Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017
Việt Nam bị ảnh hưởng gì từ vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình…?
Việt Nam bị ảnh hưởng gì từ vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình…?
Đăng bởi Ha Tran on Thursday, August 24, 2017 | 24.8.17
Trong những ngày này, dư luận ở khắp nơi đặc biệt là người Việt năm Châu đang hướng về một vụ kiện mang tầm quốc tế giữa nguyên đơn là doanh nhân người Hà Lan gốc Việt ông Trịnh Vĩnh Bình và bị đơn là Chính phủ Cộng sản Việt Nam (CSVN), hiện phiên xử đang diễn ra tại Paris (Pháp) kéo dài từ ngày 21/08 đến ngày 31/08/217. Câu hỏi đặt ra là liệu vụ kiện này nó tác động như thế nào đến hiện tình đất nước Việt Nam?…
Nhà báo Tường Yên, nhân vật trong bài viết (ảnh; facebook Lữ Thị Tường Yên)
Ngoại trừ những bài báo hiếm hoi được đăng tải trước đây thì trong những ngày này tại Việt Nam với hơn 850 cơ quan báo chí in, hơn 650 tạp chí và hơn 200 trang thông tin điện tử lại không có một dòng thông tin về vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ CSVN ra Tòa án quốc tế. Và phiên xử hiện đang diễn ra tại Paris, thủ đô nước Pháp dự kiến kéo dài từ ngày 21/08 đến ngày 31/08/2017 kết thúc. Vì lẽ này mà đông đảo người dân Việt Nam ở trong nước nếu không tìm hiểu từ các trang báo “lề trái” hoặc báo đài Việt Ngữ quốc tế thì hoàn toàn mù mịt thông tin, mơ hồ về vụ kiện và sẽ không biết chính xác phiên xử diễn ra như thế nào?
Chia sẻ với Cali Today, nhà báo Tường Yên và cũng là nhà hoạt động Nhân quyền người Hà Lan gốc Việt cho biết đã có mặt tại Paris vào sáng ngày 21/08, cùng với một số người Việt ở vài nơi tụ họp về tổ chức biểu tình và làm truyền thông trực tiếp phiên xử ở bên ngoài trụ sở Tòa Trọng tài quốc tế số 112 Ave Kleber -75016 Paris. Những biểu ngữ mà người biểu tình đem đến không chỉ hướng về cá nhân ông Trịnh Vĩnh Bình mà còn hướng về Việt Nam. Những bài hát; “Anh là Ai”, “Dậy mà đi!” hoặc “Trả Lại Cho Dân” bằng lời Việt ngân vang giữa đường phố Paris khiến không khí vốn hào hứng càng thêm hào hứng, như có một niềm tin là vụ kiện này sẽ làm thay đổi bộ mặt của xã hội Việt Nam như lời chia sẻ của nhà bào Tường Yên:
“Những bản nhạc “Dậy mà đi” “Ai là Ai?” “Trả Lại Cho Dân”…nhiều người hát theo những bài này. Tôi nghĩ vụ kiện này như cho người ta một làn gió mới, một sức mạnh niềm tin là người dân Việt Nam sẽ thay đổi và có thể thay đổi”
Một số người Việt tụ tập biểu tình phía đối diện Tòa trọng tài quốc tế Paris, thời điểm diễn ra phiên xử (ảnh; Facebook Phạm Văn Thành)
Cali Today điểm sơ lại vụ kiện: Ông Trịnh Vĩnh Bình (SN1947) là một doanh nhân Hà Lan gốc Việt. Năm 1976, ông vượt biên sang tị nạn tại Hà Lan và thành công với việc kinh doanh sản phẩm chả giò nên có biệt danh “Vua Giò Chả”. Vào năm 1987, tin tưởng vào tiếng gọi của CSVN nên ông Bình đem tiền bạc, sản nghiệp về Việt Nam đầu tư vào các ngành kinh doanh: bất động sản, du lịch, sản xuất…ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn. Trong vòng chưa đầy 10 năm, tức là từ năm 1987 đến 1996, công việc làm ăn của ông Bình lên như “diều gặp gió”, nâng số tài sản lên gần gấp 8 lần so với số vốn ban đầu. Tuy nhiên, ngay sau đó tai họa ập xuống, ông Bình bị Công an Bà Rịa- Vũng Tàu bắt giam và truy tố với cáo buộc “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và “đưa hối lộ”.
Năm 1998, Tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Bình 13 năm tù. Ông Bình sau đó kháng cáo, vào năm 1999 Tòa phúc thẩm tối cao tại Sài Gòn tuyên giảm hình phạt xuống 11 năm tù dành cho ông Bình. Nhiều tài sản của ông Bình sau đó bị Ủy ban tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu, bán đấu giá.
Được sự giúp đỡ của Chính phủ Hà Lan, ông Bình được tại ngoại để chấp hành hình phạt và sau đó ông Bình đã thành công trong việc tìm đường đào thoát ra khỏi Việt Nam.
Năm 2003, viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994, ông Bình đã nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng Covington Burling ở Washington (Hoa Kỳ) nộp đơn kiện Chính phủ CSVN ra một Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặt tại Stockholm (Thụy Điển). Phiên xử quốc tế dự định là sẽ bắt dầu vào tháng 12/2005 tại Stockholm nhưng sau đó phải dừng vì phía ông Bình và phía đại diện Chính phủ CSVN đã có những thỏa thuận bên ngoài. Theo đó, Chính phủ CSVN đồng ý xóa án cho ông Bình, bồi thường 15 triệu USD và trả lại toàn bộ tài sản đã lấy của ông Bình. Đổi lại, ông Bình phải rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận trên.
Năm 2006, Chính phủ CSVN miễn chấp hành hình phạt tù cho ông Bình và cho ông được phép trở lại Việt Nam.
Năm 2012, các ông Trần Văn Mười, Lê Minh Huy Hoàng và Hoàng Anh Linh nguyên là những nhân viên Cục Thi hành án dân sự ở Bà Rịa- Vũng Tàu và cũng là những người dính vào vụ án Trịnh Vĩnh Bình bị bắt và sau đó bị Tòa án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên án bằng với thời gian tạm giam.
Trải qua mấy năm không thấy Chính phủ CSVN thực hiện đúng cam kết với những gì đã thỏa thuận ở bên ngoài phiên xử vào năm 2003, nên tháng 01/2015, ông Bình tiếp tục đệ đơn kiện Chính phủ CSVN lần hai ra Tòa án quốc tế.
doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (ảnh; thông tin văn hóa Blogger)
Ngày 21/08/2017, Tòa án quốc tế đưa vụ án ra xét xử tại Paris với nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình và bị đơn là Chính phủ CSVN, số tiền bồi thường tối thiểu là 1,25 tỷ USD mà ông Bình đưa ra vì lý do bị oan ức. Được biết, tổ hợp luật sư giúp pháp lý cho ông Bình trong phiên xử lần này là văn phòng luật sư King & Spalding LLP một văn phòng luật sư lớn tại Hoa Kỳ.
Theo nhà báo Tường Yên, vụ kiện không chỉ mang tính “thắng-thua” giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ CSVN mà đối với Chính phủ CSVN nó còn ảnh hưởng rất lớn đến phương diện ngoại giao quốc tế. Cũng phải nói thêm, vào tháng 07/2017 vừa qua, Chính phủ CSVN đã bị Chính phủ Đức “trút cơn thịnh nộ” khi có hành vi cho mật vụ đột nhập vào nước Đức bắt một người Việt đang xin tỵ nạn là ông Trịnh Xuân Thanh đem về Việt Nam. Hành vi này không chỉ vi phạm luật pháp nước Đức mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, nay thêm vụ kiện của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình liên quan đến pháp luật Hà Lan. Rõ ràng, kết quả vụ kiện dù có như thế nào thì trong bối cảnh ngoại giao quốc tế, Chính phủ CSVN đang bị ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ và đồng thời nó cũng sẽ mở ra những tiền lệ khác ngay trong chính đất nước Việt Nam.
“Ảnh hưởng tới Việt Nam thì nhiều mặt lắm; thứ nhất là ảnh hưởng tới giới kinh doanh, họ sẽ mượn cái này như một tiền lệ để đi kiện Chính phủ CSVN mà điều này theo tôi tìm hiểu là có nhiều người đã bị Chính phủ CSVN lường gạt mà họ không dám đứng ra kiện như ông Trịnh Vĩnh Bình, hoặc là họ nghĩ họ quá bé nhỏ, bị phá sản tiền mất tật mang thì họ đâu còn sức đâu để kiện Chính phủ CSVN ra quốc tế…”- Lời của nhà báo Tường Yên.
Nếu nói về những người dân bị cướp đất thì ông Trịnh Vĩnh Bình nói đúng ra cũng là một người bị cướp đất như bao dân oan Việt Nam, có khác chăng ông là dân oan người Hà Lan gốc Việt. Còn nói về những người bị bỏ tù oan sai, bị xâm phạm nhân quyền như những Tù nhân lương tâm ở Việt Nam thì ông Bình cũng là người từng bị CSVN bỏ tù oan sai. Vì vậy, theo nhà báo Tường Yên những người bị cướp đất, bị xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam có thể tận dụng những gì có được từ vụ án ông Trịnh Vĩnh Bình mà mạnh mẽ, khi có điều kiện cần thiết thì kiện Chính phủ CSVN ra Tòa án quốc tế để bảo vệ chính mình. Sâu xa hơn, vụ kiện này nó còn…
“Cho người ta thêm niềm hứng khởi mới để mà tiếp tục chiến đấu nếu phán quyết mà bất lợi cho Chính phủ CSVN thì Chính phủ CSVN sẽ kiệt quệ về tài chính, đẩy sự bất mãn của người dân hoặc người nằm trong bộ máy công quyền đặc biệt là người chỉ phục vụ vì quyền lợi chứ không phải vì lý tưởng, một khi Chính phủ CSVN phá sản thì họ sẽ bất mãn. Lúc này cuộc đấu tranh sẽ thuận lợi hơn khi có sự phối hợp trong ngoài.”- Nhà báo Tường Yên nói.
Hiện tại căn cứ vào những tài liệu có được từ vụ kiện thì đông đảo dư luận đều quả quyết là ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ thắng Chính phủ CSVN. Và nếu như thế thì dư luận đặt hỏi ngược lại là liệu Chính phủ CSVN có thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra khi bản thân bị thua kiện hay không?
Nhà báo Tường Yên kết lời, Tòa trọng tài quốc tế có thể ra chế tài tước đoạt tài sản của Chính phủ CSVN đã đầu tư ở nước ngoài hòng bắt Chính phủ CSVN phải tuân thủ phán quyết. Ngoài ra, nhà báo Tường Yên chia sẻ thêm:
“Tôi nghĩ là Tòa trọng tài quốc tế là Tòa tối cao rồi họ không thể đi chổ nào để phản kháng về quyết định này được nữa. Thành ra tôi nghĩ họ sẽ cùng đường, không còn con đường nào để chạy được nữa.”
Paris tháng Tám mùa thu năm nào cũng với những hàng cây ven đường, khu rừng Blouson nổi tiếng rực vàng ánh nắng, chiếu nhẹ trên những xa lộ. Paris vẫn luôn lãng mạn trong từng thi thơ, ca khúc. Song. Paris năm 2017 còn là nơi có phán quyết định mệnh liên quan đến một nước có tên Việt Nam. /.
Thiên Hà
(Cali Today News)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét