VNTB- ‘Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém’: Vì sao nhiều quan chức ‘bỏ chạy’?
Reply
‘Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém’: Vì sao nhiều quan chức ‘bỏ chạy’?, news, opposite,Thiền Lâm, VNTB
1.11.17
Thống đốc Lê Minh Hưng than khó tìm người tài, đức để tái cơ cấu ngân hàngẢnh: Người Lao Động
Thiền Lâm
Cali Today
Vào đầu kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017, lần thứ hai trong năm đã rộ lên thông tin “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng than cán bộ từ chối tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém”.
Ngành ngân hàng đang bước vào thời kỳ “khủng hoảng ngược về nhân sự”. Đang có những dấu hiệu cho thấy kẻ chạy ra có chiều hướng cân bằng với người chạy vào.
Một dân biểu quốc hội là ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) tiết lộ rằng VietinBank hiện có rất đông cán bộ tham gia tái cơ cấu 2 ngân hàng 0 đồng là OceanBank và GPBank, nhưng “tình cảnh của số cán bộ này là hết sức vất vả, khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không có trong khi phải thực hiện công việc rất nặng nề, nhiều công việc luật chưa quy định rõ ràng, ranh giới giữa trách nhiệm và chịu trách nhiệm rất mong manh”.
Vào thời “ăn nên làm ra” khi còn Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngân hàng được xem là một ngành có tỷ suất lợi nhuận cao và đặc quyền, dẫn đến không khí chạy chức ngân hàng rất sôi động và tốn kém. Nhưng từ sau vụ Bầu Kiên của Ngân hàng ACB bị bắt vào năm 2012, sự phấn khích làm lãnh đạo ngân hàng giảm dần. còn gần đây, thậm chí còn có hiện tượng lãnh đạo ngân hàng xin “rút trước tuổi”.
Trong thực tế, nhiều cán bộ được phân công tham gia tái cơ cấu ngân hàng đã từ chối khi được phân công, còn nếu bị điều sang rồi thì xin thôi nhiệm vụ, chuyển đi nơi khác.
Vì sao lại có hiện tượng ngược ngạo về nhân sự như thế?
Vụ Bầu Kiên tuy nặng nề nhưng ACB vẫn còn tồn tại được, chỉ bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” chứ không đến nỗi phá sản. Nhưng đến giai đoạn 2014 – 2015, có đến 3 ngân hàng có vốn điều lệ loại trung bình là Ngân hàng Xây Dựng của Phạm Công Danh, Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu của Nguyễn Xuân Sơn đổ bể với số nợ xấu lên đến 20 ngàn tỷ đồng, cao gấp đôi tổng vốn điều lệ chỉ có 10 ngàn tỷ đồng của cả ba ngân hàng này. Án được tung ra và cả Danh, Thắm và Sơn đều bị bắt. Nếu không được Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo mua lại với giá 0 đồng, cả 3 ngân hàng này về thực chất đã phá sản.
Tuy nhiên cho tới nay, việc “tái cơ cấu” 3 ngân hàng trên vẫn bế tắc. Từ tình trạng chẳng ai biết Ngân hàng nhà nước lấy nguồn tiền nào để mua lại giá 0 đồng 3 ngân hàng này, cho đến tình trạng các ngân hàng này vẫn tiếp tục lỗ, Phạm Công Danh bị tù vài chục năm, Hà Văn Thắm bị án chung thân, còn Nguyễn Xuân Sơn phải chịu tử hình… càng khiến cho tâm lý “cán bộ tái cơ cấu” thêm khủng hoảng. Giới doanh nhân ngày càng thấm thía hơn triết lý “phù thịnh chứ ai phù suy”. Lao vào mấy cái ngân hàng phá sản kia, làm được thì không ai khen, còn không được thì coi chừng lại bị công an tóm”. Ngu gì!
Nhưng vẫn còn một nguồn cơn khác mà khiến ngành nhân sự lãnh đạo ngân hàng ngày càng mất giá: “cứ sân sau là dễ vào tù như chơi”.
Những anh chủ ngân hàng nhỏ lẻ, vốn có thói quen rụt đầu mỗi khi phải nói về một câu chuyện nào đó đầy nhạy cảm, chỉ e hèm rằng biết thân biết phận thì kinh doanh là kinh doanh, chứ đừng ham hố gì mà đi kinh doanh chính trị. Không vào khám thì thôi, chứ đã vào thì cái tội lớn nhất có khi chẳng phải là “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” hay “cả tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa,” mà chẳng ai nói ra nhưng ai cũng hiểu là các vị ấy lao mình vào cuộc tranh chấp quyền lực giữa các anh Hai, anh Ba, anh Tư… và tự nguyện trở thành “sân sau” cho các anh ấy. Thời buổi đảo điên, phe này bắt người phe kia là “chuyện thường ngày ở huyện.”
Không ai có thể đoan chắc số phận của giới chủ ngân hàng sẽ ra sao. Không chỉ nợ xấu và lỗ lã, quy luật bắt ngân hàng lại tỉ lệ thuận với xu thế đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng. Trong suốt một thời gian dài trước đây, không ít chủ ngân hàng đã dính dáng đến các “sân sau” của giới lãnh đạo, gây nên mối hằn thù giang hồ không thể nào bỏ qua được nữa. Sự hình thành các phe nhóm, phe phái quyền lực cũng đồng thời với xu hướng tung tóe các vụ bắt bớ lẫn nhau theo phương châm “triệt kinh tế.”
“Người giàu cũng đổ lệ” chính vào lúc Hà Văn Thắm bị còng tay, để cũng như Bầu Kiên, Thắm không thể hiểu nổi vì sao đã “quan hệ” với đủ cửa, đã “mua” không ít người mà vẫn còn bị còng tay.
Nhưng anh em trong giới ngân hàng lại xì xầm (chỉ là xì xầm thôi) về những “tay tổ” nào đó còn to bự hơn cả những ông chủ nhà băng phải vào khám. Đó là những tay chỉ nghe bóng không thấy hình, là một thế giới thực sự nằm sâu dưới lòng đất nhưng có thể “làm luật” đến cả trời cao.
2016 là một năm đại hạn cho giới chủ ngân hàng ở Việt Nam. Nhưng chưa phải hết.
2017 còn ghê gớm hơn khi ngay cả Trầm Bê – nhân vật từng được dư luận cho là “không thể bị bắt” vì là “tay hòm chìa hóa của gia đình anh Ba Dũng”, đã bị bắt vào tháng Tám.
Số quan chức “tái cơ cấu ngân hàng” sợ và tháo chạy cũng phải. Bây giờ, không một “sân sau” nào còn an toàn.
Sắp tới đây, chính phủ sẽ “quyết” chuyện phá sản ngân hàng. Khi đó, sẽ có thêm nhiều gương mặt phải ra đi, sẽ lòi thêm nhiều chuyện “hay ho và bổ ích”. Và có thể sẽ bùng nổ một cơn tháo chạy cuống cuồng khỏi khu vực ngân hàng màu mỡ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét