Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Lịch sử và giải ảo lịch sử


Mạnh Kim - Lịch sử và giải ảo lịch sử

Đăng bởi Elvis Ất on Monday, August 28, 2017 | 28.8.17



Chưa đọc “công trình sử học” của bộ “Lịch sử Việt Nam” do Trần Đức Cường chủ biên nên không thể nói nhiều về nó nhưng qua những gì báo chí nhắc đến, dường như có rất nhiều vấn đề lịch sử gây thắc mắc dai dẳng chưa thấy được đề cập. Cái mà “bọn phản động” gọi “Công hàm bán nước 1958” là gì, nó được ký trong hoàn cảnh nào và ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc đàm phán và đồng ý để Phạm Văn Đồng ký. Cá nhân Phạm Văn Đồng dĩ nhiên không thể tự quyết. Thực chất Công hàm này có “bán nước” như cách nghĩ phổ biến hay không. Hà Nội được gì hoặc mất gì khi ký Công hàm này. Còn vô số bí mật chính trường giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn trước lẫn sau 1945, không biết các “soạn giả” viết như thế nào. Độc giả có thể tự hỏi rằng, nếu xem việc viết sử là minh định sự thật lịch sử bằng nhãn quan của sự thật và chỉ sự thật mà thôi thì bộ sử này có bao nhiêu phần trăm sự thật được phép viết ra và bao nhiêu phần trăm dối trá được quyền tiếp tục che đậy.


Còn là vấn đề quan điểm. Nếu nói chính quyền VNCH là tay sai của Mỹ thì liệu có thể nói chính quyền Hà Nội là tay sai của Trung Cộng được không. Nếu nói VNCH dùng tiền Mỹ và vũ khí Mỹ để đánh phá miền Bắc thì miền Bắc nhập bao nhiêu vũ khí Trung Cộng và sử dụng bao nhiêu cố vấn quân sự Trung Cộng để tấn công miền Nam. Nếu nói Ngô Đình Diệm là bù nhìn của Mỹ thì Hồ Chí Minh có làm bù nhìn cho Bắc Kinh không? Khi nói các chuyến công du Mỹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm là thực hiện vai trò chư hầu thì những chuyến gặp gỡ của Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông là có khác biệt gì không, nếu không phải với tư cách chư hầu. Nếu nói Mỹ thao túng chính trường Sài Gòn thì Bắc Kinh có giật dây cho các cuộc sắp xếp nhân sự chính trường Hà Nội không… Lịch sử nằm bất định và cần nhìn nó bằng lăng kính nhiều chiều chứ không phải tự ý di dịch nó để phục vụ “chính kiến” của “sử nô”.


Có rất nhiều góc tối cần được lôi ra ánh sáng giải ảo. Chẳng hạn vai trò Hồ Chí Minh trong hai sự kiện chấn động miền Bắc: Cải cách ruộng đất và Nhân văn giai phẩm. Cả hai sự kiện xảy ra ở giai đoạn mà Hồ Chí Minh đang ở đỉnh cao quyền lực. Hồ Chí Minh có vai trò gì trong các “vụ án Nguyễn Hữu Đang” hay “vụ án Nguyễn Mạnh Tường”? Với cơ chế phân bổ quyền lực và giám sát của đảng cộng sản, khó có thể nói Hồ không biết gì hoặc không có vai trò gì trong hai sự kiện trên và không có ảnh hưởng gì đối với các nhân vật liên quan trong hai sự kiện khủng khiếp trên. Nhân vật “bịt râu” đi xem cuộc hành quyết man rợ bà Nguyễn Thị Năm có phải là Hồ Chí Minh như được thuật trong “Đèn Cù” của Trần Đỉnh?


Lịch sử đảng có phải là lịch sử của sự thật và chỉ duy nhất sự thật, hay là “lịch sử” của những giai thoại được thêu dệt như những câu chuyện cổ tích dân gian với dữ liệu và sự kiện không bao giờ có thể kiểm chứng? Trong các quyển sử thế giới viết về Hồ Chí Minh, không thấy quyển nào kể lại những chi tiết “thú vị” và “sống động” chẳng hạn Hồ tự sưởi ấm bằng những viên gạch hay việc ông ta có thể nói gần 30 thứ tiếng.


Lịch sử không phải là truyện cười. Lịch sử cần được viết nghiêm túc và không bằng “chất liệu” của giai thoại. Khi thiếu chứng cứ để thuyết phục niềm tin, lịch sử trở thành những pho sách lố bịch thậm chí ít giá trị hơn cả tiểu thuyết hư cấu. Cho dù được viết bằng nhãn quan nào, ít nhất, lịch sử cũng cần phải có phẩm giá của nó.

Mạnh Kim

(FB Mạnh Kim)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét