Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016
ĐCSVN nên tự tách ra làm hai đảng
ĐCSVN nên tự tách ra làm hai đảng
Đăng bởi Elvis Ất on Monday, November 21, 2016 | 21.11.16
Trong bài "Đa đảng đa phái, dân chủ dân chọn" đăng trên Talawas ngày 31-3-2007 tôia ra nhận xét là ngay từ khi còn trứng nước, khi Việt Nam Cộng sản đảng bị Stalin bắt phải đổi tên là Đông dương cộng sản đảng, ĐCSVN đã chia làm hai phái đối nghịch nhau: phái Trần Phú, Hà Huy Tập và phái Nguyễn Ái Quốc. Hai phái này, ông Võ Văn Kiệt gọi là Tả khuynh và Hữu khuynh, theo cách gọi của 2 phái đối nghịch dưới thời Cách mạng 1789 Pháp, thường được biết dưới tên Jacobins và Girondins, nguồn gốc của các đảng phái Pháp sau này.
Lịch sử của sự chuyển biến từ một đảng là đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ, thành 2 đảng, Dân chủ và Cộng Hòa cũng giống như vậy. Ở những nước này sự tự tách rời thành 2 đảng đã tạo ra chế độ lưỡng đảng (hay lưỡng liên minh), hai đảng luân phiên nhau cầm quyền hành pháp theo sự lựa chọn của người dân qua phổ thông đầu phiếu và đó cũng là căn bản của dân chủ. Cũng trong bài viết kể trên, tôi có đưa ra ý kiến là với sự toàn trị của ĐCSVN không thể có đa nguyên nên không thể có đa đảng theo đúng nghĩa của nó, tuy trong thực tế, hai phái cố hữu trong Đảng luôn luôn đối nghịch nhau, phải được coi là 2 đảng. Thật ra trong từ ngữ Tây phương 'đảng" (party) cũng chỉ có nghĩa là phần, là phái.
Từ khi tôi viết bài đó đến nay đã hơn 9 năm. ĐCSVN không những đã hoàn toàn bất lực không ngăn cản được sự 2 phái đấu đá nhau công khai, mà còn mỗi ngày một phân hóa, khiến trong mỗi phái lại nẩy sinh ra những bè cánh tranh giành nhau miếng ăn, đưa đến cái hậu quả là đất nước bị kéo lui trở lại thời thập nhị sứ quân cách đây gần 1100 năm..
Tôi thấy ĐCSVN khó mà tránh được bi kịch của ĐCSLX, chỉ ngày trước ngày sau mà hơn 20 triệu đảng viên đã biến mất không còn một mống, nếu không biết đi theo đường lối tự chuyển hóa của những đảng ở Mỹ, ở Pháp, được thành hình sau cuộc cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ (1776-1783) và trong cuộc cách mạng 1789 Pháp đánh đổ chế độ quân quyền.
Bởi vậy sự ĐCSVN phải tìm một con đường để tự chuyển hóa là vấn đề sống chết cho chính ĐCSVN chứ không phải có một thế lực thù địch nào muốn cho Đảng tự chuyển hóa. Trái lại, những "thế lực thù địch", nhất là Tàu cộng, không mong gì hơn là ĐCSVN mỗi ngày một phân hóa chia thành nhiều bè nhiều cánh để Tàu dễ dàng khuynh loát, đồng thời kéo cả dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ của mình.
Vấn đề là dù tự ý hay bị bắt buộc phải chuyển hóa thì ĐCSVN phải chọn mô hình nào?
Chỉ có 2 mô hình:
- Mô hình Tàu cộng. Mô hình này chỉ là mô hình Trung ương tập quyền từ thời Tần Thủy Hoàng với một vị hoàng đế hiện nay là Tập Cận Bình và một triều đình cùng hàng quan lại, là ĐCSTQ.
- Mô hình lưỡng đảng của Mỹ được hình thành cách đây 200 năm khi đảng Dân chủ-Cộng hòa tự tách thành 2 đảng: Dân chủ và Cộng hòa.
Tôi thấy mô hình Mỹ có vẻ thích hợp với tình trạng hiện nay của ĐCSVN nhất:
Tôi xin tóm tắt lịch sử của đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ và những trường hợp nào đã đưa đến sự tách thành 2 đảng là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, thay phiên nhau cầm quyền cho tới ngày nay :
Năm 1792, Thomas Jefferson và James Madison thành lập một đảng lấy tên là Dân chủ-Cộng hòa để làm hậu thuẫn chống lại phái Liên bang (les Fédéralistes) muốn tăng cường chính quyền trung ương liên bang, hạn chế sự tự chủ của các tiểu bang. Jefferson là vị tổng thống đầu tiên của đảng này được bầu năm 1801, giữ 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Sau đó là Madison rồi đến Monroe mỗi người cũng giữ 2 nhiệm kỳ. Jefferson là vị tổng thống thứ ba của Hoa kỳ và được coi là một nhà lập quốc đứng hàng thứ hai sau Washington.
Đảng Dân chủ-Cộng hòa là đảng độc nhất cầm quyền trong một thời gian tương đối khá lâu dài, từ nhiệm kỳ của Jackson năm 1801 cho tới sau nhiệm kỳ của John Quincy Adams năm 1829.
Cũng nên biết vì sao đảng Dân Chủ-Cộng Hòa tự tách ra làm 2 đảng: Ngay từ khởi đầu, trong đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ đã có 2 xu hướng: Xu hướng thứ nhất muốn thống nhất quyền hành trong tay chính quyền liên bang, bênh vực lợi quyền của những doanh thương miền Bắc, đa số là người da trắng theo đạo Tin Lành. Xu hướng thứ hai đại diện cho những tầng lớp nhân dân miền Nam và miền Tây gồm những cộng đồng thiểu số, sắc tộc cũng như tôn giáo, và những thành phần trí thức, văn nghệ sĩ. Năm 1824 xẩy ra sự tranh giành giữa 2 ứng cử viên tổng thống, Andrew Jackson, đại diện xu hướng miền Nam và John Quincy Adams, đại diện xu hướng doanh thương miền Bắc. Cả 2 đều không đạt được đa số tuyệt đối, nhưng Adams lại được Quốc hội bỏ phiếu chọn. Phe theo Jackson tự li khai ra khỏi đảng, thành lập một đảng mới mang tên là đảng Dân chủ. Phe Adams cũng thành lập một đảng khác lấy tên là đảng Whip. Andrew Jackson, người đầu tiên của đảng Dân chủ được bầu 2 nhiệm kỳ liền. Năm 1854 đảng Whip đổi tên là đảng Cộng hòa với danh nghĩa tranh đấu chống sự một tiểu bang miền Bắc muốn hợp pháp hóa chế độ nô lệ. Chế độ lưỡng đảng ở Hoa kỳ bắt đầu từ năm đó.
Nhưng những trường hợp của ĐCSVN có giống những trường hợp của đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ không?
Muốn trả lời phải trở lại thời những đảng của ông Hồ: Có nhiều người muốn ví ông Hồ với Washington và cho ông Hồ cũng như Washington, là người vô đảng phái, hay còn hơn nữa, đứng trên các đảng phái khi tập hợp mọi người yêu nước, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, trong một tổ chức, không phải là một đảng mà chỉ là một hội, mang tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Chỉ sau khi ĐCSVN bị chính ông Hồ giải tán, thì Đảng Lao động Việt Nam mới được ông Hồ thành lập. Bởi vậy, về mặt pháp lý, nói ĐCSVN là đảng của ông Hồ là nói không đúng, tuy thật ra những sự trá hình đổi tên cũng chỉ là những thủ đoạn của ông Hồ.
Và nếu Lê Duẩn không ngu xuẩn vẫn giữ tên đảng Lao động, vẫn duy trì 2 đảng "anh em" là đảng Dân chủ và đảng Xã hội và Mặt trận giải phóng miền Nam, vẫn giữ tên nước là VNDCCH, thì ĐCSVN (đảng Lao Động), chỉ cần dành một số ghế đại biểu QH cho 2 hay 3 đảng này, thả cho Tư pháp một chút tự chủ, thì vẫn giữ đa số trong Quốc hội và vẫn nắm quyền Hành pháp, đồng thời đất nước không bị thêm 2 cuộc chiến tranh, không có 3 triệu người di tản, 1 triệu người bị đầy đọa trong các trại học tập, và nhất là không bị mất biển mất đảo, không bị nằm trong vòng cương tỏa của Tàu cộng.
Vì sự ngu xuẩn của Lê Duẩn mà sai một li đi một dậm. Bởi vậy muốn tự cứu mình tránh trong Đảng tự thịt nhau vì tranh nhau quyền lợi, tránh đảng bị đi đến sự tan rã, và nhất là tránh cho người dân khỏi bị, không phe này thì cánh kia bóc lột, ức hiếp, không còn cách nào khác là đảng phải tự tách ra làm 2 theo mô hình của đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ cách đây 200 năm.
Kết Luận
Có người nói, dù có đấu đá nhau, thậm chí có chém giết nhau vì tranh giành nhau lợi quyền, nhưng đầu óc những bè phái trong Đảng đều hệt như nhau thì dẫu có chia làm 2 cũng chả có gì thay đổi và dân lại càng khổ hơn vì trước chỉ có một đảng ức hiếp mình nay lại có 2 đảng.
Tôi thì nghĩ ngược lại: 1) Một khi tự phân ra làm 2 đảng thì lực lượng đàn áp dân là công an và quân đội bắt buộc phải đứng trung lập. 2) Khi đã thành 2 đảng thì 4 triệu đảng viên có quyền lựa chọn theo đảng nào, hay chả theo đảng nào cả, tùy bản lãnh và sức lôi kéo của lãnh tụ mỗi đảng và nhất là về đối ngoại, đảng nào có vẻ cởi mở hơn, thiên về Tàu hay về Tây phương hơn thì lôi kéo được nhiều người hơn. 3) Khi có 2 đảng thì tất nhiên là mỗi đảng được quyền đề cử một ứng cử viên với những lời lẽ tranh cử khác nhau nên người dân ít nhất cũng có quyền chọn lựa một trong 2 người. Nguyên tắc "check and balances" (kiểm soát và đối trọng) trong tam quyền phân lập của Mỹ, dầu muốn dầu không cũng được áp dụng một phần nào giữa 2 đảng để kiểm soát lẫn nhau, cân bằng nhau và không thể tự kết tội nhau là thế lực thù địch được. Đó cũng là phương cách duy nhất để chống tham nhũng vì mỗi một đảng sẽ có một cơ quan báo chí, truyền thông riêng.
Phong Uyên
(Dân Luận)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét