Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016
Xử lý ông Vũ Huy Hoàng - Chuyện hài vô tiền khoáng hậu
VNTB- Xử lý ông Vũ Huy Hoàng - Chuyện hài vô tiền khoáng hậu
Reply
opposite, Thiên Điểu, VNTB, Xử lý ông Vũ Huy Hoàng - Chuyện hài vô tiền khoáng hậu
14.11.16
Thiên Điểu
(VNTB) - Cuộc chiến thanh lọc bộ máy và chống tham nhũng do Đảng CSVN thực hiện đang vấp phải rào cản bế tắc về mặt pháp lý lẫn hiệu quả thực tiễn. Vụ ông Vũ Huy Hoàng cho thấy sự chỉ đạo thể hiện quyết tâm tìm cho ra lý do để “xử lý” bằng mọi giá mà không nhận thức được những bất cập trong việc áp dụng luật pháp và cả năng lực kỹ trị của hệ thống bộ máy cầm quyền quản lý đất nước.
Ông Vũ Huy Hoàng
Cuộc chiến “xây dựng lòng tin” và chống tham nhũng nhưng lại “ném chuột sợ vỡ bình” của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ xướng ngày càng rơi vào bế tắc, lộ ra những mấu chốt không thể giải quyết triệt để khi mà ngay cả bộ máy do Đảng lãnh đạo không có đủ can đảm nhìn thẳng vào một vụ việc cụ thể dù rất đơn giản.
Đã từ rất lâu, hệ thống chính trị Việt Nam do Đảng CSVN lãnh đạo bị rơi vào vòng luẩn quẩn giữa xử lý sai phạm và sự bao che sai phạm để giữ “sự trong sạch” cho bộ máy cầm quyền. Nó tạo ra mối liên kết chằng chịt từ mục đích che giấu sự yếu kém để tô vẽ nên hình ảnh vinh quang độc tôn của Đảng, từ đó nảy sinh đủ mọi lập luận và khái niệm mơ hồ về khía cạnh trách nhiệm.
Từ một đảng viên có sai phạm, nếu có thể lấp liếm chuyển hóa “chuyện lớn thành nhỏ” được thì “kỷ luật về mặt Đảng”, cho tiếp tục làm việc. Nếu không thể bưng bít để “việc nhỏ hóa to” thì áp dụng chiến thuật khai trừ Đảng, đặt Đảng ra ngoài phạm vi phải chịu trách nhiệm liên đới. Nó dẫn đến các Đảng viên khi có tham nhũng, gây thiệt hại kinh tế hay bất cứ vi phạm nào thì Đảng vẫn “bình chân như vại” dù Đảng là một tổ chức chính trị, có thu Đảng phí, có cả Ban kinh tế Đảng, được bao cấp toàn bộ chi phí hoạt động từ ngân sách nhà nước do dân đóng góp nhưng chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm bồi thường, bù đắp tổn thất cho bất cứ thiệt hại nào dù nhỏ nhất. Nguồn kinh phí khổng lồ cho hoạt động của Đảng cũng không hề có một chế tài hay cơ sở pháp lý được ủy thác về trách nhiệm từ người dân, nó được thực hiện trong vòng “bí mật quốc gia” giữa sự chỉ đạo của Đảng và sự “đồng ý” bởi chính bộ máy cầm quyền do Đảng tạo ra, người dân hoàn toàn không có bất cứ thông tin nào cụ thể để biết nó ra sao.
Khi Đảng viên đồng thời là quan chức quản lý nhà nước thì đương nhiên bộ máy quản lý nhà nước khi xử lý vi phạm cũng đi theo phương thức và cách giải quyết kiểu của Đảng. Đó là lý do tại sao có chuyện quan chức hay viên chức trong các cơ quan quyền lực vi phạm thay vì bị xử lý thì thường là “điều chuyển công tác” để từ kỷ luật vi phạm ở cấp nhỏ, sau đó được điều chuyển tới vị trí khác để tiếp tục làm việc ở cấp cao hơn. Sai phạm ở ngành này thì chuyển công tác sang ngành khác.. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới vấn nạn không thể xử lý vi phạm khi mà người ta đưa ra những khái niệm rất mơ hồ để trút bỏ mọi trách nhiệm là “đúng qui trình; đúng nguyên tắc tập trung dân chủ..”.
Các phát ngôn những lúng túng trong việc tìm kiếm lý do nhằm xử lý cá nhân ông Vũ Huy Hoàng là một ví dụ điển hình cho sự bế tắc bởi cấu trúc bộ máy do Đảng toàn quyền lãnh đạo và hệ lụy bởi tổ chức Đảng, bộ máy chế độ đẻ ra luật nhưng lại nằm ngoài sự chi phối, chế tài bởi luật.
Từ thiếu minh bạch, thiếu tư duy nghiêm túc dẫn đến thiếu cơ sở để áp dụng chế tài
Trong vụ liên quan ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ công thương đã nghỉ hưu, có thể tóm tắt ngắn gọn: Các cuộc thanh tra, điều tra được bắt đầu tư manh mối vụ án “xe biển xanh” liên quan ông Trịnh Xuân Thanh trên cương vị là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang (2015). Sau đó lần ngược ra chuỗi các sai phạm được cho là trách nhiệm của ông Thanh từ khi còn là Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trước đó (2007-2013). Chắp nối lại thành sai phạm liên đới ông Vũ Huy Hoàng khi còn là Bộ trưởng Bộ Công thương trong việc điều động nhân sự là ông Thanh từ Bộ Công thương về UBND Tỉnh Hậu Giang (2013-2014).
Mặc dù mấu chốt bắt đầu từ ông Trịnh Xuân Thanh nhưng trên thực tế do ông Thanh đã bỏ trốn. Lệnh truy nã ông Thanh đã được phát ra nhưng cơ sở pháp lý để xử lý việc liên quan ông Thanh có tội hay không là phán quyết của Tòa án lại chưa có để khẳng định nên khó tìm được lý do thuyết phục về mặt pháp để “xử lý” ông Vũ Huy Hoàng với lý do liên quan việc bổ nhiệm ông Thanh. Chưa nói bản thân ông Hoàng cũng đã rời khỏi chức vụ ở Bộ Công thương một thời gian. Cơ sở pháp lý duy nhất có thể áp dụng là các hành vi “cố ý làm trái; gây hậu quả nghiêm trọng..” mà Luật Hình sự đã qui định. Tuy nhiên, để áp dụng được thì lại phải tiếp tục phanh phui ra nhiều mảng khác có nguy cơ đụng chạm tới nhiều cá nhân nắm giữ quyền lực thậm chí lớn hơn ông Vũ Huy Hoàng rất nhiều - điều mà Đảng ít nhất là chưa muốn nếu không nói là chưa dám công khai. Vì ông Vũ Huy Hoàng khi đương chức là Bộ trưởng, được hưởng những qui chế nhất định về luật pháp nếu có các vi phạm nào đó.
Điều đáng nói hơn: cơ sở để “xử lý” ông Vũ Huy Hoàng hiện chưa có, nhưng truyền thông và rất nhiều quan chức lại liên tục đưa ra các qui kết trách nhiệm và công khai đòi “xử lý” như đối với một bị cáo đã được kết án (!?) Thậm chí là có cả những hình thức “xử lý” hết sức ngược đời như “cách chức” đối với người đã nghỉ hưu, không hề có chức vụ gì (!?)
Việc lúng túng trong vòng xoáy qua vụ việc này cho thấy bản thân bộ máy của chế độ không đủ khả năng phân định được các cơ sở pháp lý khi áp dụng nó trong quản lý lẫn giải quyết các mâu thuẫn phát sinh liên quan cơ chế vận hành quyền lực. Nó cũng chỉ ra rằng: Mọi nỗ lực của Đảng CSVN trong việc củng cố quyền lực, phá vỡ những liên kết lợi ích nhóm thông qua cuộc chiến chống tham nhũng không có được một kế hoạch bài bản làm cơ sở chứ chưa nói là có tầm chiến lược trong chính trị. Sẽ còn rất xa để có thể củng cố quyền lực khi việc hành xử không dựa trên các nguyên tắc luật pháp tối thiểu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét