Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016
nghị định về từ chức phụ thuộc vào đảng
Ông Trần Quốc Thuận cựu quan chức QH: nghị định về từ chức phụ thuộc vào đảng
Đăng bởi Ha Tran on Thursday, December 1, 2016 | 1.12.16
Tại phiên họp mới đây của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Bộ Nội vụ cần thảo ra nghị định về từ chức. Ông Trần Quốc Thuận, một cựu quan chức Quốc hội hoan nghênh phát biểu của ông Phúc song cũng cho rằng việc hiện thực hóa điều đó sẽ khó khăn do thể chế chính trị Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao (HNCC) hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ tám (CLMV-8) và HNCC Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ bảy (ACMECS-7) tại Hà Nội, ngày 26/10/2016.
Các báo Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Phúc phát biểu hôm 28/11 tại một phiên họp chính phủ nói rằng: “Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”.
Một ngày sau, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trả lời trong một cuộc họp báo là: "Vấn đề xây dựng nghị định này không có gì khó khăn nhiều, Bộ Nội vụ sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khi xây dựng nghị định phải có cơ sở luật pháp, văn bản nào không đúng luật phải theo quy chế mới".
Trong những năm gần đây, cử tri và các đại biểu quốc hội Việt Nam đã nhiều lần gây sức ép về việc “cán bộ lãnh đạo” phải từ chức khi họ “không hoàn thành tốt trọng trách”, đồng thời cũng đòi hỏi phải có quy định pháp lý về vấn đề này.
Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 vừa kết thúc tháng giữa tháng 11, khi trả lời chất vấn, Thủ tưởng Phúc khẳng định “văn hóa từ chức là cần thiết” và khi đó ông cũng đã nói “Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để báo cáo Chính phủ nhằm có văn bản phù hợp tạo điều kiện từ chức trong điều kiện cụ thể”.
Cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận hoan nghênh việc ông Phúc tiếp thu ý kiến cũng như có các hành động về vấn đề quan trọng này. Ông Thuận nói với VOA:
“Cái ý kiến chấp nhận văn hóa từ chức và xây dựng một cơ chế để mà có thể từ chức thì tôi cho rằng điều đó là tốt, đó là dấu hiệu tích cực. Mình nên ủng hộ. Ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đưa ra những câu nói thì tôi thấy dư luận ủng hộ, chẳng hạn như ‘chính phủ liêm chính’, ‘chính phủ hành động’. Tôi cho rằng cũng nên động viên ổng”.
Tuy nhiên, ông Thuận cũng lưu ý rằng do thể chế chính trị Việt Nam nơi Đảng Cộng sản kiểm soát mọi việc và đưa ra quyết định cao nhất, nên công chúng cần phải chờ xem những ý tưởng, dự định của thủ tướng sẽ được đảng thông qua đến mức độ nào. Vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đảng cần phải ra quy chế về từ chức trước:
“Mặc dầu trên hình thức chủ nghĩa thì là của Quốc hội nhưng mà thực tế quyền lực là ở đảng cho nên là đảng phải có một cái quy chế như vậy. Bởi vì ông thủ tướng ông hô hào như thế nhưng mà ông làm gì có quyền cách chức một ông bộ trưởng, làm gì có quyền cách chức một ông chủ tịch tỉnh. Kể cả quận huyện, ông làm gì có quyền cách chức được. Hệ thống chính trị Việt Nam là quyền lực nằm ở chỗ đảng. Đảng phải xây cơ chế, thể chế để có thể tạo điều kiện cho người ta từ chức. Hoặc là đảng có thể ủy quyền, hay là giao quyền cho Quốc hội rồi cho Chính phủ một số lĩnh vực gì đấy”.
Cách đây 4 năm, trong một phiên họp Quốc hội, người tiền nhiệm của ông Phúc là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị một đại biểu Quốc hội hỏi ông “có hướng tới văn hóa từ chức” thay vì chỉ xin lỗi về những vấn đề trong điều hành chính phủ hay không. Ông Dũng đã trả lời ông “không bao giờ xin đảng làm chức vụ này, chức vụ kia và cũng chưa bao giờ thoái thác, từ chối nhiệm vụ mà đảng giao phó”.
(VOA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét