Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Báo chí CSVN vừa phải đội thêm ‘vòng kim cô’!


Báo chí CSVN vừa phải đội thêm ‘vòng kim cô’!

0 Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017



Thiền Lâm Vietnam – Cali Today News – Không chỉ phải chịu những “vòng kim cô” lâu đời là Bộ Thông Tin và Truyền Thông và Ban Tuyên Giáo ...

Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Không chỉ phải chịu những “vòng kim cô” lâu đời là Bộ Thông Tin và Truyền Thông và Ban Tuyên Giáo Trung Ương, hơn 800 tờ báo nhà nước vừa phải đội thêm một “vòng kim cô” nữa: Hội Nhà báo Việt Nam.
Từ ngày 1/8/2017, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam chính thức đưa vào sử dụng các thiết bị theo dõi các báo điện tử gỡ bài, sửa bài.
Cơ chế kiểm tra này được mô tả là “nhằm thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Thường trực- Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần giám sát, chống tiêu cực trong hoạt động báo chí điện tử theo chức năng nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam”. Những mục đích cụ thể là “Kiểm tra giúp các báo thận trọng hơn trong quá trình đưa tin, tránh chạy đua với việc đưa tin nhanh, thông tin không được kiểm chứng, đưa lên mạng thông tin sai sự thật, thông tin nhạy cảm, đồng thời góp phần phát hiện tiêu cực trong việc gỡ bài, sửa bài trên các báo điện tử”.
Ông Nguyễn Hòa Văn- Giám đốc CTTĐT Hội Nhà báo Việt Nam (người đứng) đang “kiến nghị các giải pháp chống tiêu cực trong hoạt động báo chí tại Hội thảo Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Ảnh VOV.
Thiết bị kiểm tra và theo dõi được việc gỡ bài, sửa bài của các báo và các trang thông tin điện tử. Cung cấp cho người theo dõi biết được thời gian đăng bài, thời gian kiểm tra biết bài bị gỡ, bị sửa, biết được cả nội dung bài bị gỡ, nội dung sửa của bài bị sửa.
Thiết bị hoạt động 24/24 do kỹ thuật viên của Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam quản lý. Hàng tuần, kỹ thuật viên báo cáo kết quả theo dõi cho lãnh đạo Cổng, lãnh đạo Cổng sẽ báo cáo với lãnh đạo Hội và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý báo chí…
Đã đành là đại đa số báo chí nhà nước chỉ thuần túy chạy theo “cướp giết hiếp”, trong đó không ít tờ báo và phóng viên xem sứ mệnh làm báo như một nghề để kinh doanh và nếu có điều kiện thì sẵn sàng tống tiền doanh nghiệp và người dân, nhưng còn trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam thì ra sao?
Tổ chức được dư luận ví như “cánh tay nối dài của đảng” trên đã hầu như câm lặng trước các vụ nhà báo nhà nước bị công an hành hung. Một trong những dẫn chứng cập nhật và đanh thép nhất về chuyện này là vào năm 2016 với vụ một phóng viên báo Tuổi Trẻ bị công an huyện Ðông Anh, Hà Nội, đấm mặt đá mông, lời trần thuật vô cùng thật lòng của một quan chức có tên là Nguyễn Minh Mẫn, quyền vụ trưởng Vụ 3, Thanh Tra Chính Phủ, “Tôi đuổi, tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi, đuổi đấy. Ðuổi nhà báo ngay, chúng tôi chả ngại gì. Ðấy! Bởi vì trong quá trình (thanh tra) báo chí nó nhiễu thì rất là nhục…”. Suốt một thời gian đủ dài sau vụ này, Hội Nhà báo Việt Nam tuyệt đối cấm khẩu.
Với “trách nhiệm” như thế, quan chức nào có thể bảo đảm là cơ chế theo dõi các báo điện tử gỡ bài, sửa bài của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ bảo mật tin bài cho các báo, đặc biệt là một ít tin bài chống tham nhũng?
Hậu quả nào sẽ xảy ra nếu nhân viên của Hội Nhà báo Việt Nam “chui” vào trang quản trị của các trang báo chí để lấy tin rồi tuồn tin cho “đối tượng”?
Mới đây, các cơ quan nhà nước đã tổng kết có đến 840 vụ lộ lọt tài liệu thuộc loại “bí mật nhà nước” trong những năm qua, nhưng không xử được một vụ nào.
Thế còn “trách nhiệm” của Ban Tuyên Giáo Trung Ương cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông?
Hàng tuần và hàng tháng, Ban Tuyên Giáo Trung Ương cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông vẫn duy trì các cuộc họp “giao ban báo chí” để “nhắc nhở, lưu ý” các báo, mà về thực chất là yêu cầu các tờ báo không được đăng những vấn đề này hoặc vấn đề kia. Sau đó là các cuộc họp giao ban quản lý báo chí ở một số tỉnh thành quan trọng như Hà Nội, Sài Gòn… với vai trò của áp đặt của Ban Tuyên Giáo tỉnh/Thành Ủy và Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Cách đây mấy năm trở về trước, những cuộc họp giao ban trên được kết thúc bằng một bản thông báo khá dài của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Nhưng sau cú “scandal” rò rỉ trên mạng xã hội phát ngôn của ông Nguyễn Thế Kỷ, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cho rằng vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam vào năm 2011 chỉ là “vô ý,” hình thức thông báo bằng văn bản đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương giảm thiểu. Thay vào đó là hình thức nhắn tin chỉ đạo cho các tổng biên tập báo.
Nhưng rồi cũng có một số tin chỉ đạo qua nhắn tin điện thoại bị lộ trên mạng xã hội, chẳng hạn gần đây nhất là vụ Ban Tuyên Giáo Trung Ương nhắn tin không cho các báo đưa tin về dự án Thép Cà Ná của tập đoàn Tôn Hoa Sen, gần đây cơ quan định hướng này đã chuyển sang hình thức thủ công nhất: Cho chuyên viên gọi điện thoại trực tiếp cho từng tổng biên tập để “truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung Ương.”

Ðã từ rất nhiều năm qua, những cuộc họp trên đã bất chấp cái gọi là “tự do báo chí” hiển hiện trong Hiến Pháp năm 1992 và 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét