Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017
Phình to bộ máy và tinh giản biên chế ở Bộ Công an
Phình to bộ máy và tinh giản biên chế ở Bộ Công an
Đăng bởi Ha Tran on Wednesday, October 11, 2017 | 11.10.17
Bộ Công an đang tập trung xây dựng đề án riêng để tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế để sớm trình Bộ Chính trị.
Thông tin này được nhiều báo đăng tải trong ngày 9/10, tuy nhiên đề án và việc tiến hành đã thực hiện cách đây gần 1 năm.
Biệt đãi khiến lực lượng công an trở thành ngành tăng trưởng nóng trong xã hội Việt Nam
Phình to và ủng hộ chính trị
Cụ thể, việc sáp nhập các phòng ban đã được lên kế hoạch, hay công an nghĩa vụ không mặc định phải vô ngành mà buộc phải trải qua kỳ thi bắt buộc. Gần nhất đây, vào tháng 3/2017, Bộ Công an ra quy định, hệ Cao đẳng, và Trung cấp khối trường công an sẽ không tuyển học sinh phổ thông, đồng thời chỉ tiêu đại học cũng giảm 50% so với năm 2016.
Trước đó, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc từng chia sẻ với báo đài rằng, số lượng công an ở Việt Nam hiện nay lên đến 600 ngàn người, và đây là nguyên nhân khiến nguồn chi ngân sách quốc gia rơi vào thực trạng “nghèo nhưng vung tay quá trán”.
Bản thân ông TBT Nguyễn Phú Trọng trong buổi khai mạc HNTW 6 đã phải sử dụng cụm từ “biên chế ngày càng phình to” khi đề cập đến tổ chức bộ máy hiện tại, được cho là cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, chức năng,…
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong nền chính trị do một Đảng lãnh đạo hay khi mà lực lượng vũ trang không bị phi chính trị hóa như hiện nay, thì tìm lấy sự ủng hộ của đội ngũ công an hay quân đội chính là đảm bảo chắc chắn sự ủng hộ tuyệt đối về mặt chính trị, và vì thế mà ưu đãi cho đội ngũ lực lượng vũ trang nhân dân trở thành một tiền đề để đảm bảo ghế ngồi của các lãnh đạo cấp cao nhất trong đảng và nhà nước.
Một ví dụ điển hình là thời ông Nguyễn Tấn Dũng, lực lượng công an, thanh bảo kiếm của Đảng được biệt đãi khá lớn. Và cũng chính giai đoạn này, bộ máy tổ chức của công an phình to. Cụ thể, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định số 77/2009 về quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, mở rộng 6 Tổng cục của Bộ Công an thời điểm đó (An ninh Nhân dân, Cảnh sát Nhân dân, Xây dựng Lực lượng, Hậu cần, Tình báo, Kỹ thuật) thành 8 Tổng cục (An ninh 1, An ninh 2, Xây dựng Lực lượng, Hậu cần-Kỹ thuật, Tình báo, Cảnh sát Phòng-chống Tội phạm, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp). Đây là thời điểm “biên chế” và chạy chọt vào công an nở rộ.
Tiếp đó, ông Thủ tướng chiếm quyền Chủ tịch nước (vốn được ghi nhận tại Khoản 9, Điều 103, Hiến pháp 1992) để ra Quyết định công bố phong quân hàm cấp tướng cho 48 sỹ quan cấp lãnh đạo trong ngành Công an (24/12/2012).
Sự gia tăng lực lượng “biên chế” bên quân đội cũng không chịu thua, khi mà “nhu cầu” phong tướng trong quân đội được ông Đại tướng Phùng Quang Thanh bảo vệ bằng luận điểm “cho anh em khỏi tâm tư”, cũng như chia sẻ quan điểm của anh em quân đội rằng: Anh em có ý kiến rằng công an lên thì quân đội cũng phải lên.
Thế là cả quân đội lẫn công an đều lạm phát biên chế, hàm,... Và cùng với 2,5 triệu biên chế các ngành khác cộng lại, quân đội và công an đã góp đẩy vấn đề tài khóa của nhà nước đến mức báo động đỏ.
Khó nhưng vẫn làm
Những “biệt đãi” đối với đội ngũ công an viên và lực lượng quân đội viên đã là một bài toán khó, bởi nếu tiếp tục duy trì sự tăng trưởng lực lượng này như hiện nay thì ngân sách nhà nước sẽ không gánh nổi, hoặc buộc phải giảm thiểu mức độ “biệt đãi” lại. Sự thay đổi nào diễn ra cũng đều là bất lợi với chế độ chính trị hiện tại, bởi nó sẽ khiến thanh gươm – lá chắn sẽ dễ dàng lung lay “thái độ chính trị” đối với chế độ.
Do đó, việc bóp chặt đầu vào để giữ mức biệt đãi nguyên cho lực lượng vũ trang là một giải pháp cân đối, phù hợp. Điều này hàm nghĩa, việc tinh giản biên chế là việc phải làm để nuôi sống lực lượng này trong tương lai (nhất là đối với lực lượng công an), chứ không làm mất đi tính cai trị (công an trị) về mặt xã hội như nhiều người đang hiểu sai.
Trở lại với vấn đề, việc tinh giảm trong bộ máy công bóp chặt đầu vào từ năm 2016 đối với lực lượng này, tiến hành thêm một đợt sáp nhập lại các phòng, ban có liên quan.
Đây là xu thế tất yếu, nó biểu thị rõ nguồn ngân sách quốc gia thực sự có vấn đề, và khi đó những đứa con thân yêu nhất của ĐCSVN sẽ buộc phải bị cắt giảm, nếu không muốn rơi vào thảm cảnh “đói lương”.
Đối với ĐCSVN, liệu đây có phải là một hướng bắt buộc, nhưng không nhằm để tinh gọn bộ máy, mà nhằm đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ đói kém? Bởi ngay với lực lượng công an, chỉ trong vòng 2 năm (2012 - 2014), lực lượng công an này đã tách Tổng cục ra 6 thành 8, sau đó lại sáp nhập lại từ 8 thành 6.
Cần phải nhắc lại, trong tác phẩm “Vietnam: How Large is the Security Establishment?” (Bộ máy Công an của Việt Nam lớn cỡ nào?) của Giáo Sư Carl Thayer, ước tính, Việt Nam có 6,2 triệu người, tức là 11,7% tổng số dân lao động. Trước đó, vào năm 2010, tác giả Bill Hayton trong cuốn “Vietnam: Rising Dragon” (Con rồng đang lên) cũng đưa ra một con số cho biết, có 1/6 dân Việt Nam là công an.
Tiếp đó, phía công an đã có đề án, vậy còn phía quân đội thì sao? Hay là vẫn sẽ cứ duy trì lực lượng như cũ, nhưng gia tăng hoạt động ở các tập đoàn kinh tế quân đội chủ chốt nhằm “bồi chi”? Đồng nghĩa sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động quân đội làm kinh tế trong tương lai?
Đó là câu hỏi không dễ trả lời đáp, nó vừa dựa vào yếu tố kinh tế (ngân sách như thế nào), vừa dựa vào tính chính trị (bè phái, cá nhân chính khách muốn lấy lòng lực lượng vũ trang ra sao) trong thời gian tới, một thời kỳ biến động.
Kỳ Lâm
(VNTB)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét