Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Chảy máu chất xám hay Đường lên đỉnh Australia


VNTB - Chảy máu chất xám hay Đường lên đỉnh Australia

0 Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Việt An (VNTB) “Cậu bé Google” sẽ nối tiếp truyền thống của 12/13 quán quân cuộc thi Olympia khi sang Úc học tập, định cư và… cống hiến.






Với 300 điểm, Phan Đăng Nhật Minh (THPT Hải Lăng, Quảng Trị), người được mệnh danh là “cậu bé Google” đã trở thành quán quân thứ 17 của “Đường lên đỉnh Olympia”.


“Cậu bé Google” sẽ nối tiếp truyền thống của 12/13 quán quân cuộc thi Olympia khi sang Úc học tập, định cư và… cống hiến.


Nói một cách thô thiển, thì đường lên đỉnh Olympia – cuộc thi tìm kiếm nhân tài Việt Nam đã trở thành cuộc chuyển tiếp chảy chất xám sang nước Úc, và được hiểu Đường lên đỉnh Australia.


Điều này càng được xác định chính xác hơn khi mẹ của Tân quán quân mùa giải lần này là bà Nguyễn Thị Gái “dự định cho Minh đi du học tại Australia theo gói học bổng toàn phần của chương trình”.


Câu hỏi: chảy máu chất xám và tại sao lại tiếp tục duy trì cái chương trình này được đặt ra?


Câu trả lời không thể đơn giản hơn, đây là một chương trình thi kiến thức, và nhà tài trợ là Australia. Họ sẵn sàng tài trợ một học bổng toàn phần cho người xứng đáng nhất về mặt kiến thức và sự nhạy bén – những yếu tố mà họ cần cho việc xác lập cơ sở vật chất – tinh thần của Chủ nghĩa tư bản. Nhưng bản thân những thanh niên tham gia chương trình cũng đã xác định tìm kiếm một tấm vé cơ hội cho việc du học. Nghĩa là, Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần & muốn của cả phái nhà tài trợ lẫn thí sinh dự thi.


Nhà báo Nguyễn Như Mai, người cố vấn liên tục trong 14 năm về mảng kiến thức chung cho chương trình đã khẳng định, không thể trách cứ các bạn thủ khoa Olympia, và đừng áp đặt lòng yêu nước hay trách nhiệm đối với đất nước với họ.


Quan điểm này được đồng thuận cao, vì bản thân nhà nước chưa thực sự có một cơ chế hay môi trường để giữ chân người tài, từ mặt học tiếp cho đến công việc đi làm. Không nói đâu xa, tạp chí Times Higher Education vừa qua đã công bố bảng xếp hạng 300 trường Đại học tốt nhất Châu Á, và Việt Nam đã không có mặt trong danh sách này.


Đặt vấn đề, nếu như Nhà nước cho phép bao cấp một học bổng toàn phần cho du học nước ngoài, thì cũng khó có thể giữ chân được họ. Và cũng không đâu xa, khi mà đến Gs. Ngô Bảo Châu, người đoạt giải thưởng Fields làm việc tại Viện Toán học chỉ được mức lương 5 triệu đồng/ tháng – và đây là số tiền “phá lệ” mà cơ quan này đặt ra. Chưa kể, trong môi trường làm việc Nhà nước hiện nay, nếu muốn thu hút được nhân tài làm việc thì bản thân nó đã không đáp ứng đầy đủ tính tự do và dân chủ, thay vào đó là môi trường đố kỵ lẫn sức ì của một bộ máy mà có đến 30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về (theo dư luận đặt ra).


Nếu cố gắng như TP. Đà Nẵng từng làm thông qua Đề án 922, thì cũng sẽ dẫn đến hiện trạng nhân tài đi học xong ở lại luôn hoặc về làm cơ quan nhà nước một thời gian lại muốn ra ngoài. Lý do cũng là vì môi trường không năng động, chế độ tài chính không đủ để chi tiêu – sinh hoạt, thậm chí đến mức tiền hỗ trợ lương 1 triệu đồng/ tháng cũng bị cắt từ năm 2014 trở đi – như một chia sẻ của nữ Cán bộ Sở Kế hoạch – Đầu tư Tp. Đà Nẵng với báo Dân Trí.


Rõ ràng về cả môi trường học và môi trường làm việc đều không phải là mảnh đất màu mỡ cho nhân tài đâm chồi – nảy lộc, vậy thì trách làm sao cho được một cuộc thi mà nhân tài cất cánh bay về hướng Australia? Lúc này, lòng yêu nước chỉ nảy nở đúng nghĩa của nó khi cơ chế tạo cho con người một cơ hội để phát triển và đảm bảo tương lai của họ.


Ở một khía cạnh khác, cần phải liên đới giữa giữ chân nhân tài với cải cách hành chính bộ máy nhà nước, trong đó làm sao để giảm ngân sách chi tiêu cho 11 triệu người ăn lương (VEPR) để tăng tiền lương công – viên chức, song song với giảm biên chế nhà nước. Nhưng đến nay, vấn đề này không những không bị kìm hãm mà còn đang có xu hướng nảy sinh thêm, trong đó càng đặt mục tiêu giảm biên chế bao nhiêu thì biên chế càng phồng to bấy nhiêu. Ngân sách chi nhiều, bộ máy phình to, chế độ tài chính không tốt thì nhân tài cứ thế dứt áo ra đi.


Trong khi đó, nhân tài là yếu tố đảm bảo cho mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Khi vấn đề chất xám chưa giải quyết được khâu đối đãi thì hành trình đi lên của Chính phủ Kiến tạo thực sự bị nghẽn cổ chai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét