Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017
Hai sự kiện và vòng luẩn quẩn chống tham nhũng
VNTB - Hai sự kiện và vòng luẩn quẩn chống tham nhũng
0 Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017
Mẫn Nhi (VNTB) Câu chuyện của ông Huỳnh Đức Thơ cũng khiến cho nhiều người liên tưởng đấu nạn "trả thù" liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, khi mà những đảng viên hay thậm chí người dân tố cáo đảng viên/ đảng viên cao cấp thì lập tức thông tin bị lộ ra ngoài.
Mỗi khi nói về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam, những người “lý luận của đảng” lại thường sử dụng lại Nghị quyết T.Ư 3 khóa X, trong đó đề cập đến việc: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo sự chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch,…”.
Như vậy, suy cho cùng cuộc chiến chống tham nhũng trước hết vẫn là giữ vững ổn định chính trị (chế độ) và xây dựng Đảng. Thực tế, lý luận mà Nghị quyết T.Ư 3 có thể diễn giải vắn tắt hơn với: chống tham nhũng là giữ vững được chế độ do Đảng Cộng sản nắm quyền.
Tham nhũng không dừng ở Quốc họa, mà thực chất là Đảng họa. Nó là cái yếu tố sâu thủng mọi thứ, khiến cho uy tín và chính danh của Đảng từng bước bị thoái hóa và biến mất. Tuy nhiên, không phải vì như thế mà Đảng biết sợ, bản thân cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam lại rơi vào trạng thái mâu thuẫn đến mức mà lý luận trong Đảng vẫn chưa thể giải quyết được.
Bỏ qua các lý thuyết về mặt khuôn sáo, chúng ta có thể nhận diện tính mâu thuẫn đó qua hai sự kiện sau.
Thứ nhất là việc Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường (ngụ P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) là Phó giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng vì có hành vi đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ. Nhưng sự việc này lại có phần liên đới đến sự kiện từ tháng 3, khi bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ bị rò rỉ ra ngoài, vấn đề là ngay sau đó – Thành ủy – UBND Tp. Đà Nẵng đã khẳng định, tài liệu kê khai đó thuộc loại “tài liệu không được phổ biến rộng rãi”.
Trong một cuộc chiến chống tham nhũng, kê khai (tức là minh bạch hóa) nguồn tài sản là yếu tố sống- còn và đòi hỏi một sự trung thực trong đó. Thực hiện kê khai tức là nằm trong một phần giám sát của người dân đối với đội ngũ quan chức nhà nước. Tuy nhiên, bản kê khai tài sản của đội ngũ lãnh đọa (như ông Huỳnh Đức Thơ) lại không phổ biến rộng rãi, vậy thì chống tham nhũng làm sao được? Làm sao để người dân, báo chí nhìn vào đó đánh giá mức độ “thật/ giả” của kê khai? Hay đây chỉ là cuộc chống tham nhũng trong nội bộ? Nếu như thế, việc Bộ Chính trị ĐCSVN đã ban hành một quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (mà theo đó là có 1.000 người) là hoàn toàn không có tác dụng lớn trong toàn cuộc chiến chống tham nhũng – lý do nằm ở việc, nó là “xử lý nội bộ” chứ không phải là một sự công khai cần thiết theo hướng đấu tranh chống tham nhũng. Câu chuyện của ông Huỳnh Đức Thơ cũng khiến cho nhiều người liên tưởng đấu nạn "trả thù" liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, khi mà những đảng viên hay thậm chí người dân tố cáo đảng viên/ đảng viên cao cấp thì lập tức thông tin bị lộ ra ngoài.
Sự kiện thứ hai là, vào ngày 19/08, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM “thống nhất cao” với tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy về xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND Q.Bình Tân. Lý do, ông vi phạm Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị liên quan đến xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Đảng viên. Nghĩa là ông buộc phải báo cáo Đảng bộ, Đảng bộ kỷ luật thì sau đó mới đến lượt cơ quan hành pháp (công an) vào cuộc để làm rõ những việc làm trái pháp luật của một “đảng viên”.
Chỉ thị 15 không phải giờ mới được đề cập, mà trước đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM đã phải bày tỏ đến mức “bực bội” về cái Chỉ thị ngán trở công cuộc chống tham nhũng này. Nhìn một cách toàn diện, thì Chỉ thị 15 đã vẽ nên một bức tranh liên quan đến chính thể và Đảng họa, khi mà quy trình bổ nhiệm thì nhiêu khê, lằng nhằng nhưng lại đầy chỗ hở cho nhóm người thoái hóa/biến chất trong nhà nước xoay trở. Quy trình kỷ luật trong Đảng lại giơ cao đánh khẽ, thậm chí là với nhiều thủ tục kéo dài khiến cho bản thân đối tượng tham nhũng có đường chạy tội. Vấn đề sâu hơn là Chỉ thị 15 lại chính nằm trong tư duy “nội bộ” của Đảng, yếu tố nội bộ khiến Đảng muốn duy trì sức ảnh hưởng, lãnh đạo lên Đảng viên, và đặt Đảng viên và khuôn khổ xử lý của Đảng – mặc dù hậu quả gây ra là Đất nước hứng chịu. Thành ra, hiệu quả chống tham nhũng thì Đảng không chú ý nhiều so với việc đảm bảo sức ảnh hưởng lên Đảng viên.
Qua hai sự kiện này, có thể nhìn nhận thẳng rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng sẽ hoàn toàn không mang lại bất kỳ kết quả nào, bởi bản thân Đảng không hề chú ý đúng mức đến nó. Các xử lý sai phạm, điều tra, thậm chí răn đe chỉ mang tính truyền thông, vì nếu bản thân Đảng gia tăng đấu tranh chống tham nhũng theo đúng bản chất của việc “đấu tranh chống” thì lúc đó Đảng đã không còn là Đảng.
Đảng chống tham nhũng, nhưng ổ tham nhũng lại là từ Đảng là vậy!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét