theo đầu người, các nước Anh (10,9 tỷ đô la và 237 đô la), Đức (10,5 tỷ đô la và 154 đô la), Pháp (7,3 tỷ đô la và 183 đô la).



Nói Nga là nước tư bản có trình độ phát triên trung bình là nói theo lối thống kê. Thực ra, Nga vốn là một nước nông nghiệp. Năm 1913, nông nghiệp chiếm 58% tổng sản phẩm quốc dân, nông dân chiếm 2/3 dân số. Nga mới thoát khỏi chế độ nông nô năm 1861. Nông thôn Nga rất lạc hậu và phụ thuộc vào đại địa chủ.


Ở thành thị, chủ yếu là ở các thành phố lớn như Pêtograt và Maxtcơva đã hình thành giai cấp công nhân có số lượng lên đến 10 triệu người. Giai cấp vô sản này bị bóc lột nặng nề và sống trong hoàn cảnh khốn cùng. Theo thống kê thời đó thì lương công nhân là 246 rúp, thì lợi nhuận làm ra cho tư bản là 252 rúp, tỷ số bóc lột là hơn 100%. Theo luật pháp thời đó thì thời gian làm việc trong ngày là 11,5 giờ, nhưng thực tế họ phải làm 12 đến 14 giờ. Có thể nói, giai cấp vô sản Nga khổ cực nhất thế giới thời đó.


Chiến tranh thế giới 1914 – 1918 mà Nga tham chiến đã phá hoại nền công nghiệp Nga một cách nghiêm trọng. Hàng loạt nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, phải đi lính đánh Đức. Quân đội của Nga hoàng Nicôlai đệ nhị lúc đó trang bị rất kém, liên tiếp thua trận, kỷ luật trong quân đội được xây dựng trên “ cơ sở tàn bạo”. Nhục hình được thực hành rộng rãi trong quân đội. “ Những người bị thương nặng đưa từ mặt trận về… Qua những người bị thương chúng tôi biết nhiều chuyện, trước hết là chuyện quân đội ta trang bị rất kém. Binh lính nói xấu các sỹ quan cao cấp, họ đồn là ở bộ chỉ huy tối cao có người được bọn Đức mua chuộc làm phản. Binh lính ăn uống rất cực khổ…” ( Nhớ lại và suy nghĩ – Hồi ký của Zhukov – NXB.QĐND 2001 – trang 49).


Nguyên soái Zhukov từng đi lính thời Nga hoàng, đoạn hồi ký trên là ông ghi lại về tình cảnh quân đội Nga thời đó.


Lướt nhanh về cách mạng Tháng 10 - Liên Xô


Chế độ quân chủ chuyên chế ở Nga của dòng họ Rômanôp kéo dài đến 300 năm, đã đưa đất nước đến khốn cùng. Đại thi hào Puskin ( 1799–1837) xuất thân là quý tộc củng phải thét lên: “Tôi muốn đạp vào những tật xấu gian tham đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng.” Dưới ngai vàng của triều đại cuối cùng Nicôla II: nông dân thì chết đói, công nhân chết gục, binh lính bị nhục hình, đó là tất cả những gì để kết luận: cách mạng Tháng 10 không phải là một “ ngẫu nhiên của lịch sử”. Năm 1905, cách mạng Nga lần thứ nhất đã nổ ra và bị tắm máu. Tháng 2 năm 1917 cách mạng Nga lần thứ hai lại nổ ra, tiêu diệt chế độ quân chủ chuyên chế Nga, Nicôla II thoái vị, nhưng chính quyền lọt vào tay giai cấp tư sản, thông qua chính phủ lâm thời do Kerenxki đứng đầu. Tám tháng giao tranh giữa tư sản và vô sản. Ngày 25 tháng 10 theo lịch Nga, tức 7–11 –1917, những loạt đại bác từ chiến hạm Rạng Đông nổ vang, mở đầu cuộc tấn công vào cung điện Mùa Đông ở Pêtrôgat, quân khởi nghĩa chiếm những mục tiêu quan trọng. 10 giờ sáng đài phát thanh Rạng – Đông phát đi lời kêu gọi của LêNin: “ Chính phủ lâm thời đã bị lật đổ, chính quyền nhà nước đã chuyển qua tay các cơ quan của Xô Viết đại biểu công nhân và binh sỹ Pêtrôgat… Sự nghiệp mà nhân dân đã đấu tranh để thực hiện: đề nghị ngay tức khắc một hòa ước dân chủ, xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất của bọn địa chủ, thiết lập chế độ công nhân kiểm soát sản xuất thành lập chính phủ Xô–Viết, sự nghiệp đó đã được bảo đảm.


“ Cách mạng của công nhân, binh sỹ và nông dân muôn năm !”. Ngay tối hôm đó, đại hội II toàn Nga các Xô–Viết đại biểu công nhân và binh sỹ họp đến tối hôm sau. Chính phủ công nông đã được thành lập do Lê Nin đứng đầu. Làn sóng cách mạng lan khắp nước. Chính quyền Xô–Viết được thành lập ở khắp nơi. Cách mạng Tháng 10 đã thành công rất mau chóng. Và đây là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất trong lịch sử nhân loại đến lúc đó.


Cách mạng Tháng 10 thành công trong một thời gian rất ngắn trên một đất nước bao la rộng lớn như nước Nga không phải là một “ ngẫu nhiên của lịch sử”, khát vọng ruộng đất, khát vọng hòa bình chấm dứt chiến tranh của nông dân, công nhân và binh lính nước Nga đã được Đảng Bôn–sê–vích tổ chức, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành thắng lợi.


Hai sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô–Viết là sắc lệnh hòa bình và sắc lệnh ruộng đất. Phải vượt qua rất nhiều trở lực, “ vô cùng nặng nề và vô cùng nhục nhã” như Lê Nin nói, nhưng đất nước đã được hòa bình: Hòa ước Brest Litốpxcơ được ký kết vào mùa xuân năm 1918. Hòa bình đã cứu sống cách mạng, là điều kiện phải có để tổ chức lại đất nước. Hãy bắt tay vào công cuộc “ tổ chức, tổ chức và tổ chức”, đó là khẩu hiệu của Lê Nin và những người Bôn–sê–vích lúc đó. Nhưng không để cho nhân dân kịp hồi sức, những kẻ thù của cách mạng Tháng 10 bên trong và một cuộc can thiệp của bốn đế quốc bên ngoài đã gây nên nội chiến, tháng 3 năm 1918 Anh, Pháp, Mỹ đã đánh vào Muocmanxcơ, Nhật đánh vào Vladivoxtoc, Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào Dacápcadơ. Cùng lúc đó, quân đội Tiệp Khắc do đồng minh tổ chức bạo loạn ở bên trong, gây ra tình thế trong đánh ra, ngoài đánh vào. Nước Cộng Hòa Xô Viết chỉ còn 1/4 lãnh thổ. Một mất một còn. LêNin tuyên bố: “ Cách mạng không đáng một xu nếu không bảo vệ được mình”. Hồng quân công nông được thành lập, 1/2 đảng viên Bôn–sê–vích ra mặt trận đã có sức thuyết phục lớn quần chúng. Cả nước dồn sức cho Hồng quân; Từ 300 nghìn đầu năm 1918 dã tăng lên 5 triệu vào năm 1920. Các biện pháp “ cộng sản thời chiến” được thực hiện, chính sách trưng thu lương thực, kỷ luật lao động bắt buộc được ban bố. Các vựa lúa mỳ bị kẻ thù chiếm, nạn đói hoành hành khắp nước. Tình cảnh nước Nga gần như tuyệt vọng. Nhưng dần dần những nổ lực phi thường của chính quyền Xô–Viết và quần chúng cách mạng, những nguy cơ hiểm nghèo nhất đã dần dần được vượt qua. Thắng lợi của nhà nước Xô–Viết non trẻ một phần quan trọng được nhờ sự ủng hộ của giai cấp vô sản các nước Phương Tây. Các cuộc mít–tinh, biểu tình, bãi công ở các nước nổ ra với khẩu hiệu: “ Không can thiệp vào nước Nga”. Ở nhiều bến cảng, công nhân từ chối khuân vác vũ khí xuống tàu đi đánh nước Nga. Ngay cả thủy thủ củng phản chiến.


Hiểm họa được đẩy lùi nhưng nước Nga bị tàn phá và nghèo khó đến tận cùng. Không một ngành công nghiệp nào còn hoạt động bình thường. Thành thị vơi hẳn người, hàng loạt công nhân trở về nông thôn kiếm miếng ăn. Giai cấp vô sản Nga gần như tan rã. Giao thông vận tải đình đốn. 31 đoạn đường sắt ngừng hoạt động. 1700 km đường sắt bị phá hoại. Hầu hết đầu máy hư hỏng. Lạm phát kinh khủng. Nhiều nơi chuyển từ trao đổi bằng tiền sang trao đổi bằng hiện vật. Ở tỉnh Cadan, lấy muối làm tiền. Bạo loạn nổ ra ở Krônxtat. Nạn đói đặc biệt nghiêm trọng ở vùng phía đông nước Nga. Báo Pravda công bố 25 triệu người đói. Aragông viết: “ Trên một lãnh thổ rộng lớn hơn nước Pháp, đất đai nứt nẻ… trẻ con bụng ỏng, răng lòi chân ra, và những con người gầy đét kéo nhau đi , những người đàn ông rên rỉ vì bệnh sốt, đàn bà thì tóc cạo nhẵn, quỳ gục xuống trên đường, những đoàn người gồm các gia đình kéo nhau đi, dường như ở đâu đó có bánh đợi họ… đường sá đầy những xác chết…” ( U.R.S.S Paris 1962. Trang 211).


Chính quyền Xô–Viết đứng trước những thử thách quá mức tưởng tượng, đã dốc hết sức lực của mình để cứu vãn tình thế. Từ một nước tư bản trung bình, sau nội chiến, nước Nga quay về một nước tiểu nông.


Chính sách kinh tế mới ( NEP ) của Lê Nin ra đời trong hoàn cảnh đó nhằm giành lại quần chúng công nông, không đẩy họ về phía thù địch. Chính sách đó được đại hội X của Đảng cộng sản Nga nhất trí thông qua và đưa vào thực hiện ngay, chính sách thu mua lương thực thừa thời chiến được bãi bỏ. Các xí nghiệp tư nhân được phép hoạt động. Các xí nghiệp vừa và nhỏ của nhà nước có thể cho tư nhân thuê. Tư bản nước ngoài được bỏ vốn vào sản xuất trong nước dưới hình thức tô nhượng, thuê chuyên gia nước ngoài làm việc cho Nga. Kinh tế quốc doanh áp dụng triệt để hạch toán kinh tế và gắn tiền lương vào lao động của mỗi người. Nhà nước đưa dự trữ vàng ra nước ngoài mau vật liệu và máy móc, mua những hàng tiêu dùng thiết yếu và đón nhận viện trợ từ nước ngoài. Hàng triệu pút lúa mỳ được gửi đến nước Nga. Lê Nin đề ra khẩu hiệu: “ Phải học buôn bán!”.


Nhưng chính sách kinh tế mới lại nảy ra tình trạng đặc quyền đặc lợi, nạn hối lộ, quan liêu thoái hóa, nạn mua chuộc các viên chức Xô Viết… Cuộc thanh đảng năm 1921 đã được thực hiện kiên quyết với sự tham gia tích cực của quần chúng công nông. 24% tổng số đảng viên lúc đó đã bị khai trừ. Kỷ luật đảng được củng cố, uy tín của đảng Bôn–sê–vích được nâng cao. Với chính sách kinh tế mới, công cuộc khôi phục kinh tế tiến rất nhanh. Quần chúng được hồi sức đã nô nức sản xuất. Lương thực đã đủ cung cấp cho đất nước, giá lúa mỳ năm 1923 thấp hơn trước chiến tranh, sản xuất công nghiệp đạt 3/4 trước chiến tranh, nước Nga sống lại, năm 1925 công cuộc khôi phục kinh tế hoàn thành. Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết ( Liên Xô ) được thành lập trong thời kỳ này ( 1922). Nhà nước nhiều dân tộc và không có áp bức dân tộc đầu tiên trên thế giới ra đời.


Nhưng khi đất nước bắt đầu lấy được đà tiến lên mạnh mẽ thì Vi-la-đi-mia I-lích Lê Nin qua đời. Trước khi mất, trong khi dưỡng bệnh ( bị thương vì bị ám sát trước đó ) Lê Nin mới chỉ phác họa ra những đường hướng chủ yếu của công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô. Ngày nay, những nhà nghiên cứu lịch sử, nhìn lại sự phát triển của Liên Xô từ sau khi Lê Nin mất, dù ở góc độ nào, củng không thể không đồng cảm về sự mất mát này với sự phát triển của Liên Xô.


Với sự nhìn nhận tinh tường, trước khi mất, Lê Nin đã đề nghị ( di chúc ) với Đại hội XIII của Đảng cộng sản Liên Xô: “ Stalin quá thô bạo, trong hoàn cảnh có thể dung thứ được trong môi trường chúng ta, trong quan hệ giữa người và người cộng sản chúng ta, nhưng lại trở thành một nhược điểm không thể dung thứ được trong cương vị tổng bí thư. Vậy tôi để nghị các đồng chí chuyển Stalin khỏi cương vị đó và cử một người khác vào cương vị đó, một người mà về mọi phương diện khác trội hơn Stalin ở một ưu điểm duy nhất, cụ thể là khoan dung hơn, từ tốn hơn, lịch thiệp hơn và quan tâm đến đồng chí nhiều hơn, tính tình ít thất thường hơn…” ( Lê Nin toàn tập, tập 45, trang 396 – 397, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1978 )


Đầu năm 1926 thì các ngành kinh tế quốc dân đã trở lại hoạt động bình thường ở mức trước chiến tranh, những cơ cở đầu tiền của chủ nghĩa xã hội ra đời và phá triển. Nhà nước nắm trong tay giao thông vận tải, ngoại thương… Trên cở sở đó, Đảng cộng sản Liên Xô nghĩ tới một xã hội xã hội chủ nghĩa mà họ hằng mơ ước. Liên xô phải đứng vững trước vòng vây của chủ nghĩa tư bản. Muốn thế phải công nghiệp hóa đất nước. Đại hội lần thứ XIV của Đảng cộng sản Liên Xô tháng 12 năm 1925 đã thông qua nghị quyết về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chủ yếu nhằm vào các ngành công nghiệp nặng. Đây là một công việc cực kỳ khó khắn, vì công nghiệp nặng đòi hỏi nhiều vốn, không sinh lời ngay. Khác hẳn với các nước tư bản, công nghiệp hóa từ xây dựng công nghiệp nhẹ, sinh lời ngay. Đảng cộng sản Liên Xô đã động viên nhân dân tích lũy vốn bằng sự chịu đựng gian khổ, lao động quên mình, nhà nước đã đầu tư hàng tỷ rúp vào công nghiệp nặng.


Từ năm 1928, Liên Xô chuyển sang kế hoạch 5 năm để thực hiện tốt hơn công nghiệp hóa. Cuối năm 1932, kế hoạch 5 năm đầu được thực hiên xong. Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 đã hoàn thành trong vòng 4 năm 3 tháng , vào tháng 4 năm 1937. Liên Xô đã trở thành một cường quốc công nghiệp lớn sau hơn 15 năm công nghiệp hóa, đứng đầu Châu Âu về tổng sản lượng công nghiệp, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Công việc này các nước Phương Tây như Anh phải mất 200 năm tích lũy mà “ mỗi lỗ chân lông của nó thấm đẫm máu và nước mắt” ( Marx ), Mỹ phải mất 120 năm, Nhật mất 40 năm… Sự thành công rực rỡ của Liên Xô công nghiệp hóa đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên. Cách mạng Tháng Mười Nga đã trở thành một sự kiện lớn của thời đại, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chính trị và văn hóa của nhân loại nhiều thập kỷ của thế kỷ 20. Nó giải thích vì sao có một thời phong trào thiên tả, kỳ vọng ở Liên Xô, xem Liên Xô là “ cái nôi” của cách mạng xã hội loài người đã lan rộng trong giới trí thức Phương Tây, điển hình như triết gia Jean Paul Sartre ở Pháp, BerTrand Russel ở Anh, Jane Fonda ở Mỹ... Đề tài cách mạng Tháng Mười Nga và nước Nga Xô Viết chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của nhiều nhà văn Phương Tây như Jôn Rít ở Mỹ, Hăngri Bácbuýt, Pôn Vaiăng Cuturiê, Rômanh Rôlăng ở Pháp, Béckherơ ở Đức, Bécna Sô ở Anh… Bản thân cuộc sống đã cho phép họ nói đến cách mạng XHCN như một hiện thực trong tồn tại và phát triển. Hẳn nhân loại còn nhớ, nhà văn nổi tiếng của Pháp là Anatole France đã giành toàn bộ số tiền của giải thưởng Nobel để tặng cho quỷ cứu đói của nước Nga Xô Viết trong những năm sau nội chiến.


Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét