Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Ai bật đèn xanh để ‘thừa nhận VNCH’?


Ai bật đèn xanh để ‘thừa nhận VNCH’?

0 Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017


PGS. TS Trần Đức Cường trả lời phỏng vấn- Ảnh: V.V.TUÂN

Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Sau “sự biến” PGS. TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử VN trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ và trở thành quan chức đầu tiên xác nhận việc “thừa nhận VNCH”, có những biểu hiện và tin tức cho thấy phát ngôn chưa từng có này không phải là một hành động bột phát, “xé rào” của ông Trần Đức Cường và báo Tuổi Trẻ.
Tuổi Trẻ không có được vị thế báo trung ương mà chỉ là một tờ báo trực thuộc cấp địa phương: Thành đoàn TP.HCM. Do vậy Tuổi Trẻ cũng thuộc cấp quản lý của các cơ quan TP.HCM. Từ sau vụ một số tổng biên tập những đời trước của báo Tuổi Trẻ bị kỷ luật về “vi phạm chính trị” như Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng…, tờ báo này đương nhiên bị Ban Tuyên giáo trung ương, Ban Tuyên giáo thành ủy TP.HCM và các cơ quan công an “soi” từng chữ. Về sau này, gần như toàn bộ ban biên tập của Tuổi Trẻ đều do người của Thành đoàn TP.HCM đưa về “cài cắm”, tức nhằm bảo đảm “ổn định chính trị”. Do vậy trong hàng chục năm qua, Tuổi Trẻ từ vị thế một tờ báo chính trị – xã hội nổi bật trong công chúng và đặc biệt trong lòng người dân Sài Gòn, đã trở nên mờ nhạt hẳn, ít tiếng nói phản biện và ít dám “đụng chạm” đến các vụ vụ tham nhũng, càng không có chuyện “xé rào” về dân chủ hay nhân quyền.

Những người làm báo và am hiểu về nội tình “chính trị nội bộ” ở Sài Gòn khẳng định “có cho vàng báo Tuổi Trẻ cũng chẳng dám đăng bài phỏng vấn ‘thừa nhận VNCH’ quá nhạy cảm như thế, nếu không được cấp trên bật đèn xanh. Mà cấp trên đó phải cao, thậm chí rất cao…”.
Một tuần sau bài phỏng vấn ông Trần Đức Cường, bài “Nhìn nhận công lao nhà Mạc và chúa Nguyễn” với nội dung “thừa nhận VNCH” vẫn yên bình ngự trên báo Tuổi Trẻ mà không bị gỡ bỏ như số phận nhiều bài báo khác, dù có những bài báo chỉ mới chạm khẽ vào “xã hội dân sự” hay “biểu tình chống Trung Quốc”.
Không những thế, sau bài “Nhìn nhận công lao nhà Mạc và chúa Nguyễn”, báo Tuổi Trẻ còn tiếp tục phỏng vấn TS Nguyễn Nhã – một trong những người nghiên cứu và thường xuyên phản biện về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa. Thậm chí với bài này, Tuổi Trẻ còn đặt thẳng tựa đề “Thừa nhận Việt Nam cộng hòa là bước tiến quan trọng”.
Thái độ thận trọng còn lại của Tuổi Trẻ là hai báo phỏng vấn trên không được đăng vào mục “Chính trị”, mà đăng ở mục “Văn hóa”, và thay vì được đưa ra trang chính thì xếp vào trang trong.
Trong khi đó, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang trả lời phỏng vấn đài RFA Việt ngữ cho biết báo Quân Đội Nhân Dân – một tờ báo thuộc loại ‘kiên định” nhất trong số báo đảng chuyên “chống diễn biến hòa bình” và công kích chính quyền cũ, đã nhận dược chỉ thị của cấp trên yêu cầu từ nay gọi đúng tên “Việt Nam Cộng Hòa”.
Sau báo Tuổi Trẻ, phản ứng của báo chí nhà nước là khá chậm rãi. Tuy dư luận báo giới sôi nổi hẳn lên và đánh giá việc “thừa nhận VNCH” là một sự thay đổi lớn về tư tưởng, một sự kiện mang tính lịch sử, nhưng vì chủ đề này quá nhạy cảm chính trị nên đa số báo chí nhà nước vẫn im lặng quan sát, chỉ có một ít tờ báo “theo” báo Tuổi Trẻ, chẳng hạn trang báo điện tử Zing.vn với bài “Loại bỏ tư duy ‘ta thắng địch thua’ trong nghiên cứu lịch sử”, phỏng vấn PGS. TS. Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam về chủ đề trên, hay trang Infonet cũng nói lướt qua chủ đề này…
Một hiện tượng đáng chú ý khác là phản ứng đối với “thừa nhận VNCH” từ giới cựu chiến binh, cách mạng lão thành, quan chức nhà nước… là hoàn toàn không đáng kể. Cho đến nay, hầu như chưa có bất kỳ một tờ báo nhà nước nào phản đối loạt hai bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ về “thừa nhận VNCH”. Cũng cho tới nay, chỉ có một số dư luận viên – không biết người của phe nhóm nào trong đảng – tỏ ra phản ứng quyết liệt và vẫn dùng từ “ngụy quân ngụy quyền” đối với chính thể VNCH.
Một lý lẽ khác mà nhóm dư luận viên trên nêu ra là “quan điểm của các nhà lịch sử vẫn chỉ là quan điểm cá nhân không phải là quan điểm nhân danh quốc gia, dân tộc và càng không phải quan điểm đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam. “Ngụy quân và ngụy quyền” vẫn là những gì tồn tại thực tế ở Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Nhân dân Việt Nam mặc dù không xét lại lịch sử nhưng không chấp nhận bất kỳ quan điểm nào nhận thức sai về lịch sử”, và kêu gọi “tẩy chay không mua bộ sách Lịch sử Việt Nam”…
Trong khi đó, vài nguồn tin không chính thức cho biết rất có thể “thừa nhận VNCH” đã trở thành một chủ trương của đảng cầm quyền, được chỉ đạo bởi chính Bộ Chính trị. Tuy nhiên, có lẽ đảng cầm quyền vẫn e ngại đây là vấn đề có thể gây tranh cãi lớn và muốn giữ “thể diện”, nên cho Hội Sử học Việt Nam đi tiên phong trong việc khơi mào ý tưởng này, để nếu tình hình thuận lợi thì có thể một chủ trương chính thức sẽ được công bố mà có thể được hiểu là “lấy lòng người Việt hải ngoại”.

Cần nói thêm, bối cảnh ra đời của “chủ trương” trên lại là lúc mà đảng cầm quyền “bí toàn tập”, ít nhất trên phương diện kinh tế và ngân sách, chỉ thấy “tiền ra” mà hiếm có “tiền vào”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét