Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Nhà Cầm Quyền Việt Nam Thường Xuyên Vi Phạm Hiến Chương Quốc Tế Các Nhà Giáo


VNTB- Nhà Cầm Quyền Việt Nam Thường Xuyên Vi Phạm Hiến Chương Quốc Tế Các Nhà Giáo

NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM THƯỜNG XUYÊN VI PHẠM HIẾN CHƯƠNG QUỐC TẾ CÁC NHÀ GIÁO, OPPOSITE, PHÙNG HOÀI NGỌC, VNTB,

Phùng Hoài Ngọc


(VNTB) - Những năm trước đây, ngành giáo dục gọi ngày Lễ 20/11 chính xác là “Ngày hiến chương quốc tế nhà giáo”. Dần dà về sau truyền miệng và đôi khi văn bản ưa nói gọn lại là “NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM”. Thực ra chẳng phải chỉ vì muốn nói gọn cho dễ nghe. Còn có ý tứ sâu xa hơn, nhà cầm quyền muốn làm người ta lãng quên bản Hiến chương nhà giáo quốc tế.







Hàng năm vào dịp 20 tháng 11, ngành giáo dục tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam, không khi vui buồn tùy nơi, tùy trường, tùy người. Tuy nhiên có một điều giống nhau mọi nơi là chẳng mấy ai nhắc đến tinh thần cơ bản của ngày lễ đó
Xin điểm lại quá trình hình thành ngày lễ 20/11.


Tháng 7/1946, Liên hiệp quốc tế các công đoàn Giáo dục (Fédération Internationale Syndicate de l'Enseignement) được thành lập, trụ sở đặt tại Paris (viết tắt là FISE).
Năm 1949, tại Hội nghị Vacxava, FISE xây dựng bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương.
Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới, nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, nhất trí thông qua bản Hiến chương này.
Tiếp đó, từ ngày 26 đến 30/5/1957 tại thủ đô Vacxava, diễn ra Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ Hai với 57 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, tiếp tục phổ biến bản Hiến chương. Hội nghị quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo.


Chính phủ Việt Nam DCCH đã tham gia thừa nhận bản Hiến chương quốc tế nhà giáo, như rất nhiều hiệp ước quốc tế khác. Tuy nhiên ký kết cũng mau mà lãng quên, thậm chí chà đạp hiệp ước, công ước quốc tế cũng nhanh. Lý do các nhà ngoại giao hay đưa ra là tùy theo tình hình thực tế Việt Nam (!).


Những năm trước đây, ngành giáo dục gọi ngày Lễ 20/11 chính xác là “Ngày hiến chương quốc tế nhà giáo”. Dần dà về sau truyền miệng và đôi khi văn bản ưa nói gọn lại là “NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM”. Thực ra chẳng phải chỉ vì muốn nói gọn cho dễ nghe. Còn có ý tứ sâu xa hơn, nhà cầm quyền muốn làm người ta lãng quên bản Hiến chương nhà giáo quốc tế. Miền Bắc tổ chức lễ từ 1958 đến 1975, áp dụng trên toàn quốc từ sau 1975 (chính xác từ 1982 đến nay).


Tuy nhiên, do tiền hậu bất nhất, hệ thống thông tin đài báo và ngành giáo dục đôi khi lại tùy hứng gọi tên đầy đủ là “Ngày hiến chương quốc tế nhà giáo”.


Mặt khác, đa số nhà giáo Việt Nam hiện nay không biết gì tới nội dung bản Hiến chương quốc tế nhà giáo 1954. lãnh đạo ngành giáo dục cũng chẳng quan tâm. Chương trình đào tạo khoa sư phạm cũng không cho sinh viên biết gì về bảnHiến chương này. Trong nội dung thi tuyển công chức là giáo viên, đáng lẽ cần phải đưa ra câu hỏi về bản Hiến chương,nhưng các nhà quản lý cố ý làm ngơ.


Vô tình hay hữu ý ?


Thực tế là, hơn nửa thế kỷ qua, chính quyền Việt Nam theo thể chế cộng sản đã vứt bỏ bản Hiến chương quốc tế nhà giáo. Minh chứng sinh động nóng hổi nhất là vụ việc 21 cô giáo thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh bị chính quyền địa phương xúc phạm nhân phẩm và Bộ trưởng giáo dục thờ ơ tắc trách phát ngôn vô trách nhiệm. Họ đã làm trái với Hiến chương nhà giáo quốc tế.


Đã từ lâu nhà cầm quyền thường xuyên vi phạm Lời mở đầu và Điều 2. Họ đã bắt buộc nhà trường áp dụng phổ biến duy nhất hệ tư tưởng Mác- Lê Nin cho mọi cấp học và không được dạy học bất kỳ hệ tư tưởng triết học khác, nhất là bậc đại học.


Xin dẫn chứng bản gốc (chuyển ngữ từ bản tiếng Anh):


Lời mở đầu: Chấp nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, giáo viên phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh …”(trích)


Điều 2. Quyền của giáo viên không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và ý kiến cá nhân, miễn là giáo viên không áp đặt niềm tin và ý kiến của mình cho trẻ em.


Ở trên chúng tôi chứng minh sự vi phạm nghiêm trọng nhất tinh thần bản Hiến chương.


Họ còn vi phạm tại Điều 3 và Điều 4 Hiến chương quốc tế:
Chỉ xin nêu hai dẫn chứng mới nhất về sự vi phạm Hiến chương
Chính quyền Hà Tĩnh đã ép buộc các nữ giáo viên trẻ đi hầu rượu quan chức cấp trên trong nhiều dịp lễ hội của địa phương.
Chính quyền Thanh Hóa vừa qua tuỳ tiện cho nghỉ việc gần 600 giáo viên hợp đồng đã dạy học lâu năm không lý do chính đáng, gây bức xúc cộng đồng giáo dục và đến nay chưa có biểu hiện sửa đổi.


Đối chiếu nội dung điều 3 và 4:


Điều 3. Giáo viên có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ làm việc và cuộc sống nghề nghiệp. Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được đảm bảo để chống lại cácquyết định tùy tiện về tuyển dụng, quản chế, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật đuổi việc.


Điều 4. Liên quan đến chương trình học và thực hành giáo dục, sự tự do sư phạm và tự do chuyên môn của giáo viên phải được tôn trọng, các sáng kiến cần được khuyến khích, đặc biệt là lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa thông qua sự tham gia của đại diện giáo viên trong việc nghiên cứu các vấn đề sư phạm và chuyên môn.


Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, rất mong các nhà giáo cũng nên đọc lại bản HIẾN CHƯƠNG QUỐC TẾ để biết quyền và nghĩa vụ của mình.


Maxkơva, ngày 9-11 tháng 8 năm 1954
Ủy ban hỗn hợp Liên đoàn quốc tế các nhà giáo, tại cuộc họp thứ XIX được tổ chức tại Maxkơva vào ngày 9, 10 tháng 8 năm 1954, đã nhất trí thông qua Hiến chương Nhà giáo với nội dung như sau:




LỜI MỞ ĐẦU


Các nhà giáo phải thực hiện một chức trách quan trọng trong xã hội vì giáo dục trẻ em là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự tiến bộ của toàn xã hội. Nghề giảng dạy đặt cho người thày những trách nhiệm, mà những trách nhiệm này đòi hỏi có những quyền tương ứng. Các giáo viên cần có quyền dân sự một cách đầy đủ và quyền tự do hành nghề.


Chấp nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, giáo viên phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập .


Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của giáo viên là phải tôn trọng tính cá nhân của trẻ em, khám phá và phát triển khả năng của trẻ em, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, luôn luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong một tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị.


Điều 2. Quyền của giáo viên không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và ý kiến cá nhân, miễn là giáo viên không áp đặt niềm tin và ý kiến của mình cho trẻ em.


Giáo viên không bị phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều 1.


Điều 3. Giáo viên có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ làm việc và cuộc sống nghề nghiệp. Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được đảm bảo để chống lại các quyết định tùy tiện về tuyển dụng, quản chế, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật đuổi việc.


Điều 4. Liên quan đến chương trình học và thực hành giáo dục, sự tự do sư phạm và tự do chuyên môn của giáo viên phải được tôn trọng, các sáng kiến cần được khuyến khích, đặc biệt là lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa thông qua sự tham gia của đại diện giáo viên trong việc nghiên cứu các vấn đề sư phạm và chuyên môn.


Điều 5. Giáo viên phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức như vậy nên làm đại diện cho giáo viên trong mọi hoàn cảnh.


Điều 6. Tất cả các giáo viên phải có quyền được nâng cao trình độ về mặt học thuật và chuyên môn theo các tiêu chuẩn cao nhất có thể, kể cả yêu cầu được học để có thể vào học ở bậc đại học. Hoàn cảnh xã hội và tài chính không được trở thành một rào cản để ngăn cấm một sinh viên được học để trở thành giáo viên.


Điều 7. Giáo viên cần được tạo cơ hội để tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn. Họ có quyền tham gia các khóa học bổ trợ với sự hỗ trợ tài chính ở mức cần thiết, kể cả việc tạo điều kiện đặc biệt để giáo viên có thể tham quan, trao đổi ở nước ngoài giúp họ có kiến thức thực tế trong cuộc sống riêng (trong nước) và ở nước ngoài.


Điều 8. Giáo viên được hưởng tiền lương phù hợp với tầm quan trọng của chức năng xã hội và giáo dục để có thể cống hiến hoàn toàn cho nghề nghiệp mà không phải lo lắng về tài chính.


Đối với giáo viên có trình độ ngang nhau và thời gian làm việc ngang nhau, nguyên tắc trả lương công bằng cho công việc như nhau cần được công nhận, không phân biệt đối xử.


Điều 9. Giáo viên được nghỉ có lương trong toàn bộ thời gian nghỉ của trường học, được nghỉ ốm có lương và hưởng chế độ trợ cấp đầy đủ, kể cả trợ cấp cho góa phụ, trẻ em và người phụ thuộc.


Điều 10. Giáo viên có quyền được làm việc trong điều kiện thích hợp, với các trang thiết bị cần thiết và quy mô các lớp học đủ nhỏ để giảng dạy hiệu quả.


Điều 11. Việc trang bị cho trường học không nên phụ thuộc vào địa vị xã hội của học sinh, cũng không phụ thuộc vào loại trường học, mà chỉ phụ thuộc vào nhu cầu giáo dục.


Tất cả các trường học cần được cung cấp phương tiện ăn ở thích hợp để tạo điều kiện có đội ngũ nhân viên tốt, có thể đảm nhiệm được các dịch vụ chuyên biệt được giao như chăm sóc y tế và nha khoa, cung cấp bữa ăn tại trường và giáo dục thể chất. Trường học cũng cần có các phòng thí nghiệm, phòng hội thảo và thư viện


Điều 12. Nhà trường cần đóng góp vào sự phát triển nhân cách. Một nguyên tắc nhân đạo, phù hợp với lòng tự trọng của cả học sinh và giáo viên, là phải loại trừ áp bức và bạo lực.


Điều 13. Trẻ em lệch lạc về hành vi (trẻ em cá biệt) cần được giảng dạy trong các lớp học đặc biệt nhằm điều chỉnh càng sớm càng tốt để các em có thể vào lớp học bình thường và có cuộc sống bình thường.


Trẻ em khuyết tật về thể chất không thể tham gia vào hoạt động học đường bình thường cần được giáo dục trong các trường đặc biệt, bằng các phương pháp phù hợp với nhu cầu đặc biệt và tình trạng khuyết tật của họ.


Điều 14. Phải cung cấp các nguồn lực để tiến hành nghiên cứu giáo dục tại các cơ sở giáo dục, nơi mà việc thực nghiệm khoa học khả dĩ tiến hành được trong các điều kiện thích hợp, sao cho có thể đẩy mạnh các tiến bộ của lý thuyết và thực hành về giáo dục. Cần có dịch vụ thông tin để công bố các kết quả nghiên cứu.


Điều 15. Thông qua đại diện được chọn, giáo viên cần có cơ hội để xây dựng các chính sách để cải thiện hoạt động quản lý các trường học và hành nghề.


Đại biểu của Liên đoàn thành viên của Ủy ban hỗn hợp Liên đoàn Quốc tế các nhà giáo
(Đã nhất trí thông qua)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét