Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Thời gian đang là kẻ thù của ngân sách Việt Nam


VNTB- Thời gian đang là kẻ thù của ngân sách Việt Nam
Reply
news, opposite, Phạm Chí Dũng, Thời gian đang là kẻ thù của ngân sách Việt Nam,VNTB
14.8.17
Phạm Chí Dũng


Người Việt 13/8/2017







Trong bối cảnh các nguồn “ngoại lực” từ nước ngoài vào Việt Nam bị giảm sút trầm trọng, năm 2017 này rất có thể còn phải chứng kiến một chấn động về hụt thu ngân sách so với dự toán: 11%.
Hụt thu kỷ lục


Những con số được Tổng Cục Thống Kê công bố cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15 Tháng Bảy ước tính đạt 584.6 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng 48.2% dự toán năm.
Có thể cho rằng đây là kết quả thu thấp hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây. Bởi vì vào những năm trước, kết quả thu thường đạt đến 49% hoặc thậm chí vượt hơn 50% sau sáu tháng đầu năm.
Với tiến độ thu như hiện thời, năm 2017 có thể chứng kiến một tỷ lệ hụt thu kỷ lục so với dự toán: 11%.
Ðáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trong sáu tháng đầu năm 2017 là 95,000 tỷ đồng, chỉ bằng 33.2%. Ðây là chỉ số thu thấp nhất nếu so sánh với các khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.
Nếu đối chiếu giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân mới thấy: Khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách, nhưng lại hoạt động quá tệ. Ít nhất 30% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối này chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội. Gần như ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 1/3 tài sản, chẳng mấy được ưu đãi về tín dụng và chỉ có thể “hớt cặn” vốn ODA, lại còn bị phân biệt đối xử đủ đường, nhưng lại tạo ra đến 2/3 tổng sản phẩm xã hội.
Nhưng trong những năm qua, rất nhiều dự án vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước đã bị “trùm mền” và gây thất thoát nghiêm trọng. Cho tới nay, ít nhất có 12 dự án “trùm mền” như thế với số lỗ nhiều ngàn tỷ đồng.
Song bất chấp thực trạng khó chữa trên và khi hơi thở khủng hoảng toàn diện đang phả hầm hập vào gáy chế độ, đến năm 2017, nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN cầm quyền vẫn khư khư ôm ấp doanh nghiệp nhà nước cùng vai trò chủ đạo của nó, trong lúc chỉ hé miệng đôi chút về “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.”
Một trong những “hố đen” khác trong thu ngân sách chính là phát “trái phiếu chính phủ.” Nếu những năm trước cơ chế tài chính này vẫn thường “vắt” được của giới ngân hàng thương mại đến 280,000 tỷ đồng, thì năm 2017 đã phải giảm chi tiêu này xuống còn 180,000 tỷ đồng, tức sụt đến hơn 30%.
Hơn 30% cũng là tỷ lệ sụt giảm của lượng kiều hối của “kiều bào ta” gửi về quê nhà trong năm 2016 so với năm 2015, từ $13.5 tỷ đã rớt xuống còn $9 tỷ.
Sau sáu tháng đầu năm 2017, chỉ có duy nhất con số kiều hối về Sài Gòn được công bố: khoảng $2.1 tỷ.
Với cái tên cũ là Sài Gòn và là địa chỉ đã được ước tính có đến vài triệu người có thân nhân ở nước ngoài, thành phố này thường tập trung đến 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Luôn có thể hiểu rằng nếu lượng kiều hối về Sài Gòn giảm thì kiều hối chảy vào Việt Nam tất yếu giảm theo. Một khi kiều hối về Sài Gòn trong sáu tháng đầu năm 2017 không khả quan thì luôn có thể hình dung kiều hối trên bình diện quốc gia thậm chí còn giảm nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ðây có thể là nguồn cơn sâu xa khiến các cơ quan thống kê “thất vọng” đến mức quá chậm trễ công bố số liệu thống kê về kiều hối của sáu tháng đầu năm 2017.
Trong một cố gắng có thể hiểu gần như cuối cùng, chính phủ đã chỉ đạo Tổng Công Ty Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) bán hết 137 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến năm 2020.
Nhưng trong thực tế, SCIC có bán được vốn nhà nước để cứu vãn ngân sách đang có nhiều dấu hiệu cạn kiệt?
Ngay trước mắt, SCIC chỉ có thể bán được 37 trong tổng số 137 doanh nghiệp muốn tống táng. Số doanh nghiệp còn lại, gọi là doanh nghiệp hạng C, là không bán được. Thậm chí, một số doanh nghiệp cấp địa phương dù được chào mời đến lần thứ ba, vẫn không bán được.
Cần nhắc lại, kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước khỏi các thị trường bất động sản, chứng khoán đã được chính phủ phát động từ năm 2013 và dự trù sẽ hoàn thành vào năm 2015. Nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ thoái vốn được hơn 50% số cần thoái vốn. Mà như vậy, làm sao các doanh nghiệp này thu đủ tiền để chuyển trả lại ngân sách Bộ Tài Chính một khi SCIC muốn bán sạch vốn nhà nước?
Trong khi đó, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy năm nay.
Vào giữa năm 2017, một lần nữa giới chuyên gia nhà nước và quan chức lại khơi gợi “làm sao để huy động vàng và đô la trong dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”…
Ngân sách khốn quẫn thật rồi!
Bội chi không hề thuyên giảm
Kết thúc sáu tháng đầu năm 2017, chính phủ và các bộ ngành kinh tế cùng hệ thống tuyên giáo phấn khích đưa tin “Bội chi ngân sách thấp nhất trong sáu năm trở lại” – như một cách tung hô thành tích của chính phủ thời Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng có thực như vậy không?
Một số chuyên gia kinh tế lại phân tích theo một chiều kích phản ngược: bội chi sáu tháng đầu năm 2017 “giảm hẳn” là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước…
Bởi vì trong cơ cấu chi ngân sách, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 83.3 ngàn tỷ đồng, tương đương với 23.3% dự toán năm và chỉ chiếm 15.6% tổng chi.
Rất đáng chú ý là trong khi đó, chi thường xuyên vẫn đạt 44.5% so với dự toán, tương đương 398.9 ngàn tỷ đồng. Tốc độ tăng chi thường xuyên thậm chí còn có xu hướng gia tăng về mặt danh nghĩa (2015: 7.3%, 2016: 5.2%, 2017: 9.8%).
Ðồng thời, chi trả nợ gốc và lãi lần lượt đạt 88.1 và 50 ngàn tỷ đồng, tương ứng đạt 53.8% và 50.5% dự toán. Các khoản chi này cho thấy áp lực trả nợ của chính phủ đang ngày càng tăng cao.
Như vậy, nếu thực tế giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra theo đúng kế hoạch của chính phủ, bội chi ngân sách trong sáu tháng đầu năm 2017 sẽ là con số bằng với số bội chi hiện hữu 32,000 tỷ đồng cộng với số chi đầu tư phát triển khoảng 90,000 tỷ đồng, tức khoảng 120,000 tỷ đồng, tương đương bội chi sáu tháng đầu năm 2016 mà chẳng hề giảm đi chút nào.
Cần nhắc lại, bội chi ngân sách năm 2016 là khoảng 5% GDP, bằng đúng ngưỡng “cho phép” theo tiêu chí quốc tế.
Vào năm 2013, bội chi ngân sách nhà nước đã đến mức kỷ lục: 6.6%.
Vào năm 2014, lần đầu tiên thủ tướng bị coi là “phá chưa từng có” – Nguyễn Tấn Dũng – phải ra trước Quốc Hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4.7% lên 5.3%.
Còn vào năm 2015, một “tin vui” đã xảy đến với bộ mặt chính trị quốc gia: Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm đó “chỉ có” 6.1% GDP, chỉ thấp hơn đôi chút mức bội chi ngân sách 6.6% GDP của năm 2013.
Khác hẳn những năm trước, ngân sách trung ương giờ đây đang chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn.
Ðó cũng là nguồn cơn chính yếu để gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực chính phủ Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017: “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và đặc biệt là ông cảnh báo tương lai “sụp đổ tài khóa quốc gia.”
Kể từ cơn khủng hoảng giá-lương-tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Gần đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
Cận cảnh đang lờ mờ hiện ra là ngân sách Việt Nam sẽ bị vỡ nợ hệt như Argentina hai lần vào năm 2001 và 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét