Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Vẫn loanh quanh, thiếu sự tử tế


Nguyễn Thông - Vẫn loanh quanh, thiếu sự tử tế

Đăng bởi Elvis Ất on Wednesday, November 23, 2016 | 23.11.16



Cuối cùng thì kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 (tháng 11.2016) cũng đã thông qua nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ làm điện hạt nhân nữa bởi các nước văn minh, phát triển trên thế giới đang tẩy chay điện hạt nhân, Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng ấy.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Cũng có ai đó bảo rằng các vị đại biểu quốc hội sáng suốt, đã dám quyết một điều tưởng như không cưỡng lại được, nhưng tôi cho rằng quốc hội lâu nay vẫn thế, chả thể làm gì hơn ngoài việc “người ta” bảo giơ tay thì giơ tay, bảo đồng ý thì đồng ý. Vấn đề là đảng muốn làm thì làm, muốn thôi thì thôi, rất tùy tiện, chứ quốc hội chỉ hụ hợ cho vui.


Một vấn đề cực kỳ hệ trọng như việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khi mới bàn thảo, nêu ra, rất nhiều trí thức, nhà chuyên môn, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này (như Giáo sư Phạm Duy Hiển nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt chẳng hạn), và đông đảo dư luận đã phản biện, lên tiếng phản đối quyết liệt, chỉ ra những bất cập của nó, nhưng đảng và chính phủ tuy làm ra vẻ lắng nghe nhưng thực chất cứ phớt lờ. Họ đã muốn thì có mà trời cấm. Đảng còn to hơn cả trời. Họ sử dụng những chân gỗ, báo chí, truyền thông ra sức tuyên truyền điện hạt nhân cần thiết về an ninh năng lượng như thế nào, an toàn như thế nào, ánh sáng đảng và ánh sáng điện sẽ chiếu rọi tương lai ra sao. Nói rất nhiều bắt người ta phải nghe. Rồi cứ thế hùng hục làm. Khoanh vùng Ninh Thuận lấy chỗ đặt 2 nhà máy, ráo riết cử người sang Nga sang Nhật học về hạt nhân, dồn bao nhiêu tiền của vào việc xúc tiến 2 dự án này. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12 ngày 25.11.2009, “các đồng chí đại biểu quốc hội” đã “nhất trí cao” thông qua việc thực hiện dự án điện hạt nhân dưới sức ép của đảng và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.


Nay thì, có lẽ đã tỉnh trí, biết nghe lời nói phải, họ quyết định chấm dứt. Cũng may là cơn điên đã có điểm dừng. Người Nga thất vọng, đương nhiên, bởi mất một món hời, xuất khẩu những Chernobyl của họ sang nước khác. Hãy dẹp bọn Nga ấy đi, và nên lôi ra điểm mặt chỉ tên ông bà nào ở xứ này định rước Chernobyl về. Thảm họa môi trường Formosa nếu so với thảm họa hạt nhân kiểu Chernobyl chỉ như con muỗi dán lên mình con voi. Hú vía.


Mừng nhất là người dân và chính quyền Ninh Thuận. Suốt mấy năm từ 2009 đến nay họ sống trong suy nghĩ mờ mịt về tương lai. Chả muốn làm ăn phát triển gì, chả ai chơi với họ. Tiềm năng du lịch bị bóng ma hạt nhân giết ngay từ trong trứng mỗi dự án. Bây giờ thở phào được sống như mọi người. Này tôi bảo thật, anh nào có ý định gì với Ninh Thuận, cần nhanh chân kẻo chậm.


Làm được điều đúng điều hay, lợi cho dân cho nước, biết sửa sai… là đáng hoan nghênh. Dân chúng sẵn lòng bỏ qua những sai lầm của đảng, của nhà cần quyền nếu họ biết phục thiện. Nhưng cái kiểu nói như ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì không chấp nhận được. Vẫn biết ông ấy chỉ phát ngôn theo chỉ đạo của đảng, của mấy vị chóp bu, nhưng cứ loanh quanh biện rằng dừng dự án điện hạt nhân là do này do nọ, không phải do kỹ thuật, không do ABC, mà do điều kiện kinh tế kinh tiếc, v.v.. Đúng ra, chỉ cần nói chúng tôi đã sai lầm, không thấy hết mối nguy của điện hạt nhân, nhất là trong điều kiện một nước đang khủng hoảng về môi trường, đang từng phút đối mặt với nguy cơ quân sự từ Trung Quốc…, nay chúng tôi sửa sai, chúng tôi nhận lỗi, xin phép quốc dân cho dừng dự án này. Thế có phải hay không nào. Vẫn cái tư duy bề trên, kẻ cả, nói lấy được, không phải là cách ứng xử tử tế với dân.


Nguyễn Thông


(Blog Nguyễn Thông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét