Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Mật ở Bộ Y tế


Mật ở Bộ Y tế

Đăng bởi Elvis Ất on Wednesday, August 30, 2017 | 30.8.17


Tháng 11-2014, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị thành lập hội đồng giám định để tiến hành giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita- lô thuốc “không dành cho người”. Kết luận giám định của Bộ Y tế về giám định lô thuốc này lại đóng DẤU MẬT.



Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Nguồn: website Bộ Y tế.

Nói về dấu mật của Bộ Y tế, nhà báo Nguyễn Thị Lan Anh (bút danh Lan Anh)- phóng viên phụ trách mảng y tế của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội rõ nhất. Đầu năm 2005, nhà báo Lan Anh nhận quyết định khởi tố bị can từ Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” (tài liệu có dấu mật). nhà báo Lan Anh bị khởi tố vì một bản tin liên quan đến “cuộc đấu tranh” với “giá thuốc trên trời”, bảo vệ cho người nghèo… Sau đó, nhà báo Lan Anh được tại ngoại nhưng có một kỷ niệm nhớ đời.


Tài liệu có dấu mật luôn tiềm ản rủi ro cao cho báo chí khi đem sự thật đến bạn đọc. Giải mật cũng không dễ chút nào dù Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận năm 2015: “Việc cung cấp thông tin còn nhiều bất cập đã dẫn đến nhiều hệ lụy như một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực”. Khi ấy, rất nhiều phản ánh về việc “cái gì cũng đóng dấu mật”, thậm chí đến cả… thư mời họp.


Nhưng giới chợ thuốc còn có một thứ MẬT khác tiết lộ: Thiết bị y tế và giá thuốc sau đấu thầu! Nó là loại “mật ngọt” với bất kỳ nhà sản xuất và phân phối thuốc nào. Dĩ nhiên, “ngọt lịm” với những người có quyền đấu thầu. Chính phủ từng họp bàn phương án triển khai đấu thầu thuốc tập trung vì có như vậy mới hạn chế tiêu cực đấu thầu thuốc, đảm bảo quyền lợi người sử dụng bảo hiểm xã hội, tránh lãng phí,… Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam khẩn trương có báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016 về vấn đề này.


Loại MẬT thứ 2 được đóng dấu loại MẬT thứ nhất, làm nhiều phóng viên SỢ MẤT MẬT dù có tài liệu trong tay nhờ lâu năm “NẰM GAI NẾM MẬT” (loại rất đắng, trừ phóng viên biến chất).


Nhưng cho đến khi vụ thuốc “không dành cho người” lộ ra thì nhân dân lại thấy một thứ mới: TO GAN LỚN MẬT! 9.300 hộp H-Capita đã được Cục quản lý dược cấp phép. Yếu tố cấp phép này chính là trách nhiệm nhà nước rõ ràng. Và nói về điều này, không thể không nhắc đến Thứ trưởng đương nhiệm Trương Quốc Cường. Ông Cường mới lên chức gần đây, trước đó ông ta là Cục trưởng Cục quản lý dược (lúc xét duyệt cho H-Capita vào Việt Nam).


Năm 2011, ông Cường bị 8 doanh nghiệp dược phía Nam tố cáo đã ưu tiên cho một số công ty trong việc cấp hạn ngạch nhập khẩu thuốc; cấp phép nhập khẩu dưới hình thức thuốc cho vaccine sinh phẩm; ủng hộ doanh nghiệp nước ngoài và chèn ép các doanh nghiệp trong nước không nằm trong “nhóm lợi ích riêng”… Khi ấy, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng phải giải trình giải trình bằng văn bản về vấn đề bằng cấp, tuổi tác, trù dập cán bộ,…


Cũng năm 2011, bà Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế nói về họ như vầy: “Đã phát hiện sai đâu mà kỷ luật anh Cường, anh Quang?” Thật là một Bộ trưởng biết yêu thương cộng sự. Khi vụ H-Capita nổ ra, tuy phòng làm việc cùng chung tầng song bà Kim Tiến không để ông Trương Quốc Cường ra trả lời báo chí về trách nhiệm trực tiếp của ông ta (quản lý, cấp phép).


Nhắc về thuốc giả được nhập thì cũng phải nhắc đến thuốc thật. Gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200mg đặc trị ung thư máu giá gần 14 tỷ đồng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM bị hết hạn sử dụng vì chậm trễ thủ tục nhận viện trợ, phải tiêu hủy. Một sự phí phạm rất lớn đối với đất nước và quá tàn nhẫn với các bệnh nhân nghèo mắc ung thư máu. Những cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm liên quan đến nay vẫn chưa được công bố.


Liệu có những BÍ MẬT nào trong Bộ Y tế không nếu xâu chuỗi toàn bộ sự việc?


Đã đển lúc GIẢI MẬT! Vì một môi trường kinh doanh dược trong sạch, vì những thông tin báo chí không bị rào cản và vì chính những người dân đóng thuế nuôi Bộ Y tế nhưng lo sợ thuốc giả do Bộ này cấp phép.


Nếu 2 nhiệm kỳ Bộ trưởng (nay không còn nguyên) của ông Vũ Huy Hoàng ở Bộ Công thương góp phần khiến kinh tế kiệt quệ thì hơn một nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến nên gọi bằng gì?


Dễ thôi, Chính phủ nên hỏi dân- những người bị DẬP MẬT và BẦM GAN, TÍM MẬT vì thuốc giả và chất lượng y tế thấp, về Bộ Y tế và bà Kim Tiến.

(FB Mai Quốc Ấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét