Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017
Bộ trưởng Kim Tiến nên nhớ: lãnh đạo Cục Quản lý Dược từng treo cổ chết!
Bộ trưởng Kim Tiến nên nhớ: lãnh đạo Cục Quản lý Dược từng treo cổ chết!
Đăng bởi Elvis Ất on Thursday, August 31, 2017 | 31.8.17
Bà Kim Tiến trước sau vẫn chối bỏ trách nhiệm của mình đối với việc nhập 9.300 hộp thuốc giả H-Capita – trị ung thư, của VN Pharma.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tôi xin nhắc cho bà nhớ, trưa ngày 5/3/1993, dược sĩ Phan Văn Tín – Vụ trưởng Vụ Quản lý dược (từ 13/8/1996, Vụ Quản lý dược đổi tên thành Cục Quản lý dược) đã treo cổ chết tại nhà riêng. dược sĩ Tín đã tự xử mình, cho thấy mafia trong Vụ Quản lý dược đã ra đời từ đầu thập niên năm 1990 và cho đến nay đã trưởng thành.
Người miền Nam thường tin rằng sau khi có người treo cổ chết thì “Thần Vòng” sẽ đeo đuổi cơ quan đó hoặc họ hàng nhà đó và nếu có người treo cổ tiếp theo người ta gọi đó là “cái noi”!
Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Bộ Y tế phải nhập thuốc từ các nước tư bản để thay thế nguồn thuốc XHCN, nên tất cả mặt hàng thuốc tư bản đều chưa được Vụ Quản lý dược cấp số đăng ký lưu hành ở VN, nhiều hãng dược nước ngoài (ban đầu của Việt kiều) lần lượt mở văn phòng đại diện ở VN để tiếp thị với các công ty dược phẩm và dược liệu quốc doanh.
Vụ Quản lý dược thao túng thủ tục để được hối lộ vì quy trình nhập thuốc bấy giờ còn lỏng lẻo và sơ khai.
Những hãng dược không được cấp số đăng ký lưu hành hoặc được cấp quota “chuyến” (nhập đột xuất theo nhu cầu của BV) đã làm đơn tố cáo Vụ QLD lên Bộ Y tế.
Ngày 11/1/1993, Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân (1930-2017) một giáo sư đầu ngành về nhãn khoa và rất đức độ, đã cho thanh tra Vụ QLD.
Kết luận thanh tra cho thấy: Vụ QLD làm giả mạo văn bản nhà nước để cấp số đăng ký “ma” cho 192 mặt hàng thuốc nhập khẩu, không thông qua hội đồng xét duyệt, không kiểm nghiệm chất lượng thuốc, hoặc thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sở tại.
Trong đó, dược sĩ Phan Văn Tín đã cấp 149 số đăng ký “ma”.
Bộ trưởng Nhân tạm đình chỉ chức vụ dược sĩ Tín và chuyển hồ sơ thanh tra sang cơ quan điều tra, thì mấy ngày sau dược sĩ Tín treo cổ tự sát.
Hơn một tháng sau khi dược sĩ Tín chết, tôi được một cán bộ Thanh tra Bộ Y tế tuồn cho bản sao kết luận thanh tra, tôi ký bút danh Vương Linh và viết bài “Vụ Quản lý dược Bộ Y tế: Cửa ngõ nhập thuốc tây dỏm?” đăng trên báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 14/4/1993.
Tổng Biên tập Nguyễn Thế Thanh rất dũng cảm, giữ nguyên tựa bài như trên và chỉ thêm dấu chấm hỏi cuối câu để bớt mang tính khẳng định.
Đáng tiếc, khi về hưu năm 2011, tôi tìm báo lưu trong thư viện không thấy bài viết này để photo.
Mong báo Phụ Nữ tìm được bài này và công bố để cho thấy việc cấp phép nhập khẩu thuốc dỏm, thuốc giả ở Cục Quản lý dược là sự phạm tội quán tính (habitual criminal), chứ không phải phạm tội cơ hội (occasional criminal)! Cũng rất tiếc, chưa thấy nhà báo nào khái quát hóa và hệ thống hóa những vi phạm cố hữu ở Cục QLD trong việc nhâp thuốc giả và thuốc kém chất lượng. 11 năm sau, ngày 5/11/2004, báo Pháp Luật TPHCM đăng bài: “Giáo sư, cựu Bộ trưởng Y tế NGUYỄN TRỌNG NHÂN: Tôi không thể sống chung với tham nhũng”.
Trong đó, GS Trọng Nhân kể lại đầu đuôi vụ việc dược sĩ Tín và xác nhận việc Cục QLD để thuốc giả thuốc dỏm nhập khẩu như hiện nay (năm 2004) là “do hồi đó (1993) mình xử lý chưa xong, chưa triệt để.
Sau khi dược sĩ Tín tự tử, hai ông vụ phó (dược sĩ T.N.D và dược sĩ P.X.L) “đánh” nhau dữ dội để tranh chức.
Và sau này tôi mới hiểu vỉ sao họ “đánh” nhau? Vì họ tranh giành vị trí béo bở.
Tôi đình chỉ chức vụ của hai ông luôn.
Bọn tham nhũng cũng ghê gớm lắm, nó tìm cách chống trả quyết liệt.
Quãng cuối thời kỳ tôi làm bộ trưởng, tôi yêu cầu Hội đồng kỷ luật phải họp để xử lý triệt để vụ việc, nhưng một số thành viên chần chừ không họp.
Tôi đặt vấn đề với thứ trưởng thường trực phải họp hội đồng kỷ luật, để có quyết định kỷ luật những cán bộ sai phạm theo kết luận thanh tra, thì đùng một cái nhận được “trát” của trên gửi xuống yêu cầu đình chỉ mọi cuộc họp của Bộ Y tế.
Cuối cùng, vụ án “chìm xuồng” (Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Nội vụ đã khởi tố dược sĩ Tạ Ngọc Dũng (nguyên vụ phó) về hành vi cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm).
GS Nhân cũng cho báo Pháp Luật biết, vì không thể sống chung với tham nhũng, tháng 11/1995, ông phải từ chức trước nhiệm kỳ (tháng 10/1992 – tháng 10/1997).
Tôi rất mong, bạn Nguyễn Đức Hiển cho đăng lại bài phỏng vấn GS Nhân để Bộ Chính trị và Chính phủ hiểu rõ cội nguồn của nan đề nhập thuốc giả.
Rất mong, tòa phúc thẩm xét xử vụ án VN Pharma theo tội danh buôn thuốc giả và tuyên tử hình TGĐ VN Pharma, để hắn khai ra những người bảo kê hắn?
Mai Bá Kiếm
(FB Mai Bá Kiếm/Tiếng Dân)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét